Giãn riết rồi… ‘đơ’ luôn

- Quảng Cáo -

Lynn Huỳnh (VNTB)

Kéo giãn riết, lực đàn hồi sẽ thế nào nhỉ: ‘đơ’ luôn, hay ‘dội’ lại đủ làm sụp đổ cả một thành trì già nua sắp bước sang tuổi 92?

“Thôi, mặc kệ mấy người”!

Một đồng nghiệp làm việc ở tờ báo có chủ quản rất ‘oách’ là Thành ủy TP.HCM, kể rằng, “Nhiều người thành phố, những người bạn tôi quen, tiếp nhận thông tin sẽ kéo dài Chỉ thị 16+++ bằng tiếng thở dài. Hồ như họ cũng chẳng còn thiết tha, trông đợi gì nữa. Này thì là mà rằng bởi tại vì do… Này thì là chuyên gia khoa học dự báo thận trọng phục hồi chăm lo cam kết sẽ…

- Quảng Cáo -

Ở tầng đáy, hiển hiện trước mắt là rối reng loạn xị đến mức chán chẳng buồn nói. Tháng 8 hết dịch. Trận đánh cuối cùng. Pháo đài chiến sĩ. Thôi, mặc kệ mấy người!”.

Giãn cách mạnh 3 tuần rồi số ca nhiễm thì sao, hôm nay hơn 6.000 ngàn, vẫn thế? Thêm 2 tuần giãn cách nữa thì sao? Và nới lỏng thì sẽ ra sao? Chưa rõ… Chỉ biết, 2 tuần nữa, người dân vẫn có thể cầm hơi được, nhưng hiện tại hàng loạt doanh nghiệp đã chết ‘lâm sàng’ rồi…

Cảm giác cùng đường là điều mà nhiều người đang có ở lúc này. Và trong giờ phút kéo dài cơn hấp hối đó, không ít người cảm thấy như mình dần ngộ ra một điều đơn giản, rằng nếu không chích thuốc Vero Cell của Trung Quốc mà nhà nước cấm đi làm, thì các công ty sẽ thiếu nhân công, các công ty sẽ phá sản và không có 82% để nộp về ngoài kia, thì kết cuộc, chính ở trên cao chốn thiên đình họ cũng đói.

Số người khác lại nghĩ: Giờ chích đi để còn đi bán vé số, nghỉ một ngày là không có ăn. Ừ, đó là cơm gạo. Làm sao ai đó có thể quyết định thay cho họ khi không thể chịu trách nhiệm cho cuộc sống và mạng sống của họ?

Liên quan chuyện ‘giãn tiếp 2 tuần’, người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM giải thích rằng vì đây là quy định của Bộ Y tế.

“Hiện nay, thành phố vẫn chưa đạt được tiêu chí là số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất” – theo ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thì hiện nay biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca.

“Tuy nhiên, căn cứ vào những dữ liệu mà chúng tôi đang có thì dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan. Chúng ta đều biết hiện nay biến chủng Delta nằm ngoài dự kiến của chúng ta, thậm chí biến chủng này né được một số kháng thể trong người. Một số chuyên gia dịch tễ cho hay rất khó để làm sạch F0 trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục các giải pháp Bộ Y tế đưa ra, đồng thời sẽ có kiến nghị với bộ để có những tiêu chí phù hợp”, ông Thượng phát biểu tại buổi họp báo vào chiều ngày 13-9-2021.

Thất bại chính trị?

Diễn giải bên lề họp báo, Bộ Y tế quy định rằng các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 chỉ mở được khi đáp ứng hai tiêu chí: Thứ nhất, nhóm chỉ số về ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn đó là số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó, và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Đồng thời tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Địa bàn đó không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Thứ hai, nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm gồm giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ. Riêng tại TP.HCM, Bộ Y tế cho phép về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm được điều chỉnh theo tỷ lệ 30%.

Cả hai tiêu chí trên đều được xây dựng theo tinh thần ‘Zero-Covid’, chưa tính đến độ phủ của chích vắc xin, và như thế xem ra đã lạc hậu so với thực tế. Thế nhưng vì là lệnh của ‘hệ thống chính trị’ nên TP.HCM đành… tiếp tục ‘giãn’ thêm 2 tuần lễ nữa.

Kinh nghiệm xương máu từ tất cả các vụ dịch bệnh lớn là giới chức chính trị và quản lý y tế đánh giá thấp tình hình, đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Đó chính là thất bại chính trị, dẫn đến trên chục ngàn người Việt đã chết trong kinh hoàng ở đại dịch Covid hôm nay.

Bởi, phải không, nếu từ năm ngoái, khi số ca nhiễm chưa đến 500, dù đã bùng phát khắp thế giới, mà ‘hệ thống chính trị’ dành tâm lực đi kiếm vắc xin, chuẩn bị nhân lực – vật lực, các phương án ứng phó cụ thể thay vì ngồi đó “Tự hào quá Việt Nam ơi” thì có lẽ đã không đến nông nỗi này…

Thay lời kết để tránh bị quy chụp phản động

Nếu cho rằng các ta thán ở trên là ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’, là phản động…, thì rất mong ‘bề trên’ thử trả lời vì đâu có thảm cảnh như dưới đây:

-Bệnh nhân có bệnh nền suốt hơn 2 tháng không được chăm sóc y tế. Ai có thể sống được khi mang bệnh ung thư, thiếu máu cơ tim, suy gan, suy thận, hen suyễn, COPD… mà chịu đựng được trong suốt thời gian dài không thuốc men, không can thiệp y tế?

-Ngân hàng máu cạn kiệt. Người bán máu cũng không thể lết được đến trung tâm hiến máu để bán giọt máu của mình. Vậy thì bệnh nhân ung thư máu, mất máu, tai nạn, mổ xẻ lấy máu đâu ra để truyền?

-Thuốc men, dịch truyền cạn kiệt, chợ sỉ đóng cửa, hàng đặc trị không được nhập về… Bệnh nhân muốn tự điều trị cũng không có để mà mua.

-Nhân viên y tế kiệt sức, bỏ công việc. Cơ sở y tế không phục hồi hoạt động, vẫn tiếp tục cho chống dịch mà không lo cho bệnh nhân các loại.

-Bệnh tâm thần tăng cao do trầm cảm, stress vì bị nhốt trong nhà và bị tang thương do mất người thân, doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp… Số người tự tử sẽ tăng.

-Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu đói khiến cho bệnh mới phát sinh, nhất là lao phổi, viêm dạ dày.

-Người nghèo không có tiền trả tiền nhà, mất nơi trú ẩn…

-Trẻ con mồ côi vì cha mẹ mất trong mùa dịch sẽ suy dinh dưỡng, mắc bệnh mà không được chăm sóc…

…Và nếu mai này thành trì chế độ lung lay bởi những chấn động dân túy, liệu ‘thần đèn’ nào có đủ quyền năng cho tu bổ, tránh sụp đổ?

#coronavirus #csvnchốngdịch #giãncáchxãhội

- Quảng Cáo -