Nhắn các bạn học sinh và cha mẹ

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

Chứng kiến tình trạng bạo hành học đường, đặc biệt là bạo hành do chính giáo viên và nhà trường gây ra ngày càng phổ biến, chứng kiến những học sinh 18 tuổi khi bị đối xử bất công và thô bạo bởi một cô giáo nhưng đã không có bất cứ phản ứng chính đáng nào, ngược lại chỉ biết khóc và quỳ gối cho đến khi lên cơn co giật, tôi buộc phải ghi ra mấy dòng này.

Bên dưới là một số điểm trong Luật Giáo dục, trong Điều lệ trường học (Tiểu học và THCS-THPT) có liên quan trực tiếp và làm cơ sở cho chúng ta “tự vệ bằng pháp luật” trước các hành vi bị nghiêm cấm của giáo viên (nhưng trên thực tế lại đang bị lạm dụng nghiêm trọng).

  1. VỀ QUYỀN CỦA HỌC SINH

– Đối với Tiểu học: Học sinh “Được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng, dân chủ; được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng; được cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của bản thân; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện (Khoản 2, Điều 35).

- Quảng Cáo -

– Đối với THCS và THPT: Học sinh “Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này”.

  1. VỀ CHUẨN MỰC ỨNG XỬ VÀ QUYỀN HẠN CỦA GIÁO VIÊN

Điều 22, Luật Giáo dục 2019: nghiêm cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể […] người học.

– Điều lệ Trường tiểu, Điều lệ trường THCS-THPT, quy định: Giáo viên Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể học sinh. Cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

  1. KHI HỌC SINH VI PHẠM THÌ GIÁO VIÊN VÀ NHÀ TRƯỜNG ĐƯỢC LÀM NHỮNG GÌ

Đối với Tiểu học: “Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh” (Điều 38).

– Đối với trường THCS và THPT thì quy định:

Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

  1. a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
  2. b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
  3. c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

***

Tóm lại, theo quy định của pháp luật thì không một giáo viên, nhân viên hay hiệu phó hiệu trưởng nào được quyền xúc phạm các em, càng không được xâm phạm vào cơ thể các em. Ngay cả việc giáo viên phê bình các em trước lớp cũng là hành vi bị cấm. Các em có quyền dõng dạc yêu cầu, không cho bất cứ ai hành xử như thế đối với chính mình. Hãy tự mình giữ gìn quyền sự tôn nghiêm phẩm giá của bản thân và luôn đòi hỏi sự tôn trọng. Và hãy lên tiếng khi mình hay bạn bị bạo hành và bị đối xử bất công, sẽ có người lớn đứng ra bảo vệ các em.

Nghĩa vụ của các em là học tập, tuân thủ nội quy (đúng pháp luật) của nhà trường, chung tay xây dựng môi trường học đường văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với khiếp nhược, vâng phục và hèn nhát trước bất công sai trái. “Tôn sư trọng đạo” không phải là chỉ có cúi đầu nghe theo và sợ hãi, nghĩa vụ của các em là vâng theo sự thật, lẽ phải và điều tốt.

Hãy nhớ, một học sinh tiểu học ở Phương Tây đã biết rõ về quyền của mình và dõng dạc lên tiếng mỗi khi nó bị xâm hại.

Nếu các em vẫn còn phủ phục trước những sai trái bất công, thì ngày mai em út và con cái các em vẫn sẽ phải gánh trên vai tất cả những tổn thương và đau khổ của hôm nay mà các em đã để lại bằng sự sợ hãi và vô trách nhiệm của mình.

Theo tôi, đối với cha mẹ, điều quan trọng nhất là các vị phải làm gương bằng chính trách nhiệm công dân của mình: biết lên tiếng trước những sai trái nhiều mặt của nhà trường và xã hội, dám đấu tranh cho lẽ phải và biết sống một cách công chính.

Cha mẹ cũng không chỉ bênh vực và bảo vệ con cái mình là đủ. Việc tôn trọng con có khi còn quan trọng hơn. Nếu trong gia đình mà chính cha mẹ dùng quyền uy để áp đặt và khuất phục con cái, thường xuyên bạo hành trẻ thì việc bảo vệ chúng ở trường hay ngoài xã hội cũng chỉ giống như đang bảo vệ một thứ tài sản hay của nả của mình, chứ không phải bảo vệ nhân phẩm của một con người./.

- Quảng Cáo -