Ai cũng biết, trên đất nước này không phải là lần đầu diễn ra chuyện học sinh rơi vào trầm cảm và tự sát. Dự luận nhạy cảm với vấn đề này mới bàn tán xôn xao, trong khi thật ngạc nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà làm Chương trình và Sách giáo khoa lại hoàn toàn vô cảm. Họ xem việc học sinh nhảy lầu, nhảy sông tự tử không liên quan đến mình. Dư luận có chửi thì có lẽ “chắc chúng trừ mình ra!”.
Mà báo chí hình như có định hướng dư luận, rằng áp lực đẩy trẻ em tự sát chính là phụ huynh, thậm chí đẩy lỗi cho trẻ em dại dột, có cô giáo còn quy tội những em bé đã chết đó là bất hiếu với mẹ cha, đáng bị hành hình dưới địa ngục, như Phật giáo Bắc tông mô tả.
Cứ tình hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà làm Chương trình và Sách giáo khoa an tâm và hứng thú với các cuộc cải cách giáo dục liên miên tiêu tốn số tiền ngàn tỉ, còn trẻ em thì “sống chết mặc bay”!
Họ nói, áp lực là tất yếu. Không áp lực thì học sinh sao chịu học? Và áp lực cũng là thử thách để trẻ em trưởng thành. Họ không nghĩ áp lực đẩy người ta vào cái chết là tội ác. Một em bé bị một chương trình và sách giáo khoa vượt tiềm năng của nó đè lên cả tuổi thơ của nó, khác gì bắt nó vác một tảng đá gấp trăm lần sức chịu đựng của nó, nó không bị đè bẹp bởi cái tảng đá đó mới là lạ. Ở lần trước, trong một bài viết về em sinh viên năm nhất nhảy sông, tôi bảo cứ nhìn vào 5 phẩm chất, 10 năng lực chuyên môn cốt lõi mà ông Nguyễn Minh Thuyết và cộng sự đưa ra biến trẻ em thành nhà chính trị, nhà đạo đức mẫu mực, chuyên môn gì cũng biết, tôi cũng muốn tự sát huống hồ là trẻ con. Mách cho các nhà giáo dục Việt Nam biết, những nền giáo dục tiên tiến xem thử thách trong trường học giống như thử thách trong trò chơi, trẻ em vượt qua thử thách một cách hứng thú chứ không có chuyện gây áp lực cho trẻ loạn não, trầm cảm và hết muốn sống như Việt Nam.
Phương pháp lấy trò chơi tạo hứng thú vượt thử thách chính là nguồn động lực tích cực để trẻ em sau này gặp thử thách trong cuộc sống, dù nghiệt ngã vẫn lạc quan, yêu đời, khác với thứ thử thách đẩy con trẻ vào sự bi quan, chán nản, tìm cái địa ngục ít xấu hơn cái địa ngục mà chúng phải nếm cho hết trong giai đoạn tuổi xuân của mình.
Phụ huynh vì kì vọng con em mình, vì bệnh thành tích ư? Vậy 5 phẩm chất, 10 năng lực chuyên môn là kì vọng của ai? Ai là kẻ đòi 90 đến 100% trẻ phải giỏi đều các môn mới có tấm bằng vào đời? Con ác quỷ nào đã kì vọng và đặt ra tiêu chuẩn và chỉ tiêu đó để phụ huynh gây áp lực lên con trẻ? Tôi khẳng định, trong hoàn cảnh như giáo dục hiện nay, không ai gây áp lực trực tiếp lên con trẻ thì chính con trẻ cũng tự thấy bị áp lực nặng nề.
Tôi cứ nhìn vào hình ảnh các thầy cô khoe sau những buổi lễ tổng kết năm học, nếu là các em bé không có giấy khen, tôi cũng đã hết muốn sống!
Thời tôi đi học, mỗi lớp được khen chỉ có 3 bạn theo xếp hạng: Nhất, Nhì, Ba. Số còn lại không được khen là số đông, sẽ nhìn gương ba bạn kia mà có động lực phấn đấu. Không được khen sẽ không tự kỉ mà tự hào về bạn và phấn đấu bằng bạn. Nhưng từ sau những cuộc cải cách, giáo dục Việt Nam đã lộn ngược, gần như cả lớp được khen, còn lại một vài bạn không được khen. Một thiểu số bị coi thường, bị mắng nhiếc, nếu không thì thiểu số đó cũng tự thấy nhục mà hết muốn sống.
Một em tự sát đã tạo hiệu ứng nhiều em tự sát theo, kể cả đó là học sinh giỏi, từng được khen. Vì những học sinh giỏi đó, sau những áp lực học hành thi cử để có thành tích, đến lúc tự thấy cuộc đời của chúng vô nghĩa vì không biết học để làm gì, để sống cho ai.
Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo, những nhà cải cách như Nguyễn Minh Thuyết, Đỗ Ngọc Thống cho rằng, số lượng học sinh tự sát chỉ là thiểu số trong hàng chục triệu trẻ em Việt Nam, tức là không đáng kể, không đáng để quan tâm?
Có người nói, trẻ em tự tìm đường chết như vậy là chết vô nghĩa. Tôi thì cho rằng, không có gì là vô nghĩa cả, nhất là cái chết, càng có ý nghĩa. Nó thức tỉnh lương tri của các bậc phụ huynh, các nhà giáo, và đến lúc cần thiết phải lên tiếng mạnh mẽ đòi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giảm tải Chương trình và Sách giáo khoa cho trẻ em. Học là niềm vui, hứng thú chứ không phải học để làm miếng mồi cho đám cá mập buôn máu có tên là nhà giáo./.
Chu Mộng Long