Văn Tâm – Luật Khoa
Ngày 12/5/2022, sau khi Công an tỉnh Long An bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, Lê Thanh Nhị Nguyên đã lên tiếng trong một video trên Youtube: [1]
“Ngày hôm nay, công an đã tới đây nói khởi tố và bắt tạm giam cô Cúc… Không biết cô Cúc đã làm gì mà bị khởi tố nữa… thì công an mới đưa cái này là thông báo kết luận giám định… Nói rằng cô Cúc có mấy câu nói [trong clip] mà đã phạm vô Điều 331.”
15 ngày sau đó, Nhị Nguyên bị bắt tạm giam, trở thành người thứ sáu bị khởi tố theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, với án phạt có thể lên đến 7 năm tù giam. [2]
Điều 331 là một điều luật đặc biệt nguy hiểm. Nó cho phép chính quyền kết tội bất kỳ ai bị cho là đã “lợi dụng các quyền tự do” – hay nói cách khác là đã sử dụng các quyền tự do vượt quá mức độ mà chính quyền có thể chấp nhận được.
Bất cứ ai đều có thể bị tống vào tù theo Điều 331. Năm nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch bị kết án tù vì chỉ trích các quan chức địa phương. Doanh nhân Phương Hằng đang bị khởi tố sau các video bị cho là xúc phạm các cá nhân. Hay ông chủ một cửa hàng sim số ở TP. Cần Thơ bị phạt 1,5 năm tù giam sau khi bị chính quyền truy tố về hàng loạt hành vi của ông trên Facebook, trong đó có bình luận về vụ việc Đồng Tâm, đăng ảnh một chiếc quần lót cùng với ảnh cổng chào năm mới của TP. Cần Thơ. [3]
Và giờ đây là sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai, những người không hiểu vì sao họ lại bị chính quyền khởi tố. Tuy nhiên, chính quyền thì lại hiểu rất rõ vì sao chuỗi ồn ào ở Tịnh thất Bồng Lai phải chấm dứt bằng những bản án tù.
Tịnh thất Bồng Lai đã làm gì?
Sau khi bà Cao Thị Cúc đưa Lê Thanh Huyền Trân, một cô bé mồ côi, tu theo đạo Phật, tham gia Giọng hát Việt nhí năm 2014, [4] Tịnh thất Bồng Lai bắt đầu được hình thành với nhiều trẻ em được cơ sở này cưu mang. [5]
Năm 2017, Tịnh thất Bồng Lai bắt đầu nổi tiếng khi Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Hoàn Nguyên cất giọng hát trong chương trình Tuyệt Đỉnh Song Ca. Lúc này, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An đã lên tiếng đòi chính quyền xử lý Tịnh thất Bồng Lai vì cho rằng những người ở đây “giả dạng nhà tu”, cơ sở này không trực thuộc giáo hội, gây ảnh hưởng đến uy tín Phật giáo. [6]
Năm 2019, Tịnh thất Bồng Lai càng nổi tiếng hơn khi có năm em bé đoạt giải thưởng cao nhất trong chương trình truyền hình Thách thức Danh hài. [7]
Danh tiếng luôn đi kèm với rắc rối. Năm 2019, các thành viên ở Tịnh thất Bồng Lai đã đăng tải clip tranh cãi với công an tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An khi truy tìm một cô gái có tên “Diễm My”. Cô này đã bỏ nhà ra đi và từng ở Tịnh thất Bồng Lai. [8]
Đến tháng 6/2020, Diễm My lại trốn khỏi nhà của ba mẹ mình. [9] Cuộc truy tìm lại nổi lên trên mạng xã hội, trở thành một trào lưu đùa cợt liên quan đến Diễm My và Tịnh thất Bồng Lai. Sự việc ồn ào này dấy lên nghi ngờ rằng nơi này dùng trẻ em và tôn giáo để trục lợi. [10]
Tháng 11/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền tỉnh Long An cho biết sẽ xử lý Tịnh thất Bồng Lai. [11]
Lúc này, Tịnh thất Bồng Lai đã cực kỳ nổi tiếng. Kênh Youtube “5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” với khoảng 800 triệu lượt xem, ngoài ra họ còn có hàng loạt các kênh khác trên mạng xã hội. [12] Các thành viên nơi đây đặc biệt nổi tiếng nhờ giọng hát, khả năng diễn xuất trong các video trên mạng xã hội.
Đến đầu tháng 1/2021, chính quyền khởi tố vụ án và bắt giữ bốn thành viên ở Tịnh thất Bồng Lai, trong đó có ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi. Báo chí lập tức đưa tin cơ sở này bị công an khởi tố vì tội loạn luân, lừa đảo. [13] Tuy nhiên, đến nay vụ án này chỉ bị khởi tố theo Điều 331, nghĩa là không phải loạn luân, cũng không phải lừa đảo. Việc đưa tin sai lệch khi đó đã khiến công chúng phẫn nộ đối với Tịnh thất Bồng Lai. Giờ đây, dư luận nên bắt đầu hoài nghi về tính chính đáng của việc khởi tố vụ án này.
