Hiền Vương – (VNTB) – “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Hồ Chí Minh đã khẳng định như thế. Trước mắt, cần ‘đuổi’ ngay Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thanh Long ra khỏi ghế Bộ trưởng Y tế.
Sách “Hồ Chí Minh: Toàn tập”, tập 5, trang 75 có đoạn về huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Vì sao cần đuổi ngay Ủy viên Trung ương đảng Nguyễn Thanh Long ra khỏi ghế Bộ trưởng Y tế?
Báo chí đưa tin, tại buổi giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngày 23-9, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho hay, hiện nay Mặt trận gặp lúng túng trong việc tiếp nhận các viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Nhiều cá nhân, tổ chức đã vận động máy móc, trang thiết bị y tế qua sử dụng ở nước ngoài về Việt Nam, trong đó có máy móc Mỹ mới sản xuất, đã qua sử dụng nhưng còn rất tốt. Hoặc một tổ chức Hàn Quốc cho TP.HCM 20 chiếc xe cứu thương được sản xuất từ năm 2015 nhưng theo quy định thì chỉ nhận được xe sản xuất từ năm 2019 trong khi trong nước vẫn đang thiếu.
Trước đây, thiết bị y tế đã qua sử dụng không cho nhập về dù là hàng từ thiện. Sau đó, Chính phủ đã gỡ vướng bằng văn bản đồng ý cho nhập về.
“Chính phủ đã đồng ý nhưng ngành y tế có quan điểm ra sao thì không có trả lời nên dẫn đến kết quả là hàng về tới Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại vì không ai hướng dẫn, không ai trả lời. Ủy ban MTTQVN TPHCM đã có văn bản tiếp nhận, phân phối, chỉ chờ văn bản của Bộ Y tế đồng ý, giao cho Sở Y tế TPHCM thẩm định thì phân bổ liền” – bà Châu chia sẻ.
Bà Tô Thị Bích Châu trước khi tham gia chính trường, bà là một dược sĩ.
Trước đó nữa, chính quyền TP.HCM có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính kiến nghị xem xét về việc chi trả cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hai Bộ đẩy đưa qua lại rồi cũng ra được ý kiến của Bộ Y tế trong tờ trình đề xuất các cơ chế tài chính đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập được huy động tham gia thu dung điều trị Covid-19 như sau: “việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người F0 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo từng người bệnh F0 với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở quyết định theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện trung ương trên địa bàn”.
Nhưng từ đó đến nay, câu trả lời chính thức và văn bản hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền vẫn lơ lửng!
Vậy là chính quyền TP.HCM buộc lòng phải tự quyết, cụ thể như sau:
Một, chi phí điều trị Covid-19 (bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật…): Ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019; bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Hai, chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế TP.HCM cấp): Ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan bảo hiểm xã hội hiện đang thanh toán cho đơn vị.
Ba, chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh…): Các bệnh viện tư nhân được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế TP.HCM (nếu có).
Thực tế, càng chậm trả lời, bệnh viện tư càng chậm việc được chính thức thu phí thì sự cạn kiệt tài chính ở bệnh viện công là điều tất yếu.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn hiện đang có mặt ở Sài Gòn, hơn ai hết sẽ hiểu sức gồng gánh tài chính (do ngân sách chưa cấp bù) của bệnh viện Chợ Rẫy – nơi ông đã làm giám đốc liên tiếp mấy nhiệm kỳ, cho đến giờ phút này. Nhưng có lẽ, đấy lại là mảng ngoài chuyên môn, phụ trách của ông chăng? Hoặc “đường đi” của cơ chế và quyền “cho” tháo gỡ chúng lại không là của cấp phó như Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn?
Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 24-8, người đứng đầu trung ương Đảng yêu cầu ưu tiên số một là tập trung chăm lo sức khỏe nhân dân. Trong nhiều cuộc họp, người đứng đầu chính phủ cũng kêu gọi huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực tư nhân để cùng phòng chống dịch.
Vậy thì biết bao nhiêu chuyện dầu sôi lửa bỏng, chuyện máy móc can thiệp, hỗ trợ bệnh nhân ai cũng nghe, cũng thấy; nhưng vì sao ngay cả khi Chính phủ đã đồng ý, Bộ Y tế vẫn không cấp tốc tháo gỡ?
Cả y tế phường mà Thủ tướng Phạm Minh Chính còn kiểm tra được, cả chủ tịch tỉnh mà ông còn “khảo bài” tới nơi, thì hà cớ gì một bộ trung tâm, trọng yếu của cuộc chiến sống còn này, lại “giữ quyền im lặng” trước chỉ thị của ông?
Có lẽ câu trả lời cuối cùng ở đây là thuộc về người đứng đầu Bộ Chính trị – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(*) Đính chính: Xin đính chính lại thông tin đã đưa về ông Nguyễn Thanh Long: là uỷ viên Trung ương đảng chứ không phải là Uỷ viên Bộ Chính Trị. Xin độc giả thứ lỗi vì sự nhầm lẫn.