Tân Phong – Việt Tân
Mới chỉ là mùng 10 tháng Năm nhưng ám ảnh bởi lời nguyền “Sell in May” đã biến thành cơn tháo chạy hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Diễn biến này hoàn toàn rất logic. Điều ngạc nhiên là nó đã trễ tới… 4 năm mà thôi.
Nguyên nhân đơn giản là dòng thác tiền đã ào ạt đổ vào bất động sản và chứng khoán với một qui mô chưa từng có kể từ 2018 dưới trào của Nguyễn Xuân Phúc và được tiếp tục ở “tầm cao mới” dưới thời ông tướng công an Phạm Minh Chính. Giờ thì là lúc cuộc vui nào cũng phải tàn. Bong bóng bất động sản sẽ xì hơi và hàng triệu các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ nhận về mớ giấy lộn sau 2 năm ôm giấc mộng “làm giàu không khó.” Rút cục, chỉ trong vòng 4 năm, Việt Nam có thêm nhiều tỉ phú USD giàu lên từ đất, từ bán giấy lộn lấy tiền và có hàng chục triệu “con bạc” cháy túi hoặc ôm về những mảnh đất hoang, những căn hộ, biệt thự dở dang, những lô đất nền ở những đô thị ma… thông minh.
Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Hơn cả một thảm họa, từ mốc dấu quyết định mở rộng Hà Nội gấp 3,6 lần diện tích cũ của Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2008, với tham vọng trở thành “siêu đô thị mang tầm thế giới,” đã tạo ra một quả bong bóng bất động sản cực lớn. Phong trào thi đua “phân lô bán nền” tất cả các vùng Hà Nội mở rộng, đã khởi đầu cho một làn sóng vô tiền khoáng hậu. Những “cá mập” BĐS sau khi đã ăn no ở thị trường Hà Nội sau cơn sốt 2008 đã vươn ra khắp mọi miền đất nước để “phân lô bán nền.” Chỉ 15 năm sau, từ hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi, từ núi rừng Tây Nguyên cho đến đất ven biển…tất cả đều đã được “chia lô tách thửa” ở các cấp độ khác nhau.
“Cá mập” thì bắt tay với quan chức, ngân hàng lập “dự án vẽ” tỷ USD, bán “tài sản hình thành trong tương lai,” bán cổ phiếu, phát hành trái phiếu “3 Không” để thu tiền dân, sổ đỏ dự án lại “cắm” ngân hàng với định giá trên trời để rút tiền và quay vòng dự án khác. “Cá rô, cá diếc” thì chơi theo nhóm, theo bầy mua gom vài ngàn m², vài hecta rồi xin “hiến đất làm đường,” chia lô tách thửa… “Cá lòng tong” thì vay mượn người thân, ngân hàng vài trăm triệu, vài tỷ đồng “găm” vài căn chung cư, vài miếng đất để “lướt sóng.” Từ bà bán xôi, đến cậu sinh viên mới ra trường, viên chức… tất cả đều mở miệng là nói về đất.
Không ai có thể tin nổi những tỉnh thành ở biên giới, vùng sâu, vùng xa như Bình Phước, cho đến những thửa ruộng khô nắng cháy ở Phan Rang, Phan Thiết, những núi đồi trơ trọi ở Đắk Lắk, Kontum, Lâm Đồng… Hà Giang, Yên Bái, Tiên Yên – Ba Chẽ (Quảng Ninh) đều bị “băm nhỏ” để phân lô. Không chỉ đất ở, mà đất nông nghiệp, đất rừng, đất phòng hộ, đất làm muối, đầm nuôi thủy hải sản… những nơi hoang vu không có người, cũng có giá hàng tỉ đồng.
Làn sóng này khiến cho đất đai không còn mang giá trị “phương tiện sản xuất” nữa. Thay vào đó, giới đầu cơ Việt Nam đã “sáng tạo” ra những khái niệm mới: “coin đất nền, coin BĐS dự án, coin condotel, coin shophouse…” Cùng với núi trái phiếu “3 Không,” “cổ phiếu trà đá” được phát hành vô tội vạ với sự thông đồng của đám viên chức nhà nước và giới ngân hàng thương mại, tạo ra một ma trận khủng khiếp. Nó khiến cho cả một quốc gia bị nhấn chìm trong cơn quay cuồng buôn đi bán lại những tờ giấy “Chứng nhận quyền sử dụng đất” hay đống giấy vay nợ “không bảo chứng, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo.” Một cuộc đỏ đen không hơn không kém, những game lừa đảo hứa hẹn ăn lãi theo cấp số lần hay đầu tư nhị phân “không làm mà cũng có ăn” bùng nổ lan tràn hơn cả cúm Tàu với mức độ tàn phá không hề thua kém.