Những cáo buộc chắp vá
Dựa trên thông tin từ báo chí nhà nước, có thể thấy các cáo buộc đối với Tịnh thất Bồng Lai cho đến nay chỉ là những quy chụp một cách chắp vá, đầy miễn cưỡng.
Đầu tháng 6/2022, báo Công an TP. Hồ Chí Minh đăng bài viết “Sự thật kinh hoàng ở ‘Tịnh thất Bồng Lai – Thiền am bên bờ vũ trụ’” để tóm tắt kết luận điều tra vụ án. Tuy nhiên, nội dung bài viết không có gì là kinh hoàng. [14]
Bài viết dẫn ra ba cáo buộc chính trong vụ án. Thứ nhất, các thành viên tịnh thất đã gây rối, quay phim, đăng tải clip tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa vào năm 2019 với nội dung xúc phạm cơ quan công an.
Thứ nhì, họ đã tham gia chương trình truyền hình, làm các video “mạo danh Phật giáo”, có nội dung xuyên tạc, xúc phạm tổ chức, cơ quan, cá nhân, có tính kích động nhằm kiếm tiền từ Youtube, thu hút từ thiện.
Thứ ba, có bốn cá nhân tố cáo tịnh thất, trong đó có hai chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ và Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An Thích Minh Thiện. Hai vị này tố cáo Tịnh thất Bồng Lai xúc phạm họ, xúc phạm Phật giáo. Hai người tố cáo còn lại cho rằng nơi này gây mất an ninh trật tự, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Ba cáo buộc trên hoàn toàn có thể xử lý theo một chiều hướng khác hợp lý hơn, tôn trọng quyền tự do của các bên. Ví dụ như việc tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng. Các tố cáo của các cá nhân đối với Tịnh Thất Bồng Lai có thể giải quyết ở tòa dân sự. Nhưng vì sao chính quyền chọn cách gộp chung để khởi tố theo Điều 331?
Chính quyền được gì?
Việt Nam là một trong những nước có tình hình tự do tôn giáo tồi tệ trên thế giới. Sau năm 1975, một số tôn giáo đã bị cấm hoạt động hoàn toàn. Ngày nay, chính quyền kiểm soát vô cùng chặt chẽ các hoạt động tôn giáo.
Năm 2004 và 2005, chính phủ Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo. Sau đó, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, thuộc Quốc hội Mỹ, liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách này. [15]
Năm 2014, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đã báo cáo sau chuyến làm việc tại Việt Nam: “Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng [tôn giáo, tín ngưỡng độc lập, không được công nhận ở Việt Nam] bị vi phạm rõ ràng với sự giám sát, đe dọa, sách nhiễu và đàn áp liên tục”. [16]
Năm 2015, hơn 35 tổ chức xã hội dân sự ở Đông Nam Á đã kêu gọi Việt Nam phải sửa đổi dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo khi dự thảo này đặt ra những quy định trái với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế về tự do tôn giáo. [17] Một năm sau, dự thảo trở thành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mà không có sửa đổi nào đáng kể.
Đối với Phật giáo, chính quyền Việt Nam chỉ công nhận duy nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các tổ chức Phật giáo khác đều bất hợp pháp, kể cả Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Các pháp môn, cơ sở Phật giáo muốn hoạt động công khai đều phải gia nhập giáo hội này. Đây là khuôn khổ mà chính quyền cố gắng duy trì, nhưng Tịnh thất Bồng Lai đạp đổ nó.
Nhiều năm qua, chính quyền dù muốn nhưng không có căn cứ xử lý Tịnh thất Bồng Lai. Các thành viên nơi đây chỉ nhận cơ sở của mình là nhà riêng để tu hành. Tuy nhiên, khác với các cơ sở “lấy nhà làm chùa” khác thường hoạt động âm thầm để tránh bị chính quyền, giáo hội can thiệp, Tịnh thất Bồng Lai lại hoạt động công khai.
Việc Tịnh thất Bồng Lai không đăng ký với chính quyền theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo nhưng vẫn hoạt động công khai, đặc biệt là trên mạng xã hội là điều chính quyền không mong muốn. Nó tạo ra một tiền lệ, và có thể thúc đẩy các hoạt động Phật giáo độc lập khỏi sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Mặt khác, Tịnh thất Bồng Lai sở hữu cùng một thứ với những người bị truy tố theo Điều 331, đó là năng lực làm truyền thông đại chúng. Việc kiếm tiền từ các video giải trí vô thưởng vô phạt như ca hát, vui chơi của các em bé ở tịnh thất có thể không phải là thứ chính quyền quan ngại. Tuy nhiên, các thành viên nơi đây trong một vài dịp đã sử dụng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội của mình để đáp trả công an, chính quyền địa phương, các chức sắc của giáo hội.
