Nên công khai tài sản của chính khách đương nhiệm

- Quảng Cáo -

Tử Long (VNTB)

Các chính khách đương nhiệm như Vương Đình Huệ, Tô Lâm… thu nhập hàng tháng bao nhiêu tiền mà có thể chu cấp cho con cái học du học ở tận trời Tây?

Ở Việt Nam chỉ khi chính khách nào đó ‘ngã ngựa’ như cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì báo chí mới được phép đưa tin về các bất động sản, về ‘của nổi – của chìm’ trong một ‘tần số’ có chủ đích nào đó được gọi là ‘phục vụ yêu cầu điều tra’.

Giới báo chí gọi đây là “đá gà… chết”. Tin tức sẽ hấp dẫn hơn, có giá trị về phòng – chống tham nhũng tốt hơn hẳn nếu như khi đương quyền cao, chức trọng, chính khách ấy được báo chí ‘săn tìm’ về các tài sản – bất động sản, kiểu như nội thất gỗ của tư dinh cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hay Lê Khả Phiêu chẳng hạn.

- Quảng Cáo -

Thực tế thì đến nay không người dân nào biết được gia đình của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống trong cơ ngơi ra sao; bởi vậy nên liêm chính ở đây khó thuyết phục khi bản kê khai tài sản của chính khách luôn được “mật” đến mức không ai dám đề cập đến, dù “xa” hay “gần”.

Có lập luận vầy: Nếu đang sống trong một quốc gia có nền pháp chế chặt chẽ, thì ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ đã có thể nghĩ đến việc tiến hành khởi kiện một số cá nhân đưa tin trên mạng xã hội về những nghi vấn liên quan đến tài chính gia đình họ, vì đã “vi phạm bí mật đời tư”.

Việt Nam, tiếc thay, chưa có luật bảo vệ đời tư, nhưng, ngay cả khi đã có luật này, thì với tư cách một chính khách, chuyện tài sản liên quan đến gia đình các ông bà này được công chúng quan tâm cũng là điều dễ hiểu.

Không có gì khó hiểu khi ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ hay ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính… nhận được sự quan tâm của công luận. Là đại biểu Quốc hội, các ông này đang là đại diện cho cử tri tại Quốc hội; trong khi về mặt Đảng, các ông là Ủy viên Trung ương, với điều lệ Đảng xác định rõ việc “tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”.

Trên thế giới, không thiếu những tỷ phú trở thành quan chức. Thị trưởng New York trước đây, ông Michael Bloomberg, là một đơn cử. Nhưng không ai thắc mắc về tài sản của Michael Bloomberg, khi ông là nhà sáng lập kiêm cổ đông chính của hãng tin tài chính khổng lồ Bloomberg. Trước khi bước vào chính trường, ông đã là tỷ phú và với chức danh thị trưởng, ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm.

Tương tự như Bloomberg, nhiều quan chức – tỷ phú bắt đầu hành trình chính khách của họ khi đã là… tỷ phú. Sự giàu có của họ đã được xây dựng từ sự nghiệp kinh doanh hoặc thừa kế và phần nào đó, chính những thành công trong kinh doanh đã tạo ra uy tín chính trị cho họ.

Hành trình ngược lại, từ quan chức trở thành tỷ phú, là một câu chuyện khác hẳn.

Đơn giản là, khi trở thành quan chức, mọi thay đổi về tài sản liên quan đến quan chức sẽ được dân chúng giám sát một cách chặt chẽ; và với riêng cá nhân họ, ngay cả khi nhận mức lương đặc biệt, tài khoản của các quan chức dẫu là cấp cao cũng không thể nào gia tăng một cách nhanh chóng.

Với bất kỳ quan chức nào, nếu không có “lịch sử” là một doanh nhân hay có nguồn gốc thừa kế đặc biệt nào đó, việc chứng minh tính hợp pháp của một khối tài sản có giá trị lớn là khó khả thi.

Ở Hàn Quốc, biên bản kê khai tài sản của các quan chức cấp cao và cấp trung được chính phủ nước này công bố trên công báo quốc gia và người dân có thể tìm hiểu, truy cập thông tin này thông qua hệ thống thư viện công cộng. Báo chí cũng công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài sản này.

Nếu điều này được áp dụng tại Việt Nam, nếu chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của bạc tiền, thì gia đình ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ hay Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính… sẽ chẳng có gì phải phiền lòng trước các ngờ vực của công luận./.

- Quảng Cáo -