Vì sao lại không hình sự hóa hành vi đảng viên sàm sỡ?

- Quảng Cáo -

Hoài Nguyễn – (VNTB) – Sàm sỡ là hành vi trái với chuẩn mực, đạo đức của đảng viên.

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm sàm sỡ. Theo từ điển tiếng Việt, thì sàm sỡ tức là suồng sã đến mức gần như thô bỉ trong quan hệ giao tiếp giữa một người này với người khác giới tính.

Điểm a khoản 1 Điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính đối với những người có hành vi sàm sỡ như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

- Quảng Cáo -

Theo quy định nêu trên thì hành vi sàm sỡ không bao gồm hành vi có tính chất kích thích nhục dục, dục vọng – hành vi dâm ô. Các hành vi “cưỡng hôn”, “nựng”,  “đùa”  “trêu trọc ” hay “quý mến” với người dưới 16 tuổi có mục đích thỏa mãn dục vọng thì có thể phạm tội dâm ô – Điều 146 Bộ luật hình sự 2015.

Có lẽ cuốn từ điển tiếng Việt nêu trên cũng đã không theo kịp sự phát triển của loại hành vi sàm sỡ, dâm ô trong xã hội. Pháp luật quy định hành vi “sàm sỡ” là đối với “người khác” và dâm ô “đối với người dưới 16 tuổi”. Nghĩa là, sàm sỡ hay dâm ô không chỉ giữa nam và nữ mà có thể giữa nam và nam hoặc giữa nữ và nữ.

Như vậy trong câu chuyện ông chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa đã  “thơm để chúc mừng cháu có kết quả học tập tốt, mong cháu sẽ cố gắng hơn nữa” một cô gái đang là nữ sinh lớp 10, cho thấy rất có thể ông đảng viên này thoát được cáo buộc của chuyện “cưỡng hôn” (1) với người dưới 16 tuổi.

Câu giải thích “thơm để chúc mừng cháu có kết quả học tập tốt, mong cháu sẽ cố gắng hơn nữa” của ông đảng viên nói trên cho thấy ông đã chống chế hành vi có dấu hiệu xâm phạm thân thể người khác giới tính, và điều này cần thiết được nhìn qua lăng kính chính trị hóa để xử lý hình sự theo nội dung của Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 về “Tội làm nhục người khác”.

Phân tích về nội dung của điều luật số 155, có thể thấy việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục, nhưng có người lại thấy bình thường, không thấy bị nhục.

Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình…

Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

Từ cách hiểu trên cho thấy một đảng viên đang ở chức vụ là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, có nghĩa là mọi hành vi của đảng viên này được coi như luôn chịu áp lực giám sát của người dân ở xóm, ấp nơi đảng viên ấy cư trú.

Trong hoàn cảnh đó, một khi đã xảy ra chuyện “cưỡng hôn” một trẻ vị thành niên như vậy, thì mọi biện minh hoàn toàn khó cảm thông, vì đảng viên còn luôn phải buộc tu dưỡng đạo đức cách mạng theo quy định của Đảng.

Tin tức cho biết, ông đảng viên nói trên trưởng thành từ cán bộ Đoàn ở địa phương, sau đó giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Xuân Thắng rồi giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng.

Trong thời gian từ năm 2018 – 2019, ông đảng viên này được luân chuyển tới xã Xuân Chinh (huyện Thường Xuân) giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã này. Cuối năm 2019, ông đảng viên đó bị kiểm điểm vì có hành vi nhắn tin trêu ghẹo “thiếu chuẩn mực” với một nữ cán bộ cấp dưới cùng xã… để rồi sau đó ông đảng viên ấy được Đảng chuyển qua làm chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã (!?)

“Gia phong” của cụ thể Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa rất cần phải xem xét lại để tránh người dân tiếp tục sút giảm niềm tin vào Đảng cầm quyền./.

(1) Ghi chú của CTMM: Tác giả dùng từ “cưỡng hôn” hẳn với ý nghiã là “cưỡng ép người khác hôn mình” (là sai) trong khi nghiã đúng của từ “cưỡng hôn” là “cưỡng ép kết hôn”.

- Quảng Cáo -