“Thiết yếu” là từ khóa nặng ký nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam. Nó cho thấy sự khác biệt trong cách thức chống dịch giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Không quốc gia nào có giải pháp hoàn toàn giống nhau trong cuộc chiến Covid-19 nhưng không quốc gia nào đẩy người nghèo đến tử lộ bằng hàng rào phong tỏa với hai chữ “thiết yếu”.
Trong các bài trước đây, tôi nhiều lần viết rằng một khi xảy ra biến cố nghiêm trọng thì người nghèo khổ tận cùng là nạn nhân đầu tiên và nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này đang hiển hiện, không chỉ bởi tác động của dịch bệnh và những hậu quả kéo theo mà còn bởi cách thức chính trị hóa dịch bệnh. Nhà cầm quyền đã chính trị hóa các biện pháp chống dịch bằng những chỉ thị; và vũ khí hóa các chỉ thị bằng sự ngu dốt của đám thừa hành. Bức ảnh mới đây (ngày 29-7-2021) mà bà Phan Thị Châu, chủ chuỗi quán cơm Nụ Cười, chụp bàn tay một người nghèo thò qua dưới cánh cửa sắt để được trao phần cơm từ thiện, cùng lời van cầu “Đói quá chị ơi, cho xin một hộp cơm đi”, có thể được xem là bức ảnh chấn động tâm can nhất kể từ khi chính sách phong tỏa khắc nghiệt được áp dụng.
Giới nghiêm cũng cho thấy nhà cầm quyền đang phòng bị và chặn trước một nguy cơ có xác suất xảy ra rất thấp nhưng luôn được nhìn nhận nguy hiểm hơn tất cả, thậm chí hơn cả đại dịch Covid-19: biểu tình toàn quốc. Bằng mọi giá để không xảy ra biểu tình mới là mục tiêu chính trị lớn nhất của nhà cầm quyền.
Vấn đề bây giờ không còn là việc mổ xẻ nhà cầm quyền đúng hay sai trong chính sách phong tỏa mà là chính sách này được thực thi như thế nào và có “lố” hay không. Vấn đề không phải là phong tỏa mà là sự xuất hiện của cái búa “thiết yếu” đập lên đầu người nghèo. Điều sai căn bản nhất và trầm trọng nhất – xuất phát từ việc chống dịch bằng “ý thức chính trị” – là nhà cầm quyền tin rằng họ có thể “chiến thắng” dịch bệnh. Không có sự khoác lác nào ngu xuẩn và bất chấp cơ sở khoa học hơn vậy. Chẳng có quốc gia nào có thể tiêu diệt hoàn toàn coronavirus.
Đến nay có thể khẳng định sẽ không có kết thúc tuyệt đối trong cuộc chiến chống dịch với sự biến mất vĩnh viễn coronavirus và những biến thể của nó. Thế giới, thay vì tự tin kỳ vọng “chiến thắng” Covid-19, đang dồn lực để đưa ra những kịch bản làm thế nào có thể tồn tại cùng với nó. Những kịch bản không được viết bởi chính trị gia mà bởi các nhà khoa học, bởi ý kiến cố vấn từ giới chuyên môn, bởi hệ thống truyền thông tự do nơi không bao giờ tránh né đăng những phản bác hoặc chỉ trích gay gắt.
Không ít người nghĩ, và được “định hướng” để nghĩ rằng, Việt Nam đang bằng mọi giá chống dịch với những giải pháp cực đoan để có thể sớm khôi phục kinh tế. Điều này không sai nhưng chưa đủ. Kể cả khi không xảy ra những vụ việc gây phẫn nộ từ cách làm việc bất nhân của đám dân phòng và công an vốn luôn có quán tính thực hiện “mệnh lệnh chính trị” một cách máy móc, cách thức phong tỏa và giới nghiêm cũng cho thấy nhà cầm quyền đang phòng bị và chặn trước một nguy cơ có xác suất xảy ra rất thấp nhưng luôn được nhìn nhận nguy hiểm hơn tất cả, thậm chí hơn cả đại dịch Covid-19: biểu tình toàn quốc. Bằng mọi giá để không xảy ra biểu tình mới là mục tiêu chính trị lớn nhất của nhà cầm quyền.
Đừng thắc mắc tại sao hàng rào kẽm gai được giăng chặn khắp nơi và đặt câu hỏi rằng liệu có cần thiết như vậy hay không. Đó thật ra không phải là phong tỏa, hiểu theo nghĩa “lockdown” mà nhiều nước thế giới áp dụng. Đừng vội nghĩ chính quyền “sai quá sai” khi ban lệnh giới nghiêm sau 6pm hàng ngày. Không chủ trương nào của chính quyền mà không có yếu tố chính trị. Mọi thứ, từ kinh tế đến thân phận người nghèo, có thể sụp đổ – trừ chính quyền. Không phải tự nhiên mà quân đội và công an – thay vì giới chức y tế – đang “kiểm soát” toàn bộ cuộc chiến chống dịch.
“Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của chính phủ” hiện là một tướng quân đội: thứ trưởng quốc phòng Võ Minh Lương. Vai trò của giới chuyên gia y tế ở đâu và tiếng nói phản biện của họ được lắng nghe như thế nào là những thứ không “thiết yếu”. Cách đây không lâu, bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh (thành viên tổ tư vấn chính phủ, giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright), trên VNExpress ngày 16-7-2021, đã nhanh chóng bị gỡ. Sự lan truyền những ý kiến “trái chiều” đối với nhà cầm quyền cũng nguy hiểm tương đương sự bùng nổ dịch bệnh cùng những chiếc xe cứu thương nối dài dẫn đến nhà xác.
Khó có thể đoan quyết rằng những con số lây nhiễm đã được cố tình sử dụng để làm cái cớ thích đáng nhằm siết chặt hơn các hình thức phong tỏa, nhưng việc chính quyền gieo rắc và cực đại hóa nỗi sợ hãi là điều có thật. Chính trị hóa không khí sợ hãi là điều có thật. Ít ra chiến thuật tâm lý này cũng giúp “giải thích” với công chúng được tại sao “cả hệ thống chính trị” phải “quyết liệt” và từ đó có thể nhận được sự “đồng tình” và “thông cảm” từ người dân. Cốt lõi của chiến lược này, cuối cùng, vẫn là sự bảo vệ toàn vẹn chế độ, cho dù điều đó có đánh đổi bao nhiêu mạng sống người nghèo.
Trên tờ The Diplomat (29-7-2021), tác giả Wayne Soon phân tích năm yếu tố giúp Đài Loan, một lần nữa, khống chế được dịch bệnh trước sự xuất hiện của các biến thể coronavirus. Một trong những yếu tố đó là chính quyền luôn lắng nghe ý kiến chỉ trích và sẵn sàng thay đổi chính sách chống dịch. Yếu tố thứ hai là người dân tích cực tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ giới chính trị gia trong cuộc chiến chống dịch. Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je (Kha Văn Triết), dù từng là bác sĩ tại bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan (Quốc lập Đài Loan Đại học Y học viện phụ thiết y viện), đã bị công luận tấn công dữ dội và cuối cùng phải chấp nhận sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế thuộc Cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia (CDC). Yếu tố thứ ba là vai trò truyền thông. Nếu nhà chức trách làm đúng, báo chí tự nhiên và tự nguyện trở thành nơi tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả; nếu chính quyền làm sai, họ công kích không khoan nhượng.
Cách đây không lâu, người ta vẫn còn dồn tiêu điểm phân tích vào mô hình thể chế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, rằng tư bản hay cộng sản độc tài quyết định thành bại trong các giải pháp đối phó dịch bệnh. Tuy nhiên, coronavirus không phân biệt thể chế. Dù vậy, nó dễ dàng làm lộ ra năng lực vận hành của bộ máy cầm quyền. Nó giúp cho thấy hệ thống cầm quyền nào trở thành một hệ thống thảm hại thất bại, tức không chỉ là một hệ thống thất bại một cách thảm hại mà là một hệ thống vốn thảm hại nay đang thất bại như thế nào. Những “tái định nghĩa” về “các mặt hàng thiết yếu” cũng cùng lúc giúp người ta một lần nữa thấy được một điều không mới nhưng chưa bao giờ cũ, rằng một chính quyền như vậy có đáng được xem là nhà cầm quyền “thiết yếu” đối với người dân nữa hay không.
Sự nghẹt thở của người dân đã lên đến đỉnh điểm. Nỗi tức giận của người dân trước sự bất công hiển hiện – giữa những kẻ “từ trên núi mới xuống” (như lời một viên chức địa phương quát vào mặt một anh công nhân đáng thương) đang ngồi trong bộ máy cầm quyền, từ trung ương đến địa phương, so với phần còn lại của xã hội – đã cho thấy rằng, cho dù có “chiến thắng” đại dịch, đất nước vẫn sống và tiếp tục bị hao mòn sinh lực bởi đám virus hình người nhan nhản đang hô hào khẩu hiệu và chính trị hóa một cuộc vật lộn hỗn loạn mất phương hướng với những con virus vô hình; cùng lúc đẩy trách nhiệm lên vai cộng đồng xã hội trong khi cưỡng giành từng lọ vaccine.
Bây giờ, gút lại, cái gì, mới thật sự là “thiết yếu”? Không chỉ là sự thay đổi “tư duy chống dịch”. “Thiết yếu” nhất, vẫn là – một điều không mới nhưng chưa bao giờ cũ – chính là “tư duy cai trị”. Vô số người nghèo đã và đang bị hy sinh và “trả giá” một cách oan uổng cho những sai lầm và sự quá lố của thứ “tư duy cai trị” này. Và điều căn cơ của việc thay đổi “tư duy cai trị” – khoan nói đến những chuyện “viển vông” chẳng hạn bầu cử tự do và dân cử đúng nghĩa – là chỉ cần chịu lắng nghe tất cả ý kiến chỉ trích, cho dù có khó lọt tai cỡ nào. Đó chẳng lẽ cũng không là điều thiết yếu?
Mạnh Kim