Hiệu ứng hổ mang – Kỳ 2: Thiếu tự do thông tin, rắn chuột mặc sức tàn phá

Ảnh minh họa: State Dept./D. Thompson
- Quảng Cáo -

Trong các thể chế độc tài, cơ chế phản hồi bị đứt gãy nghiêm trọng

By 

Trong bài viết ở kỳ trước, chiến dịch “trừ tứ hại” được giới thiệu như một ví dụ của hiệu ứng hổ mang, góp phần dẫn tới hậu quả ngược là nạn đói ở Trung Quốc trong giai đoạn 1959 – 1961.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu nhắc tới nạn đói kinh hoàng trên mà không đả động đến chính sách “đại nhảy vọt” đầy tai tiếng của chính quyền Mao Trạch Đông, được thực hiện từ năm 1958 đến 1962. [1]

Bưng mô hình kinh tế tập thể của Liên Xô vào để phát triển nông nghiệp và công nghiệp, nhà lãnh đạo họ Mao quyết tâm chỉ trong vài năm ngắn ngủi giải quyết vấn đề lương thực của đất nước, vượt mặt các cường quốc tư bản và thể hiện đầy đủ bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

- Quảng Cáo -

Trọng tâm của chính sách “đại nhảy vọt” là một cuộc ganh đua ý thức hệ, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi các tiêu chí thực hiện nó ngay từ ban đầu đều nhắm đến việc đạt được các con số ấn tượng: hàng chục ngàn các công xã nhân dân được thành lập, [2] hàng trăm ngàn lò luyện thép sân vườn được dựng nên, [3] và vô số các báo cáo láo về năng suất vượt trội được cán bộ địa phương thi nhau gửi về trung ương. [4]

“Đại nhảy vọt” mang đầy đủ các tính chất của một hiệu ứng hổ mang điển hình: người ban hành chính sách không có hiểu biết về cách nền kinh tế vận hành, các tiêu chí đánh giá mang tính bề mặt, và hậu quả của nó thì thê thảm hơn vấn đề ban đầu định giải quyết.

Thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc cho biết có 15 triệu người đã chết trong nạn đói từ năm 1959 đến 1961. [5] Nhiều người cho rằng con số thực lớn gấp nhiều lần. Trong cuốn sách “Mao’s Great Famine” (Nạn đói vĩ đại của Mao) xuất bản năm 2010, nhà sử học người Hà Lan Frank Dikotter cho biết ít nhất 45 triệu người đã chết do hậu quả của chính sách “đại nhảy vọt”. [6]

Hiệu ứng hổ mang trong trường hợp này dẫn đến hậu quả thảm khốc, một phần nguyên nhân quan trọng nằm ở việc trong thể chế độc tài như Trung Quốc, “cơ chế phản hồi” bị cản trở và xuất hiện quá muộn.

Xã viên ở một công xã mừng nhận máy kéo mới, tháng 4/1958, ở Trung Quốc. Ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images.
Xã viên ở một công xã mừng nhận máy kéo mới, tháng 4/1958, ở Trung Quốc.

Quan hệ nhân quả trên thực tế: các vòng lặp phản hồi

Đa số mọi người hình dung về quan hệ nhân quả theo kiểu đường thẳng (linear thinking): A -> B và chấm hết.

Các quan hệ nhân quả trên thực tế không phải là đường thẳng. Chúng là những vòng lặp đan xen vào nhau, được gọi là các “vòng lặp phản hồi” (feedback loop) hay “vòng lặp nhân quả” (causal loop).

Vòng lặp phản hồi về cơ bản có hai loại. Loại thứ nhất là “vòng lặp dương” (positive loop) hay còn gọi là “vòng lặp bổ trợ” (reinforcing loop). Loại thứ hai là “vòng lặp âm” (negative loop) hay “vòng lặp cân bằng” (balancing loop).

