Thi cử: không thể tiếp tục tự hát, tự khen!

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

Cuối năm 2019, trong đợt tập huấn dành cho các trường THPT chuyên tại Đà Nẵng, khai mạc, một vị thứ trưởng Bộ Giáo dục lên phát biểu chỉ đạo, để kịp bay về Hà Nội gấp. Tôi tranh thủ đứng dậy hỏi ông: “Khi nào thì ta mới bỏ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia”. Cả hội trường xì xầm, ra điều tâm đắc, vì ai cũng ngán ngẩm và khổ sở quá lâu với nó rồi. Ông thứ trưởng nói “Bây giờ mới bắt đầu tập huấn thì làm sao có câu trả lời, đợi đến cuối sẽ có”.

Tôi đợi, và không thấy câu trả lời nào cả. Vị thứ trưởng kia thì đã về Hà Nội. Đến nay cũng chưa thấy một vị lãnh đạo nào của Bộ đứng ra trả lời câu hỏi ấy cho giáo viên, học sinh và cho nền giáo dục nước nhà câu hỏi ấy.

Và tôi nghĩ, các vị ấy sẽ không thể trả lời. Mà nếu có thì chỉ có thể là “không thể bỏ!”. Vì sao thế? Vì thi học sinh giỏi và thi nói chung là thước đo gần như duy nhất để đánh giá chất lượng giáo dục ở Việt Nam lâu nay. Nghĩa là căn cứ vào điểm số để xác định và khẳng định, chứ không phải là các năng lực và phẩm chất của người học với tư cách là một con người xã hội trong các mối quan hệ của nó với thiên nhiên, con người, đất nước, xã hội… Điểm thi, và dừng lại; còn người học sau khi hoàn thành chương trình có tạo ra giá trị gì cho xã hội hay không thì không nằm trong vùng kiểm định. Và thực tế cũng đã chứng minh, các thế hệ người học ở ta không tạo ra những phát minh, sáng chế hay đóng góp gì đáng kể cả.

- Quảng Cáo -

Điều đó đồng nghĩa với rằng, biên giới của giáo dục ta là từ cổng trường trở vào. Học trong sách vở, kiến thức thi trong sách vở ấy, đề thi do thầy cô trong trường ấy soạn… Khi có điểm thì phân loại, xếp hạng, và báo cáo thành tích. Người học bước ra khỏi cổng trường: sống thế nào, hành xử ra sao, giải quyết vấn đề được không, có đóng góp gì cho gia đình và xã hội không… gần như không ai quan tâm. Nhà trường đã hết trách nhiệm từ bên ngoài cánh cổng ấy.

Bức tranh này phản ánh phương thức vừa đá bóng vừa thổi còi; là con hát mẹ khen hay. Tự dạy, tự ra đề, tự chấm, tự khen, tự chê. Đó là một “quy trình” hết sức kỳ quặc. Chúng ta muốn chất lượng thế mà mà chẳng được!

Học văn (và tiếng Việt) suốt 12 năm trời, thậm chí lâu hơn nữa, nhưng đa phần học sinh ngày nay không biết tạo lập một văn bản cho ra hồn, nếu không chép theo văn mẫu. Vấn đề là tỉ lệ tốt nghiệp vẫn gần 100%. Tại sao thế? Đề ta ra, điểm ta chấm…, muốn có bao nhiêu phần trăm điểm giỏi mà chẳng được!

Cần có đánh giá ngoài. Cần các trung tâm khảo thí độc lập. Nhà nước không thể vừa viết chương trình, vừa soạn sách (duyệt), vừa kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học. Rồi tự mình kết luận rằng giáo dục đang tiến bộ (hay thụt lùi)!

Có giáo viên nào muốn mình bị đánh giá thấp, có trưởng phòng, giám đốc sở hay bộ trưởng nào muốn mình bị coi là yếu kém? Không, không ai cả. Chính vì thế, việc bỏ các “kỳ-tự-thi” này trở nên bất khả thi.

Khi mà sự chi phối thành tích đã vượt ra khỏi tầm tay người phụ trách thì các vấn đề tiêu cực khác sẽ nảy sinh. Chuyện chi 1 tỉ đồng để mời giáo sư tiến sĩ về trường dạy đội tuyển học sinh giỏi nhằm kiếm vài cái giải là một trong những cách ấy. Họ mời ai? Tất nhiên tiêu chuẩn quan trọng nhất không phải là giáo sư giỏi, mà là giáo sư có thể mang giải về cho trường. Đó là những người có liên quan đến nội dung thi, đến đề thi, đến chấm thi…

Vòng xoáy và sự leo thang thành tích này không phải do các trường học tự mình đẩy lên. Họ là nạn nhân. Chính cách đánh giá, xếp hạng của bộ (và trên bộ) mới là căn nguyên. Tiêu chuẩn đầu ra sẽ quyết định quá trình. Nếu đầu ra là những con điểm thì người ta sẽ tìm cách để có điểm; nếu đầu ra là bằng cấp thì người ta sẽ tìm cách để có bằng cấp…

Xây dựng một bộ cung cụ đánh giá khoa học và khách quan, lấy năng lực làm việc và phẩm chất xa hội của con người làm thước đo, hình thành một hệ thống các trung tâm kiểm định độc lập v.v., đó là những việc phải làm để nhìn đúng chất lượng giáo dục nước nhà, từ đó mà có những chỉnh sách phù hợp. Không thể cứ tiếp tục tự hát tự khen được nữa! Và tất cả những điều này phải được bắt đầu từ Bộ giáo dục và trên Bộ Giáo dục, bên dưới không với tới được./.

Thái Hạo

- Quảng Cáo -