Vẫn là những miếng mồi nhử

- Quảng Cáo -
Giáo hội Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ, hiệp thông với Giáo hoàng. Việt Nam là nước có tỷ lệ số giáo dân trên tổng dân số và số lượng giáo dân đứng thứ 5 ở Châu Á. Công giáo Việt Nam từng được mệnh danh là “Trưởng nữ của Giáo hội tại Á châu”.

Vậy nhưng, cho đến nay, sau 500 năm đạo Công giáo vào Việt Nam thì Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay vẫn không có đại diện thường trú của Tòa Thánh tại đây.

Với một Giáo hội Công giáo khá đông đúc, việc Tòa Thánh Vatican chú ý đến Giáo hội Công giáo Việt Nam là điều hiển nhiên và là sự cần thiết. Bởi trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam sự hiện diện của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam đã có từ năm 1925, nghĩa là trước khi người Cộng sản cướp chính quyền tại Việt Nam 20 năm, và trước 50 năm khi chính quyền miền Bắc Việt Nam xâm lược thành công Việt Nam Cộng Hòa.

Và kể từ đó, đại diện Tòa Thánh Vatican bị đuổi khỏi Việt Nam để Việt Nam tự đóng cửa với thế giới và chỉ giao lưu với mấy quốc gia cộng sản vô thần. Với chính sách này, Việt Nam đã đưa đất nước bước vào thời kỳ suy sụp về mọi mặt, nhất là kinh tế.

Đặc biệt với những sự lục đục trong khối cộng sản, Việt Nam mất đi chỗ dựa để xin viện trợ, và các chính sách kinh tế, chính trị của Đảng CSVN đã đưa cái đói đến làm cho đất nước điêu linh.

- Quảng Cáo -

Thế rồi, hệ thống cộng sản sụp đổ không thể cưỡng nổi như một quy luật tất yếu. Việt Nam buộc phải mở cửa ra thế giới.

Chỉ đến khi đó, mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican với Việt Nam mới được khởi động trở lại bằng một quá trình từ rất lâu với nhiều thiện chí và nỗ lực của Tòa Thánh, cũng với nhiều sự nhượng bộ và bày tỏ sự cần thiết của Tòa Thánh Vatican.

Thêm một cuộc họp

Cuộc họp giữa phái đoàn công tác của Vatican đến Hà Nội họp với phía Việt Nam để bàn về tiến trình thiết lập quan hệ giữa hai bên vừa kết thúc. Phái đoàn Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Miroslaw Wachowski dẫn đầu. Đây là lần đầu tiên ngài đến Việt Nam trong sứ vụ này. Đây là vòng đàm phán lần thứ 9 kể từ khi khởi động cuộc đàm phán cách đây hơn chục năm trước.

Và sau gần chục cuộc họp giữa hai bên, báo chí Việt Nam chỉ viết: “Trong khuôn khổ cuộc họp vòng 9, hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến dự thảo Quy chế hoạt động của Đặc phái viên thường trú và Văn phòng đặc phái viên thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, phù hợp với lộ trình nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh; nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên trao đổi, tiếp xúc ở các cấp nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican trên cơ sở hợp tác, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau”.

Nghĩa là ở cuộc họp này, vẫn chỉ là chuyện “trao đổi các nội dung liên quan đến dự thảo Quy chế hoạt động” của Đặc phái viên thường trú và Văn phòng đặc phái viên thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam”

Còn phía Tòa Thánh thì thông báo: Cuối cùng, hai bên đã đạt được một thoả thuận về “các vấn đề liên quan” để trong tương lai gần, nâng mức độ quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh từ Đại diện không thường trú thành thường trú. Hai bên nhất trí về các bước trong tương lai sẽ được thực hiện để thành lập văn phòng Đại diện thường trú tại Hà Nội”.

