COP26: Hậu trường không mấy “xanh” và thân thiện của hội nghị Glasgow

Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP26 tại Glasgow (Anh) khai mạc ngày 01/11/2021. © REUTERS/Yves Herman
- Quảng Cáo -

Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP26 tại Glasgow (Anh) khai mạc ngày 01/11/2021.Trong hai tuần lễ từ 31/10 đến 12/11/2021, hơn một trăm lãnh đạo quốc gia cùng với hàng ngàn đại diện các tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo tập trung về thành phố Glasgow, xứ Scotland thuộc Vương Quốc Anh trong khuôn khổ hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP26. Mục tiêu đề ra của hội nghị: Làm thế nào để đối phó được với sự biến đổi khí hậu và bảo vệ được môi trường sống của con người.

Thế nhưng, để sự kiện tối quan trọng với mục tiêu rất cao cả đó có thể diễn ra được, các phương tiện hậu cần khổng lồ và phức tạp đã được huy động, với hệ quả rất nhiều khi trái ngược hẳn với những gì mà hội nghị muốn đạt được.

Theo tờ báo mạng Mỹ The Huffpost ngày 30/10/2021 vừa qua, bên lề hội nghị COP26, nhiều tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường đã không ngần ngại tố cáo điều mà họ coi là thái độ “đạo đức giả” của một số người tham gia hội nghị và nêu bật những hoạt động gây tổn hại đến khí hậu, môi trường phát sinh từ công việc chuẩn bị hội nghị.

Lạm dụng phi cơ, phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm nặng nề nhất

- Quảng Cáo -

Yếu tố đầu tiên bị nêu bật là việc lạm dụng đường hàng không để di chuyển, vì lẽ máy bay được cho là phương tiện vận chuyển con người gây ô nhiễm nhiều nhất hiện nay. Dĩ nhiên, để đưa hàng chục nghìn người từ gần 200 quốc gia trên thế giới đến Scotland, không thể không dùng đến máy bay, nhưng phương tiện này sẽ thải ra không biết bao khí gây tổn hại cho khí hậu.

Trước ngày hội nghị COP26 mở ra, một số hiệp hội như tổ chức Liên Đoàn Thanh Niên Xanh Châu Âu (Young European Greens) đã kêu gọi những người tham gia hội nghị sử dụng xe lửa, nhất là đối với những ai ở gần Scotland, chẳng hạn như thủ tướng Anh Boris Johnson vốn chỉ mất vài tiếng đồng hồ xe lửa để đi từ Luân Đôn đến Glasgow.

Vào năm 2019, cô bé Greta Thunberg đã nêu gương khi vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm để đi từ Thụy Điển qua New York, chứ không dùng đường hàng không.

Dùng chuyên cơ thay vì đường hàng không dân dụng

Điều bị giới bảo vệ môi trường tố cáo nhiều nhất là việc rất nhiều lãnh đạo thế giới thay vì dùng các tuyến hàng không dân dụng để đến Anh Quốc, lại sử dụng phi cơ riêng được cho là gây ô nhiễm nhiều hơn gấp 10 lần.

Phong trào bảo vệ môi trường Extinction Rebellion, trụ sở tại Anh Quốc đã dọa là sẽ huy động thành viên phong tỏa một số sân bay được các lãnh đạo này sử dụng. Trong một thông cáo, tổ chức phi chính phủ này tố cáo: “Những chuyến bay tư nhân này, dù chỉ phục vụ 1% dân số thế giới, đã thải ra một nửa lượng khí gây ô nhiễm của toàn ngành hàng không”.

Tệ hại hơn nữa, báo chí trong những ngày qua đã cho biết là vì dịch bệnh Covid-19, những người đến dự COP26 từ các nước nằm trong “danh sách đỏ” của chính quyền Anh, sẽ phải đến bằng máy bay, và đáp xuống một số sân bay nhất định để được cách ly trong 10 ngày.

