Ai mới thật sự thao túng đất đai?

- Quảng Cáo -

Hoài Nguyễn – (VNTB) – Cần thiết xem xét giác độ chính trị, vì đất đai ở Việt Nam “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”…

Trong một phiên chất vấn Quốc hội mới đây, nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc đấu giá đất ở nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm, có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả phiên đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như phiên đấu giá đất ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM).

Từ đó, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực khác lên cao, tạo sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá mới khiến giải phóng mặt bằng khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội.

Việc thổi giá tạo mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế, gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt với các ngân hàng giá đấy là giá ảo nhưng có thể thế chấp, rút tiền ngân hàng là thực và ảnh hưởng an ninh, tiền tệ.

- Quảng Cáo -

Vậy thì từ vụ án thao túng chứng khoán của nghi phạm Trịnh Văn Quyết, liệu có nên xem xét giác độ hình sự với ông Đỗ Anh Dũng trong vụ thắng thầu rồi “xin bỏ cọc”, đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2,45 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm?

Cá nhân người viết bài này cho rằng căn cơ ở đây trong đất đai cần theo hiến định về “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, chứ không phải là từ các ông, bà chủ doanh nghiệp kinh doanh lãnh vực bất động sản theo Luật doanh nghiệp.

Dễ thấy, về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. Những vụ việc vừa rồi xảy ra, có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ. Trong trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường. Nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý.

Tuy nhiên cần nhìn căn cơ hơn, rằng đồng ý về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, đây là hiện tượng rõ ràng có thật. Nhưng tại sao không truy đến cùng việc lỗi ở đây rõ ràng là thuộc về những ai nhân danh “đại diện chủ sở hữu”.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế.

Tin chắc phía “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” hiểu rất rõ điều đó để biết cần phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá như thế nào.

Đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất và đất không sử dụng để càng lâu, không đầu tư nhưng vẫn lên giá như vậy là về chính sách từ “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi, và “đại diện chủ sở hữu” đó phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thậm chí nếu chấp nhận “truy tới trùm cuối” thì có lẽ cần viện dẫn tới các quy định ghi ở Điều 4, Hiến pháp 2013, khi xác lập quyền lực tối cao của Đảng là lãnh đạo Nhà nước và xã hội một cách tuyệt đối. Theo cách hiểu đó về quyền lực, thời gian qua, những sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng, đáng chú ý, trong sự “nhúng chàm” của loạt quan chức các cấp đã cho thấy bóng dáng của sự “cộng sinh”…

Ông chủ lớn của nhà nước ở đây theo Hiến định tại Điều 4, đó là Bộ Chính trị.

- Quảng Cáo -