Giáo dục nên bắt đầu từ đâu?

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

“Nếu bạn là cố vấn cao cấp của tổng thống Harry S. Truman, bạn sẽ tỏ thái độ gì đối với việc Mỹ ném bom nguyên tử?”. Đó là một đề bài kiểm tra của học sinh tiểu học tại Mỹ; và tất nhiên, nó rất lạ lùng với học sinh Việt Nam.

Ở Mỹ, ngay từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông học sinh luôn được khuyến khích để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trong bất cứ vấn đề gì, khuyến khích tự tư duy, tự làm chủ, nâng cao phong cách, khả năng suy nghĩ độc lập, giao tiếp và sáng tạo. Phương pháp giảng dạy nền tảng ở Mỹ là hướng dẫn và kích thích sự hứng thú để qua đó thúc đẩy học sinh chủ động tìm tòi, khám phá và đúc kết bài học cho mình [1].

Và, chắc chúng ta còn nhớ, mới đây cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi thoát chết sau 6 ngày mất tích trong khu rừng đầy gấu tại Nhật Bản đã khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên.

- Quảng Cáo -

Yamato được phát hiện và không có những vết thương nặng ngoài cơ thể, tinh thần thoải mái và không tỏ ra sợ hãi hay lo lắng gì nhiều. Bé vẫn bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của cảnh sát, thi thoảng cái bụng chỉ khẽ réo nhẹ vì cơn đói sau nhiều ngày lạc bố lạc mẹ [2].

Chính GD Nhật Bản đã dạy cho trẻ con kỹ năng sinh tồn và tính tự lập từ mẫu giáo đã mang tới kỳ tích như của cậu bé Yamato Tanooka. Trẻ em Nhật Bản được dạy để tự đi học, tự ăn uống, dọn dẹp, tự vệ sinh cá nhân.

Dạy cách “cãi” người khác như giáo dục Mỹ, hay cách bảo vệ, chăm sóc và tự phục vụ cho bản thân như giáo dục Nhật Bản là “tiên” (trước); nó khác với nền giáo dục tôn ti, nghe lời, kính nhường, dĩ hòa vi quý của chúng ta.

Nền giáo dục nào mà chẳng chú trọng đạo đức, vấn đề là cái đạo đức ấy là gì, có nội dung ra sao thì lại là một chuyện rất khác nhau. Đạo đức của học sinh Nhật Bản là xếp hàng, là vệ sinh…; đạo đức của học sinh Mỹ là trung thực nói ra suy nghĩ của mình…; còn đạo đức của chúng ta là “ngoan”.

Con người có những mối quan hệ cơ bản sau: với thiên nhiên, với xã hội (người khác), với quỷ thần (tôn giáo, tín ngưỡng), và với chính mình. Thiết nghĩ, dạy cho con người hiểu được chính mình, dám là chính mình, sống được với chính mình phải là điều đầu tiên và quan trọng nhất, nếu muốn nó có thể thiết lập sự tốt đẹp với những mối quan hệ còn lại.

Vì thế, giúp con người thể mưu cầu hạnh phúc và dám mưu cầu hạnh phúc cá nhân có lẽ nên là những điều đầu tiên cần tiến hành; chứ không phải dạy cho người ta đánh mất mình trong việc lo xử lý mối quan hệ với người khác sao cho “vừa lòng nhau” khi chưa kịp hiểu bản thân. Điều ấy giống như một cái cây non trong bóng rợp của khu rừng âm u, làm sao mà lớn lên được.

Tôi nghĩ, nhiều nước đã giàu có, văn minh, tiến bộ cũng bởi đã bắt đầu (tiên) với việc phát triển những tiềm năng, cá tính, và phẩm chất cá nhân vô tận trong mỗi người bằng cách như thế; chứ không phải bắt đầu với cái bên ngoài (người khác) như chúng ta.

[1] https://giasutamtaiduc.com/so-sanh-giao-duc-viet-nam-va…

[2] https://kenh14.vn/ky-tich-song-sot-sau-6-ngay-trong-rung…

(Stt cuối cùng về vấn đề này. Trước hết, tôi tôn trọng quan điểm của tất cả mọi người, và chỉ nói quan điểm của tôi mà không có ý phủ nhận, công kích ngươì khác).

Thái Hạo

- Quảng Cáo -