Phát sinh tham nhũng liên quan công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Mới chỉ là ‘rung chà dọa khỉ’?
Trình bày báo cáo thẩm tra công tác của Chính phủ và hoạt động tư pháp nói chung tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đang diễn ra, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết cơ quan này đánh giá kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế. Đơn cử như vi phạm pháp luật về trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế…
Trước đó, ngày 28-9-2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 8151/BYT-TTrB yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22-7-2021 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06-8-2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sở Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế chủ động hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền lập kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện,… đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Thực hiện sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện,… phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, sinh phẩm,… hoặc lợi dụng các hoạt động phòng, chống dịch để trục lợi.
Đến ngày 20-10-2021, Văn phòng Chính phủ có Công điện số 7668/CĐ-VPCP nhắc lại việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin… phòng, chống dịch Covid-19 phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tham nhũng chính sách công: những dấu hiệu ban đầu
Trên thực tế thì công luận thời gian qua có ý ngờ vực về tham nhũng chính sách công qua việc lạm dụng chính sách việc xét nghiệm nhanh về Covid-19.
“Cơn bão” giá kit xét nghiệm Covid-19 khởi nguồn từ phát biểu của ông Đặng Hồng Anh – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26-9.
Ông Đặng Hồng Anh cho biết, giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test. Do vậy, để tiết kiệm ngân sách nhà nước, ông Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vắc xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn với giá gốc.
Ông Anh phát biểu: “Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/kit (khoảng 35.000 đồng). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng”. Ông Anh so sánh, hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 – 70.000 đồng/bộ kit, dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.
Ấy vậy mà ai cũng biết, giá xét nghiệm nhanh các tài xế, bệnh nhân vào điều trị tại các bệnh viện, thậm chí đi tiêm vaccine ở các bệnh viện, người dân phải trả giá cao chất ngất, có khi lên đến 400-450 ngàn/lần, còn giá phổ biến đề trên dưới 300 ngàn đồng.
Chỉ tính riêng 800 ngàn tài xế, buộc phải xét nghiệm trong 72 giờ mỗi lần, số tiền họ bỏ ra cực lớn. Đó là chưa kể mỗi ngày các địa phương xài hàng triệu bộ kit/test, với giá đấu thầu cao ngất ngưởng. Siêu lợi nhuận này ai hưởng, người dân đều biết. Không chỉ người bán kit lời, người đấu thầu mua kit/test cũng “lời”, mà các cơ sở khám chữa bệnh cũng lời khẳm.
Nghi vấn về tham nhũng chính sách công ở đây còn là việc đeo đuổi ‘ngoáy mũi’ ở các thủ tục hành chính 72 giờ về yêu cầu ‘âm tính’.
“Kết quả xét nghiệm âm tính hữu ích đối với những lần tiếp xúc ngắn, nhưng người ta có thể nhiễm SARS-CoV-2 mà vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính, đặc biệt là ở giai đoạn đầu trong quá trình lây nhiễm”, bác sĩ Phil Gould, Giám đốc Chương trình Cúm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ở Việt Nam, nói.
Việc xét nghiệm Covid-19 liên tục, nhất là với người đã chích ngừa đầy đủ, sẽ gây áp lực lên hệ thống phòng thí nghiệm và có thể đem lại giá trị thấp hơn, theo chuyên gia CDC Mỹ tại Việt Nam, bác sĩ Phil Gould cho biết.
“Khi càng nhiều người chích ngừa, rủi ro sẽ giảm dần theo thời gian, cho tới khi một biến chủng khác của SARS-CoV-2 xuất hiện và có thể đòi hỏi chích mũi tăng cường”, vị chuyên gia từ CDC Mỹ nói tiếp, “chích ngừa làm giảm rủi ro người có khả năng mắc bệnh tiếp tục lây virus sang cho người khác”.
… Dường như ở đây vị Giám đốc Chương trình Cúm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ở Việt Nam, quên để ý rằng ở Việt Nam lúc này, ‘cứ ngoáy mũi’ là hầu bao của người lao động cần lao lại thêm teo tóp…./.