“Núi sổ đỏ” được thế chấp trong khối ngân hàng thương mại, được định giá tới 11,5 triệu tỉ đồng, tương đương 500 tỉ Mỹ Kim. Điều đó có nghĩa, một lượng tiền tương đương khoảng 300 tỉ Mỹ Kim đã được “rút ruột” dưới nhiều hình thức cho vay có tài sản đảm bảo. Nhưng vấn đề ở chỗ giá trị tài sản được định giá phần lớn là giá trị ảo hay bị đã thổi lên hàng chục trong vòng 15 năm qua. Những dự án được xây dựng, được vẽ ra chỉ để cầm cố cho ngân hàng, định giá cao và vay tiếp khoản mới. Đó là một vòng quay mà cái kết cuối cùng là quả bóng sẽ nổ tung. Hơn 80% giao dịch bất động sản (BĐS) ở Việt Nam là đầu cơ và khi ngân hàng chỉ rục rịch tăng lãi suất và có động thái hạn chế bớt cho vay mua BĐS thì thanh khoản đã suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, có khoảng 30 tỉ USD được thế chấp bằng giấy Nợ là trái phiếu “3 Không” và cổ phiếu rác. Một phần nhỏ núi tiền này được ném vào vòng quay roulette đầy may rủi để “tái đầu tư,” làm mồi nhử cho đám tay mơ hám lợi. Một phần lớn được các cá mập bất động sản – ngân hàng và viên chức cỡ bự chia chác. Đám đông khổng lồ chỉ quan tâm tới việc giành giựt nhau những lô đất có vị trí đẹp, có dự án lớn sắp triển khai, có đường lộ sắp mở… lê la trên các diễn đàn, MXH nghe ngóng tin đồn trên thị trường chứng khoán. Cả quốc gia đã bị “phân lô, bán nền,” “chia lô, tách thửa” với tâm thế bầy đàn của hàng triệu con bạc khát nước như thế.
Lẽ ra, bất động sản phải được qui hoạch, sử dụng như một nguồn tài nguyên giá trị nhất, có tác động đòn bẩy cho nền kinh tế thì trái lại nó đã biến thành một chiếu bạc khổng lồ. “Nhà cái” ở đây chính là đám chóp bu CSVN với vài ngàn các doanh nghiệp sân sau, giới chức ngân hàng và một số ít các quĩ đầu tư nước ngoài… Còn nhớ, khi dự án sân bay Long Thành chuẩn bị công tác kiểm kê để tính tiền đền bù, triển khai dự án, chỉ riêng con trai của một ông phó giám đốc Sở Giáo Dục thành Hồ là Phạm Ngọc Thanh đã sở hữu tới 950 hecta đất nông nghiệp.
Ước tính, tiền đền bù đã là hàng ngàn tỉ đồng. Khi thông tin bị rò rỉ trên mạng xã hội Facebook, giới chức thành Hồ và Đồng Nai đã lên tiếng thanh minh và hứa sẽ cho “rà soát, kiểm tra thông tin.” Sau đó, vụ việc này đã được ém nhẹm. Kiểu tham nhũng chính sách và trục lợi từ thông tin qui hoạch như vậy là “chuyện thường ngày ở huyện” tại Việt Nam. Nguồn tiền mà đám quan chức “nhà cái” thu được sẽ được đem chuyển thành USD để mua quốc tịch và sắm biệt thự ở những khu thượng lưu ở Cali, Paris hay Dubai, Úc…
Nguồn tài nguyên đất đai hữu hạn đã đến giai đoạn bong bóng cực độ. Đồng nghĩa với mức tăng trưởng theo hàm mũ của thị trường bất động sản và chứng khoán là mọi nguồn lực xã hội bị hút cạn và còn lại rất ít dư địa cho các ngành sản xuất, dịch vụ, khoa học, giáo dục, kỹ thuật… Trong khi đó, đây mới là những lĩnh vực cần thiết cho một quá trình phát triển bền vững của một quốc gia.
Sau 37 năm “đổi mới” và hội nhập, nền kinh tế có cái đuôi XHCN vẫn dựa vào gia công giản đơn như da giày, lắp ráp điện tử, may mặc và “tạm nhập tái xuất” cho hàng Tàu. Thặng dư ngoại thương quốc gia 2017 (trước khi ký kết EVFTA) chỉ hơn 3 tỷ USD, chưa bằng ¼ so với việc xuất khẩu nô lệ giá rẻ. Nông nghiệp là thế mạnh Việt Nam với lúa gạo và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với một rủi ro chưa từng có về biến đổi môi trường. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ cần đóng biên giới 1 tháng đã đủ để gây ra một cuộc khủng hoảng rộng khắp nền sản xuất nông nghiệp trong nước. Đó là chưa kể, 90% vật tư và máy móc nông nghiệp hoàn toàn phải dựa vào nhập khẩu. Đây là một nền kinh tế rỗng và căn nguyên của nó một phần lớn là không đủ nguồn lực đầu tư cũng như tầm nhìn phát triển, bên cạnh vô số những khiếm khuyết phát sinh từ một hệ thống quản trị quốc gia thiểu năng và tham nhũng.
Lợi nhuận quá lớn trong một thời gian ngắn từ các cuộc sốt bất động sản, chứng khoán tạo ra hiệu ứng “trăm sông đổ bể.” Nguồn tiền thặng dư các lĩnh vực kinh doanh khác, kiều hối và đặc biệt là tiền bẩn, tiền từ tham nhũng lại đổ vào đất. Một vòng lặp luẩn quẩn kéo lùi sự phát triển quốc gia mãi không dứt. Quốc gia ngày một chìm sâu vào núi Nợ, dân chúng ngày càng bị bần cùng hóa, quan chức ngày một siêu giàu. Và “ngôi sao Việt Nam chưa kịp sáng đã …lịm tắt” như một hệ quả tất yếu khách quan. Dù sao thì mới chỉ là mùng 10 tháng Năm cũng như cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu cho thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế định hướng Xuống Hố Cả Nút.
Tân Phong