Và như vậy, thì việc có đại diện thường trực tại Việt Nam của Tòa Thánh, vẫn là cái chuyện của tương lai và chưa có một mốc nào cụ thể.

Và điều đó, thì cũng na ná như cuộc họp trước đây chứ chẳng có gì lớn lao hơn mà phải ồn ào. Bởi nếu ai chú ý thì sẽ thấy, Trong hai ngày 21-22/8/2019, tại Vatican, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Antoine Camilleri, cũng đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 giữa hai bên.

Và ở cuộc họp đó, cách đây 3 năm, kết quả đã là: “Hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động tại các giáo phận, nhất trí các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Vatican trong thời gian tới, trong đó tập trung hoàn thiện Quy chế hoạt động của Đặc phái viên thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đặc phái viên thường trú tại Việt Nam để có thể sớm chính thức triển khai thỏa thuận của hai bên về vấn đề này”.

Trước đó nữa, sáng 19/12/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Vòng VII Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Antoine Camilleri đồng chủ trì cuộc họp.

Kết quả cuộc họp đó, phía Việt Nam cho biết: “Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi và thống nhất một số vấn đề liên quan đến việc triển khai nâng cấp quan hệ Việt Nam – Vatican từ mức Đặc phái viên không thường trú lên mức Đặc phái viên thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam”.

Thế rồi, 4 năm sau, Vatican cho một đoàn khác sang Việt Nam họp hành, để rồi cuối cùng lại quay lại vạch xuất phát. Điều khác hơn một chút ở đây, là Vatican cho biết rằng chuyện đó sẽ ở “tương lai gần” – tức là ở thì tương lai.

Nghĩa là cái chuyện dù là “tương lai gần” hay là tương lai, thì cũng chẳng khác nhau là mấy, và theo cách hành xử của Việt Nam xưa nay, thì cái “tương lai gần” hay “quá khứ xa” chỉ là chuyện nháy mắt, nếu ai đã có kinh nghiệm với cái miệng cộng sản thì sẽ hiểu.

Điều đó cũng có nghĩa là, với cuộc gặp gỡ này, thì yêu cầu và mong muốn đặt đại diện thường trú, lập mối quan hệ bình thường với Việt Nam – một quốc gia có cộng đồng công giáo đông đúc – vẫn chỉ là chuyện đá ném ao bèo.

Vì sao cần, vì sao không cần?

Như ở trên đã nói, với một Giáo hội Công giáo Việt Nam hiệp nhất, tông truyền và hiệp thông với Giáo Hoàng, việc có một đại diện Tòa Thánh là yêu cầu bức thiết không chỉ của Vatican, mà còn là của Giáo dân, Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Về phía Tòa Thánh Vatican, có một đại diện tại Việt Nam để giải quyết những vấn đề của mấy triệu giáo dân, của các giáo phận, hàng giáo sỹ là điều hết sức cần thiết.

Thế nhưng, điều Giáo dân Việt Nam, Giáo hội Việt Nam cần, không có nghĩa là chính quyền Việt Nam cần.

Điều Việt Nam cần, là “Phạm Bình Minh cũng đề nghị Tòa thánh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tôn trọng luật pháp, góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Công giáo tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican phát triển”.

Nghĩa là Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã bị tách ra khỏi Dân tộc Việt Nam, đã không tôn trọng pháp luật, thế nên chưa có hình ảnh tốt đẹp mà phải nhờ Tòa Thánh hướng dẫn để cộng đồng tôn giáo Việt Nam “Đồng hành cùng dân tộc”. Nếu Tòa Thánh không hướng dẫn, thì có thể Cộng đồng Công giáo Việt Nam sẽ đi ngược với đường đi của dân tộc?

Phải chăng nhà cầm quyền CSVN không hiểu rằng: Dân tộc này, đất nước này chính là một cộng đồng rộng lớn trong đó có Cộng đồng Công giáo Việt Nam và vì thế cộng đồng Công giáo Việt Nam chính là dân tộc, là đất nước này?

