THE NATIONAL INTEREST by Joseph Votel, Robert Spalding III, Ramon Marks – January 31, 2022
Ba Sàm lược dịch
Các doanh nghiệp trên thị trường tự do phải ngừng bán dây thừng cho Trung Quốc cộng sản treo cổ chúng ta trước khi quá muộn.
Vladimir Lenin được nhiều người tin rằng đã có câu nói “các nhà tư bản sẽ bán cho chúng ta sợi dây để treo cổ họ”. Dù ông ta có thực sự nói vậy hay không, thì câu nói này rất phù hợp với tình hình của Trung Quốc.
Kể từ năm 2016, chỉ riêng Apple được cho là đã đầu tư 275 tỷ USD vào Trung Quốc. Tất cả iPhone trên thế giới đều do Trung Quốc sản xuất. Ngoài 10.000 nhân viên trực tiếp, chuỗi cung ứng mở rộng của Apple để sản xuất các sản phẩm còn thu hút hơn 1 triệu công nhân Trung Quốc.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã từ một địa điểm đầu tư được ưa chuộng trở thành một đối thủ nguy hiểm. Tấm thảm đã bị kéo ra khỏi bàn chân của Apple và tất cả các nhà đầu tư phương Tây từng gây dựng các hoạt động của mình ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Khu vực tư nhân đã học được rằng hậu quả lâu dài của việc làm ăn với Trung Quốc không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn đem tới hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, và sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng gia tăng nhanh chóng đối với các doanh nghiệp của họ. Người ta ước tính rằng chỉ riêng Hoa Kỳ đã mất từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm vì hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư vào Trung Quốc cũng đang ở giữa làn sóng trừng phạt ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây. Các doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ chính sách nhân quyền của Hoa Kỳ theo Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Uyghur. ĐCSTQ đã phản công bằng cách tổ chức các chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi tẩy chay trong nước đối với các sản phẩm của các công ty Hoa Kỳ tuân theo luật đó.
Intel đã chịu áp lực phải xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc vì đã công bố một bức thư trên trang web toàn cầu của mình, trong đó kêu gọi các nhà cung cấp hạn chế tìm nguồn cung ứng ở Tân Cương, nơi sinh sống của các nhóm thiểu số Hồi giáo. Walmart, H&M, Nike, thậm chí là NBA, đã phải đối mặt với những áp lực tương tự nhắm vào các hoạt động của họ ở Trung Quốc về việc tuân thủ luật nhân quyền của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thách thức đang nổi lên đáng ngại nhất đối với doanh nghiệp phương Tây không phải là việc ĐCSTQ truyền cảm hứng cho hành động tẩy chay của người tiêu dùng, hay thậm chí là hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, mà là quyền kiểm soát dữ liệu.
Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger và David Feith đã lưu ý rằng dữ liệu là “dầu lửa của thế kỷ 20… nguồn tài nguyên không thể thiếu sẽ cung cấp năng lượng cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quốc gia”. Thông qua một loạt luật, ĐCSTQ đã khẳng định quyền kiểm soát hợp pháp đối với tất cả dữ liệu ở Trung Quốc. Apple và các công ty nước ngoài khác phải giữ dữ liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc tại các trung tâm nằm trong nước này và bị cấm chuyển giao ra ngoài. Tệ hơn hết, chính phủ Trung Quốc đã bảo lưu quyền hợp pháp để buộc chuyển giao những dữ liệu đó cho các thực thể do nhà nước kiểm soát.
Ý nghĩa chiến lược dài hạn của vấn đề đó là rất lớn. Dữ liệu do các nhà đầu tư phương Tây ở Trung Quốc tạo ra và tổng hợp có thể vuột mất bất cứ lúc nào dưới sự kiểm soát hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Dữ liệu là yếu tố cần thiết cho trí tuệ nhân tạo để tạo ra các công nghệ tiên tiến mới.
Không giống như các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dân số bên trong biên giới của một nhà nước-quốc gia, dữ liệu không được quân đội thông thường bảo vệ một cách dễ dàng. Dữ liệu vốn là không biên giới và vô hình, được lưu trữ trong Đám mây điện toán trên Internet và các thiết bị có khả năng bị truy cập và điều khiển từ bất kỳ điểm nào trên thế giới.
Tiếp cận dữ liệu là điều cần thiết để các nền dân chủ và thị trường phát triển mạnh mẽ thông qua trao đổi thông tin miễn phí. Việc Trung Quốc kiểm soát dữ liệu lớn cho phép sự thống trị về mặt tư tưởng không chỉ đối với sự đổi mới công nghệ mà còn đối với những gì mọi người có thể đọc, suy nghĩ và tin tưởng.