Biện pháp này đã khiến các tổ chức phi chính phủ hết sức phẫn nộ. Daniel Willis thuộc hiệp hội Global Justice Now tố cáo: “Những người bảo vệ khí hậu và các nhà hoạt động đến từ những khu vực chịu tác hại của biến đổi khí hậu đã phải đối mặt với các thủ tục vô tận liên quan đến visa và tiêm chủng, một số thậm chí phải hủy bỏ chuyến đi, trong khi mà những người có đủ khả năng dùng phi cơ tư nhân thì được chính phủ Anh ưu đãi”.

Giá khách sạn tại Glasgow tăng vọt

Điểm thứ hai bị tố cáo liên quan đến vấn đề chỗ ở cho khoảng 30.000 khách đến dự hội nghị COP26. Tình trạng khan hiếm khách sạn tại Glasgow nặng nề đến mức chính quyền phải đưa du thuyền khổng lồ đến nơi để làm chỗ tạm trú, mà du thuyền cũng thuộc loại gây ô nhiễm bậc nhất.

Trên vấn đề chỗ ở cho khách đến dự COP26, nhật báo Anh Financial Times ngày 17/10 vừa qua đã ghi nhận hiện tượng giới cho thuê nhà ở Glasgow cho giá tiền thuê tăng vọt nhân hai tuần hội nghị: Giá thông thường của một phòng khách sạn khoảng một nghìn euro trong hai tuần đã bị tăng lên gấp 17 lần! Theo hãng truyền thông Anh Quốc BBC, có những căn hộ được chào giá 42.000 euro trong hai tuần, còn có phòng khách sạn, bình thường giá 42 bảng Anh một đêm, đã tăng lên thành 1.400 bảng mỗi đêm trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.

Phải dùng đến các phương tiện chạy bằng diesel

Để bù đắp cho việc thiếu chỗ ở, các nhà tổ chức đã nghĩ đến giải pháp đưa hai tàu du lịch có sức chứa tổng cộng 6.000 người đến nơi. Vấn đề là tàu du lịch cũng là một trong những phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Sử dụng động cơ diesel, những con tàu này được cho là gây ô nhiễm hơn hàng trăm nghìn chiếc ô tô.

Một điều vô lý khác được Andrew Montford, thuộc mạng lưới phi chính phủ Net Zero Watch, ghi nhận: Một chủ khách sạn đã quyết định cung cấp cho khách của mình loại xe chạy bằng điện Tesla để đi từ chỗ ở của họ đến trung tâm hội nghị. Có điều là vì không có sẵn điện để nạp cho các chiếc xe, chủ khách sạn này đã dùng đến máy phát điện chạy bằng động cơ diesel.

Theo nhiều nhà quan sát và bảo vệ môi trường, tình trạng trên đây đã mặc nhiên tác động đến những quốc gia nghèo, không đủ khả năng để đến dự một hội nghị tối quan trọng cho số phận của họ.

Các nước nghèo mặc nhiên bị “loại” khỏi COP26

Trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 11/10, Tanguy Gahouma-Bekale, đại diện của Gabon và thành viên nhóm đàm phán của lục địa Phi đã lo ngại rằng có thể có ít ra là một nửa số đại biểu châu Phi không thể đi dự COP26.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên của xã hội dân sự từ châu Phi đã phải từ bỏ ý định tham gia COP26 họ không thể tiêm chủng đúng hạn, hoặc thậm chí không xin được thị thực.

Ngoài việc không cử được người đến Glasgow, các nước nghèo còn phải đối phó với nguy cơ không thể nói lên tiếng nói của mình tại Hội Nghị.

Viện cớ đại dịch và Brexit, các nhà tổ chức đã tăng giá thuê gian hàng tại COP26 lên mức 30% so với COP25 ở Madrid, những không gian nơi mà các quốc gia có thể tổ chức các cuộc thảo luận, thuyết trình và hội thảo.

Theo nhật báo Anh The Guardian, ngay cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng lên án chi phí “quá mức” của những gian hàng, đã khiến cho ngân sách của họ dành cho sự kiện tại Glasgow tăng gấp đôi.

Nạn nhân của tình trạng này, một lần nữa, lại là các quốc gia đang phát triển và các hiệp hội hoặc tổ chức phi chính phủ.

T.N.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

- Quảng Cáo -