Hay họ vẫn hiểu, nhưng họ cố tình lập lờ?

Và nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cần những điều như sau từ Tòa Thánh: “Thứ trưởng Miroslaw Wachowski cảm ơn sự đón tiếp của Chính phủ Việt Nam và khẳng định Giáo hoàng Francis và Tòa thánh luôn mong muốn quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh ngày càng phát triển, tạo điều kiện để Cộng đồng Công giáo Việt Nam đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước…”

Còn Vatican cần ư? Hẳn nhiên là Hà Nội biết rõ điều này. Và điều này được tận dụng bằng mọi cách.

Ngay từ khi phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Hồng Y Roger Etchegaray đến Việt Nam để bàn bạc về việc thiết lập quan hệ bình thường giữa hai bên, Việt Nam đã ngay lập tức sử dụng điều này như một miếng mồi, để câu nhử Vatican nhượng bộ chính sách của nhà cầm quyền Cộng sản vô thần.

Và miếng mồi câu nhử đó đã trở thành miếng bả chuột mà Vatican đã vướng vào đó mấy chục năm nay.

Rất nhiều vấn đề đã xảy ra, một quá trình dài cho chuỗi những cuộc họp hành, bàn bạc và cứ dẫm chân tại chỗ. Để rồi sau đó, Vatican cứ hy vọng, và Việt Nam cứ lần khân.

Chỉ đơn giản là vì Việt Nam chẳng thiết tha lắm với việc thiết lập quan hệ với Vatican, một đầu não của “thế lực thù địch” mà xưa nay vẫn được cảnh giác trong xã hội Việt Nam thời cộng sản.

Hẳn nhiên là Việt Nam không mặn mà lắm với một “nhà nước tôn giáo” có tư tưởng đi ngược với chế độ vô thần cộng sản Việt Nam. Bởi vì:

“Đức giáo hoàng, trên khung vàng cửa sổ
Sáng chúa nhật, ban phước lành cho con chiên dưới phố
Ngài biết có bao nhiêu nước mắt chúng sinh
Đã đông thành những lầu cao lóng lánh thuỷ tinh?

Tất cả đồi nho không làm nên một cốc rượu vui
Máu đổ nghìn năm, chưa được tự do một buổi.
Lẽ nào nhạc cầu kinh mang phép lạ cho đời?
Và lũ vua thép, vua hơi không phải một lần rửa tội?”

(Rôm hoàng hôn  – Tố Hữu)

Những câu thơ này của Tố Hữu vẫn là kinh sách, là nền tảng tư tưởng của chế độ cộng sản tại Việt Nam, mặc dù đến bây giờ ở Việt Nam không chỉ là “lầu cao lóng lánh thủy tinh” mà là các biệt phủ, lâu đài, là quốc tịch Síp, là con cái và tài sản ở Mỹ, ở châu Âu… và thay cho những “lũ vua thép, vua hơi” là các quan chức, là các tướng, soái, đại gia, tư bản đỏ.

Thế nhưng, trước sự quan tâm của Giáo hội hoàn vũ, của Vatican với cộng đồng tín hữu công giáo gần chục triệu người ở đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã triệt để sử dụng sự cần thiết và mong muốn này của Vatican để làm buộc Vatican phải thỏa mãn những yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam suốt trong thời gian qua cho đến nay.

Có thể thấy rất nhiều vấn đề, nhiều vụ việc Tòa Thánh Vatican đã thỏa hiệp, đã nhượng bộ nhà cầm quyền CSVN mặc dù giáo dân Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của mình mà không cần sự thỏa hiệp đó.

Cả thế giới, mọi tín hữu công giáo đều biết rằng: Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển và quyết định về chức vụ Giám mục là quyền bính riêng của Giáo Hoàng(*).

