Hết tiền, chồng livestream nhờ mẹ hướng dẫn đỡ đẻ cho vợ

- Quảng Cáo -

Phan Ngọc – PNOKhông còn tiền đưa vợ vào bệnh viện sinh con, người chồng đành gọi điện thoại nhờ mẹ hướng dẫn rồi tự mình đỡ đẻ cho vợ ngay tại phòng trọ. Sau đó, hai vợ chồng đem con về quê.

Chiều ngày 9/10, chị Kha Thị Ngọc Ánh (27 tuổi, quê xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, sau khi chạy xe máy vượt quãng đường gần 1.500km từ TPHCM về Nghệ An, vợ chồng chị cùng con trai mới sinh đã về tới quê an toàn và đang cách ly tập trung.

“Giờ nghĩ lại em vẫn còn run, không hiểu sao bọn em có thể vượt qua được những chuyện đó” – chị Ánh nói.

Hai năm qua, chị Ánh cùng chồng là anh Lương Văn Bách (28 tuổi) gửi con trai đầu lòng 6 tuổi cho ông bà chăm sóc rồi vào TPHCM làm công nhân.

- Quảng Cáo -

Hơn 6 tháng qua, cả hai vợ chồng mất việc, “sống mòn” trong căn phòng trọ chật chội ở Q.Bình Tân, TPHCM. Những đồng tiền tích cóp ít ỏi còn lại rồi cũng hết. Hết cách, anh Bách đành gọi về bố mẹ cầu cứu song bố mẹ cũng chẳng có thu nhập, số tiền ít ỏi gửi vào chỉ giúp vợ chồng anh cầm cự thêm được thời gian ngắn.

Anh Bách cho biết, hai vợ chồng anh đã nhiều lần tìm cách về quê vì không còn cầm cự được nữa song bất thành. Chị Ánh cận kề ngày sinh nhưng hai vợ chồng chỉ còn đúng 100.000 đồng, anh Bách đành lên mạng xã hội đăng thông tin xin hỗ trợ và được một số người mua tặng bỉm, quần áo.

Anh Bách ngày càng lo lắng bởi không chỉ tiền ăn uống, anh còn phải xoay xở tiền để đưa vợ vào bệnh viện sinh con. “Cũng gọi điện thoại cho người thân, người quen vay mượn rồi nhưng không ai có cả nên đành chịu” – anh Bách nói.

Hết cách, hai vợ chồng bàn nhau “học khóa đỡ đẻ cấp tốc trên mạng” để sinh ở phòng trọ.

 

Sau nhiều ngày chạy xe dầm mưa, nắng, vợ chồng anh Bách đã về tới quê an toàn
Sau nhiều ngày chạy xe dầm mưa, nắng, vợ chồng anh Bách đã về tới quê an toàn

 

Anh Bách tranh thủ lên mạng tìm hiểu, gọi điện thoại cho mẹ ở quê nhà hỏi xem cần chuẩn bị những gì cũng như nhờ mẹ truyền đạt kinh nghiệm.

3g sáng ngày 13/9, chị Ánh đau bụng. “Lúc này tôi nói với chồng có lẽ em sắp sinh rồi. Nghe vậy, anh ấy vội gọi điện thoại cho mẹ nhờ hướng dẫn. Mọi người ai cũng nói cố lên, cố lên con” – chị Ánh kể. Lúc này, chị Ánh càng đau dữ dội nhưng chị chỉ dám nghiến răng, nước mắt rơi vì quá đau chứ không dám la hét, sợ làm chồng thêm lo.

Qua điện thoại, anh Bách được mẹ hướng dẫn cách đỡ đẻ, cắt dây rốn, tắm cho con… cứ thế anh làm từng bước một. Đến 6g30, chị Ánh “mẹ tròn con vuông” trong tiếng thở phào của người thân ở quê nhà.

“Lúc vừa sinh ra, con òa khóc, em hoảng quá bật dậy vì sợ chồng không biết cách lau mặt cho con để con ngạt thở” – chị Ánh kể. Đến tối 13/9, một số người cùng khu trọ biết chuyện đã hỗ trợ ít tiền để anh Bách mua sữa, cháo cho vợ.

Chiều ngày 4/10, anh Bách mượn được 2 triệu đồng của người thân, vội đưa vợ đi xét nghiệm COVID-19, rồi anh sửa lại chiếc xe máy, hai vợ chồng tức tốc đem con lên đường về quê. “Vì không biết đường nên tôi chạy xe ra ngoài chốt, thấy xe biển 37 hỏi họ rồi cứ thế chạy theo đoàn” – anh Bách kể.

 

Chị Ánh kể lại hành trình vượt ngàn cây số về quê, suýt gặp nạn vì quá mệt
Chị Ánh kể lại hành trình vượt ngàn cây số về quê, suýt gặp nạn vì quá mệt

 

Đứa bé còn quá nhỏ nên thi thoảng quấy khóc vì đói. Anh Bách phải dừng xe để vợ cho con bú. Sữa mẹ không đủ thì cho con uống sữa tươi được người dân cho khi đi qua các điểm chốt. Đêm, gặp chỗ nào phù hợp thì dừng xe, trải áo mưa xuống rồi ngủ. Còn về thức ăn, vợ chồng anh được mọi người tại các điểm chốt trên đường hỗ trợ nên có gì ăn nấy, cũng qua ngày.

Đến Gia Lai thì trời bắt đầu mưa to. Đứa bé bị ướt lạnh, khóc. Khi chạy đến Kon Tum, anh Bách bị ngã xe, cũng may anh kịp đưa tay ra che chắn cho con nên bé chỉ bị xây xát nhẹ.

“Lúc đó vì quá mệt nên anh ấy ngủ gật. Tôi phải nói anh ấy dừng xe nghỉ lấy sức, đừng cố quá. Nhưng mà không biết đường, nếu mình nghỉ thì không đi theo đoàn kịp nên cũng chỉ dám dừng một chút rồi lại chạy tiếp” – chị Ánh nói.

Phan Ngọc

- Quảng Cáo -