Sự xuất hiện của metaverse, một môi trường kỹ thuật số mô phỏng – một thế giới ảo tập trung – sẽ giúp đẩy việc xử lý nhanh nan đề đối với các nền dân chủ và thị trường. Một công ty tiếp thị ở California đã có thể tạo ra một ca sĩ kỹ thuật số có cá tính và thời trang, tên là Lil Miquela, người đã xoay xở để kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm cho nhà sản xuất của mình. Thật đáng kinh ngạc, mặc dù không phải là người thật, Miquela đã được Time liệt kê vào năm 2018 là một trong 25 người có ảnh hưởng nhất thế giới trên Internet, cùng với các ca sĩ Kanye West, Rihanna và Donald Trump.
Được trang bị dữ liệu lớn, Trung Quốc sẽ có tiềm năng thao túng, bóp méo và kiểm soát những gì cấu thành nên sự thật và thực tế ở bất kỳ đâu trên internet, khiến cho các trang web bị Facebook cho là trang “tin tức giả mạo” (“fake news”) thời kỳ đầu giống như những trò lừa bịp sơ khai.
Thách thức đối với việc bảo tồn các giá trị và tự do dân chủ là rất sâu sắc. ĐCSTQ có thể sử dụng một loạt những kẻ dị nhân kiểu Lil Miquela để gây ảnh hưởng và thao túng dư luận trên internet, làm suy yếu các giá trị dân chủ và tính hợp pháp.
Thử thách cuối cùng đối với phương Tây sẽ là chiến tranh thông tin – không phải chiến tranh thông thường hay thậm chí là chiến tranh mạng. Cuộc giao tranh kiểu cãi vã đó không thể bị chiến đấu cơ, chiến hạm, bộ binh tấn công. Nền dân chủ có thể bị tổn hại nếu không có một phát súng bắn ra.
Điều IV, Mục 4 của Hiến pháp Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ liên bang bảo vệ nền dân chủ. Trong Tập Tiểu luận Liên bang (Federalist Papers), bài số 43, James Madison nhấn mạnh trách nhiệm cốt lõi của chính phủ liên bang là đảm bảo các hình thức chính phủ cộng hòa cho mỗi bang trong số 50 bang. Như đã thấy với những tranh cãi, ví như nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, việc kiểm soát và thao túng dữ liệu có thể gây ra các mối đe dọa hiện hữu đối với tiến trình dân chủ.
Để bảo vệ nền dân chủ, chính phủ liên bang sẽ phải xây dựng các loại hình phòng thủ mới vượt xa quân đội truyền thống. Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi sự lật đổ dựa trên dữ liệu của Trung Quốc (và của Nga) sẽ phải là một nỗ lực của chính phủ.
Để bảo vệ các giá trị của thị trường tự do và việc quản trị, sẽ là không đủ cho các doanh nghiệp phương Tây để tuân thủ bất kỳ luật nào mà nước sở tại có thể áp đặt từ việc hạn chế kinh doanh với Trung Quốc. Cũng giống như tỷ phú Larry Fink của tập đoàn Black Rock đang kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện “trách nhiệm xã hội” nhiều hơn về các vấn đề như biến đổi khí hậu, sắc tộc và công bằng xã hội, các công ty sẽ phải thực hiện trách nhiệm xã hội tương tự về việc kinh doanh với Trung Quốc.
Hội đồng Năng lực Cạnh tranh của Các nhà Điều hành Kinh doanh vì An ninh quốc gia (BENS) đã kêu gọi các doanh nghiệp phương Tây thực hiện một loạt biện pháp bao gồm:
– nhận thức rõ hơn về rủi ro đối với sở hữu trí tuệ nếu đầu tư vào Trung Quốc;
– chỉ chấp nhận vốn từ các nguồn đáng tin cậy để tránh rủi ro đối với vốn và công nghệ;
– xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi, không phụ thuộc vào Trung Quốc;
– ưu tiên trao đổi thương mại với các đối tác ngoài Trung Quốc; và
– nhận ra những rủi ro đối với danh tiếng thương hiệu khi đầu tư vào một xã hội độc tài như Trung Quốc.
Điểm mấu chốt là doanh nghiệp thị trường tự do phải ngừng bán dây thừng cho kẻ treo cổ mình trước khi quá muộn.
–
Các tác giả:
+ Joseph Votel, một Tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BENS, và là cựu Chỉ huy Chiến đấu của CENTCOM và Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt.
+ Robert Spalding, Chuẩn tướng Không quân đã nghỉ hưu, thành viên BENS, là Giám đốc điều hành của Semper, một cây viết thường xuyên về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông là tác giả cuốn Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept.
+ Ramon Marks là Phó Chủ tịch của BENS và là một luật sư quốc tế đã nghỉ hưu ở New York.