Từ việc sử dụng quyền tự do để chỉ trích các cá nhân, quan chức đến việc chỉ trích luật pháp, hệ thống chính trị chỉ cách nhau một gang tay. Những vấn đề trên đây đã biến Tịnh thất Bồng Lai thành một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với chính quyền, cần phải bị loại bỏ ngay khi có cơ hội.
Hình sự hóa việc thực hành quyền con người
Vụ án Tịnh thất Bồng Lai theo hướng khởi tố vụ án hiện tại cho thấy xu hướng hình sự hóa việc thực hành các quyền con người tại Việt Nam. Hiểu nôm na ở khía cạnh quyền tự do ngôn luận là khi bạn bình luận về ai đó mà người đó không đồng ý, họ đi báo công an thì bạn có thể bị bắt và phải ngồi tù.
Tịnh thất Bồng Lai từng nhiều lần bị các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ trích trước công chúng, nhưng các thành viên tịnh thất không báo công an. [18] Tuy nhiên, khi các thành viên tịnh thất phản bác lại thì lại bị các chức sắc cho là xúc phạm họ, [19] và họ tố cáo lên công an. [20]
Những mâu thuẫn loại này hoàn toàn có thể được giải quyết bằng việc khởi kiện ra tòa dân sự. Khi đó, tòa án sẽ xem xét các phát ngôn có căn cứ hay không, có phạm luật hay không, và đáp ứng yêu cầu bồi thường nếu có tổn thất thật sự.
Điều 331 là một điều luật mơ hồ và không có căn cứ rõ ràng để xác định như thế nào là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Tiền thân của Điều 331 vốn là Điều 258 trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Heiner Bielefeldt đã lên án về tính mơ hồ của Điều 258: “Ngay cả các thành viên của một tòa án địa phương cấp tỉnh và Tòa án Nhân dân Tối cao [của Việt Nam] cũng không thể làm rõ ý nghĩa của thuật ngữ ‘lợi dụng’ và không xác định được những hành vi nào sẽ cấu thành vi phạm pháp luật”. [21]
Không một tổ chức nhân quyền nào đồng ý với Việt Nam về việc thực thi Điều 331. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng Điều 331 hoàn toàn vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam. [22] Đến nay, 54 người đã bị khởi tố theo tội danh này, theo thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project. [23]
Chính quyền hay các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Tịnh thất Bồng Lai hoạt động tôn giáo bất hợp pháp – điều này là đúng với pháp luật Việt Nam, nhưng sai so với chuẩn mực về quyền tự do tôn giáo.
Báo cáo viên đặc biệt Heiner Bielefeldt sau chuyến làm việc tại Việt Nam cũng đã bình luận rằng: “Việc thực hiện các quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không thể bị thu hẹp do phụ thuộc vào bất kỳ hành vi phê duyệt hành chính nào; là một quyền con người phổ quát, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng vốn có trong tất cả mọi người, trước bất kỳ hành vi đăng ký hoặc công nhận chính thức”. [24]
Đặc biệt, ông Heiner Bielefeldt nhấn mạnh rằng: “Việc phải đăng ký chính thức với Chính phủ [Việt Nam mới được phép hoạt động] không đảm bảo tôn trọng đầy đủ tự do tôn giáo, tín ngưỡng.”
Tiếp đến, theo tường thuật về kết luận điều tra vụ án Tịnh thất Bồng Lai, công an đã chỉ trích việc các thành viên ở tịnh thất quỳ lạy, sùng bái ông Vân. Đây rõ ràng là quyền thực hành tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Tịnh thất Bồng Lai. Chính quyền cần tôn trọng, không nên cho mình quyền được can thiệp vào thực hành này.
Ngay cả khi Tịnh thất Bồng Lai có thực hành, phổ biến sai lệch giáo lý đạo Phật, đó cũng là vấn đề của cộng đồng Phật giáo chứ không phải là việc của chính quyền.
Bản chất của quyền tự do tôn giáo là sự khoan dung đối với các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng khác biệt. Bất cứ quy định nào trái với điều này thì không còn là tự do tôn giáo mà là đàn áp tôn giáo.
Khi bị khởi tố theo Điều 331, vụ án Tịnh thất Bồng Lai không dừng lại ở việc trừng phạt các cá nhân nữa, mà nó là phát súng của chính quyền hướng về xã hội, đe dọa bất cứ ai dám bước qua vạch giới hạn do chính quyền vẽ ra. Nhưng chẳng ai biết cái vạch đó nằm ở đâu, ngoài chính quyền./.