Ý kiến: Vì sao Đảng không thích có luật biểu tình?

- Quảng Cáo -

Hà Nguyên (VNTB)

Dự luật về quyền biểu tình chưa thể thông qua vì Đảng e lại xảy ra những mối nguy “đảo chánh” như chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Điều 4 của Hiến pháp nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất toàn quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Như vậy sở dĩ lâu nay dự luật về quyền biểu tình chưa thể thông qua vì Đảng không thích lại xảy ra những đe dọa của “đảo chánh” như chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam trước tháng 4-1975.

- Quảng Cáo -

Người đứng đầu Đảng Cộng sản liên tiếp 3 nhiệm kỳ là ông Nguyễn Phú Trọng dường như đã không thích luật hóa quyền tự do biểu tình, và “lo xa” này của ông Tổng bí thư đúng là có căn cứ, khi mà mới đây Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana trong một tuyên bố trên truyền hình ngày 9-7: “Để đảm bảo quá trình chuyển đổi hòa bình, tổng thống cho biết ông sẽ từ chức vào ngày 13-7. Tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và giữ gìn trật tự an ninh”.

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka nói thêm quốc hội sẽ nhóm họp trong vòng 7 ngày để chọn quyền tổng thống. Ông nói: “Quốc hội có thể chỉ định thủ tướng mới và thiết lập chính phủ lâm thời. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức một cuộc bầu cử để người dân bầu ra quốc hội mới”.

Tin tức trên truyền thông phương Tây cho biết người dân tại một số nơi ở thủ đô Colombo đã đốt pháo hoa ăn mừng sau khi nghe tin Tổng thống Rajapaksa sắp từ chức.

Diễn biến ở trên chỉ là giọt nước tràn ly.

Sri Lanka ngày 12-4-2022 tuyên bố vỡ nợ, sau khi vật lộn với đợt khủng hoảng kinh tế, xã hội xuất phát từ tình trạng thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại nước này nổ ra trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng.

Một ngày sau tuyên bố vỡ nợ, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry gặp đại sứ Trung Quốc Thích Chấn Hoành để thảo luận về tình hình kinh tế của quốc đảo Nam Á. Ông Thích cho biết Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ Sri Lanka trong “thời gian thử thách”.

Colombo đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ gói tín dụng 2,5 tỷ USD, gồm khoản vay 1 tỷ USD để thanh toán nợ đến hạn và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để nhập hàng hóa Trung Quốc – có nghĩa là Sri Lanka muốn vay tiền Trung Quốc để trả nợ… Trung Quốc. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ nói nước đôi rằng nước này đang và sẽ làm hết sức mình để giúp Sri Lanka cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội, song không nhắc đến đề nghị xin giãn nợ hồi tháng 12-2021 của Colombo.

Bình luận về vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc cung cấp gói cứu trợ đặc biệt cho Sri Lanka, các quốc gia khác gặp khó khăn tương tự trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng sẽ đưa ra yêu cầu tương tự vì rõ ràng các khoản nợ nần này đến từ việc bắt tay với Trung Quốc trong cái gọi là sáng kiến Vành đai và Con đường mà Tập Cận Bình khởi xướng.

Theo một số ước tính của truyền thông phương Tây, Sri Lanka đang nợ nước ngoài khoảng 51 tỉ USD. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa biện minh rằng Bắc Kinh không phải là tác nhân đẩy nước này đến bờ vực vỡ nợ và các khoản vay Trung Quốc chỉ chiếm 10% khoản nợ của Sri Lanka.

Tuy nhiên dân chúng Sri Lanka không còn niềm tin vào nội các của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, vì chính phủ này đã phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để hoán đổi khoản nợ 1,2 tỷ USD. Họ liên tục xuống đường biểu tình yêu cầu “đảo chánh”.

“Chúng tôi lẽ ra đã có được rất nhiều thứ, nhưng giờ đang mất tất cả. Lãnh đạo đất nước không biết đang làm gì và kéo tất cả chúng tôi chìm cùng” – nhiều người dân ở thủ đô Colombo, nói như vậy.

Biểu tình thì không liên quan gì đến đa nguyên, đa đảng. Nhưng nếu Việt Nam có luật về quyền tự do biểu tình, thì hoàn toàn có thể đe dọa đến ghế độc tôn quyền thế chính trị của người đứng đầu Đảng, nhất là về hiến định thì mọi quyết sách sai lầm trong quản trị kinh tế – xã hội đều quy về một địa chỉ trách nhiệm là Tổng bí thư Đảng./.

- Quảng Cáo -