Một ví dụ đơn giản về vòng lặp dương như hình bên dưới, mô tả mối quan hệ giữa việc dân số tăng dẫn đến nhu cầu thực phẩm tăng, từ đó dẫn đến nhu cầu trồng trọt tăng. Khi sản lượng trồng trọt tăng, dân số gặp điều kiện thuận lợi tiếp tục tăng, và nhu cầu lương thực lại tăng. Các nhân tố trong vòng lặp này đều thuận chiều nhau (cùng tăng hoặc cùng giảm), nên nó còn được gọi là vòng lặp bổ trợ.

Cùng ví dụ trên, nếu xem xét yếu tố nông sản, ta có thể chỉ ra một vòng lặp giản lược khác. Nông sản tăng dẫn đến nhu cầu dùng thuốc trừ sâu tăng. Càng dùng nhiều thuốc trừ sâu, chất lượng và số lượng đất nông nghiệp thích hợp để trồng trọt càng giảm. Điều này dẫn ngược lại đến việc sản lượng nông nghiệp sẽ giảm. Cơ chế này được gọi là vòng lặp cân bằng do tính chất tự triệt tiêu nhau của nó.

Trên thực tế, mỗi yếu tố đều liên hệ tới nhiều vòng lặp khác nhau. Các vòng lặp phức tạp này đan xen và không ngừng thay đổi, hoặc mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo sự biến đổi của từng yếu tố.

Bạn có thể tìm hiểu về các vòng lặp này qua video của Đại học MIT (Hoa Kỳ). [7]

Cách nhận biết các vòng lặp: tiếp nhận dòng chảy thông tin

Làm thế nào để nhận biết hết tất cả các mối quan hệ nhân quả khi xem xét một hiện tượng?

Câu trả lời ngắn gọn là không thể. Không ai, và cho tới thời điểm hiện tại không có bộ máy nào có thể vẽ được hết các vòng lặp quan hệ chằng chịt của thế giới thực.

Điều quan trọng nhất vì vậy là làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể nhận biết được các cơ chế phản hồi này.

Chìa khóa cho nó nằm ở dòng chảy của thông tin.

Nơi nào thông tin càng thông suốt, các quan hệ nhân quả càng sớm được nhận diện, tốc độ ra các quyết định phản hồi và chỉnh sửa càng nhanh.

Ngược lại, ở nơi thông tin bị kiểm soát, bóp méo và thậm chí trở thành công cụ để “vẽ lại” thế giới thực như ý muốn của một số người, các quan hệ nhân quả sẽ chỉ được phát lộ khi núi lửa đã phun trào ngay trước mắt.

Đó là điều đã xảy ra với “đại nhảy vọt” và cả những chính sách duy ý chí sau đó của Mao Trạch Đông.

Hệ thống công xã nhân dân gom hàng chục ngàn người vào một nơi sinh hoạt và làm việc trong những điều kiện như nhau, triệt tiêu hết động lực phấn đấu của từng cá nhân. Các lò luyện thép mini mọc lên như nấm chỉ tạo ra những sản phẩm phế thải, trong khi hậu quả phá rừng đến từ việc xây dựng và vận hành chúng hơn nửa thế kỷ sau vẫn còn hiển hiện. [8] Các báo cáo láo về năng suất tưởng tượng từ cán bộ địa phương trong một thời gian dài nghiễm nhiên được xem là sự thật, bất chấp hiện thực hoàn toàn trái ngược.

Không có báo chí tự do để phản ánh kịp thời những lỗ hổng trong chính sách, không có tự do ngôn luận để bảo vệ những người nói ra sự thật, các chính sách đầu rắn đuôi chuột được mặc sức tung ra, gây thảm họa này đến thảm họa khác.

Mãi đến khi hàng triệu người chết trong đau đớn sau khi phải cạp đất để ăn, theo đúng nghĩa đen của nó, cơn điên của những chính sách dị dạng này mới dừng lại.

- Quảng Cáo -