Nhà cầm quyền CSVN đã đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó, có yêu cầu “Vatican đồng ý thông qua nhà nước Việt Nam trong việc bổ nhiệm các Giám mục tại Việt Nam”. Và Vatican đã chấp nhận điều này.

Biết bao giáo phận, bao nhiêu vị trí cần sự quản lý và đặt Giám mục để coi sóc. Nhưng đều đã bị nhà cầm quyền CSVN can thiệp trắng trợn đến khi nào đúng ý mới thôi. Bởi như lời người cộng sản thường nói: “Chúa chọn, nhưng đảng không chọn thì cũng chịu”.

Và để rồi sau đó, phải chấp nhận những Giám mục được lòng nhà cầm quyền CSVN.

Chỉ với sự nhượng bộ này, Vatican đã chính thức trao ngọn roi quyền lực của mình vào tay nhà cầm quyền CSVN, điều mà không có bất cứ chỗ nào, không có bất cứ ai có quyền được can thiệp, khi việc bổ nhiệm Giám mục xưa nay, là quyền hành riêng của Giáo hoàng.

Và đó là thảm họa cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Giáo hội, giáo dân Việt Nam đã phải ngậm đắng nuốt cay với quả đắng này từ mấy chục năm qua và chưa biết đến khi nào mới có thể chấm dứt được hậu quả.

Thế rồi từ đó đến nay, việc thiết lập bang giao vẫn cứ dẫm chân tại chỗ, vẫn cứ năm này qua năm khác, miếng mồi câu vẫn cứ được thay mới bằng nhiều hình thức khác nhau và bây giờ là sẽ “lập đại diện thường trú” nhưng không có thời hạn cụ thể.

Và Giáo hội Công giáo La mã lại tiếp tục có những miếng mồi giấu những lưỡi câu sắc nhọn.

Ngày 26/4/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

(*): BỘ GIÁO LUẬT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (1983)
Ðiều 377:
 (1) Ðức Thánh Cha được tự do bổ nhiệm các Giám Mục, hoặc phê chuẩn những vị đã được bầu cử hợp lệ.

(2) Ít là ba năm một lần, các Giám Mục của một giáo tỉnh, hoặc ở đâu hoàn cảnh khuyến khích, các Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục, phải thỏa thuận với nhau và với tính cách bí mật lập một danh sách các linh mục, kể cả các phần tử của Dòng Tu, xem ai có tư cách làm Giám Mục; và gửi bản danh sách đó cho Tòa Thánh; tuy nhiên, mỗi Giám Mục vẫn được quyền thông tri cho Tòa Thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được Ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhiệm vụ Giám Mục.

(3) Trừ khi đã ấn định cách nào khác hợp lệ, mỗi khi cần bổ nhiệm một Giám Mục giáo phận hoặc một Giám Mục phó, thì trong việc đề nghị lên Tòa Thánh danh sách ba người, phái viên của Ðức Thánh Cha có nhiệm vụ điều tra về từng người một và thông báo cho Tòa Thánh, cùng với ý kiến của mình, tất cả đề nghị của Tổng Giám Mục và các Giám Mục thuộc hạt của giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được kết nạp, cũng như của Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục. Ngoài ra, phái viên của Ðức Thánh Cha nên bàn hỏi cả với vài người thuộc Hội Ðồng Tư Vấn và thuộc kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và, nếu xét thấy tiện, nên hỏi ý kiến riêng rẽ và kín đáo của những người khác thuộc giáo sĩ Dòng Triều cũng như của những giáo dân có tiếng là khôn ngoan.

(4) Trừ khi đã dự liệu cách nào khác hợp lệ, Giám Mục giáo phận nào xét thấy cần một phụ tá cho giáo phận của mình thì sẽ đệ trình lên Tòa Thánh bản danh sách gồm ít là ba linh mục xứng đáng hơn cả để lãnh nhiệm vụ này.

(5) Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám Mục.

 

- Quảng Cáo -