VietTuSaiGon – RFA
Đến thời điểm này, có thể nói rằng thân đập đã vỡ, vấn đề còn lại là Việt Nam chống chọi ra sao với thác lũ Covid-19. Bởi trước đây tôi từng đề cập, Việt Nam nằm sát sườn Trung Quốc, sát với rốn dịch, cũng giống như một ngôi làng sống bên cạnh thân đập, khi nó rò rỉ hoặc tràn nước thì ngôi làng có vẻ như bình yên bởi nước bắn ra xa, nhưng khi thân đập vỡ thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Thân đập ở đây chính là tinh thần, trang bị khoa học và khả năng quản lý, điều phối trong phòng chống dịch bệnh. Việt Nam đang gặp vấn đề trầm trọng.
Ngay từ các đợt chống dịch 1, 2 và 3, dường như có lắm vấn đề phản khoa học tại Việt Nam nhưng may sao Việt Nam không vỡ trận. Có thể vì hai lý do: Người Việt chịu cực khổ, quen sống trong môi trường ô nhiễm nên khả năng đề kháng sẽ cao hơn so với các quốc gia khác. Nhưng đó là chuyện của các biến thể Covid ban đầu, đến các biến thể mạnh hiện nay thì câu chuyện trở nên tệ hại. Và lý do thứ hai, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, an ninh lương thực tương đối ổn định cộng với tinh thần làm việc theo khẩu hiệu lúc còn hăng hái nên mọi chuyện tuy có phản khoa học nhưng khí thế và quyết tâm cao, nhất là kiểu làm việc hồng vệ binh, cứ nghe có dấu hiệu là cho cách ly, bắn nhầm hơn bỏ sót… đâm ra được việc tức thời.
Nhưng đó là chuyện của lúc ban đầu, cái lúc mà cả người dân, nhà nước, công an và quân đội còn giữ được khí thế hồng vệ binh. Và cái khí thế hồng vệ binh ấy không thể kéo dài thêm khi mà mức độ “tự hào quá Việt Nam ơi!” càng lúc càng tăng, người ta ăn mừng mình đã chống được dịch bằng cách mở cửa quán xá, nhậu nhẹt, chúc mừng, cho tổ chức ăn mừng 30 tháng 4 và 1 tháng 5, sau đó cho tổ chức bầu cử, dân dắt díu, xúm xít đi bầu trong lúc thế giới chung quanh đang gồng lưng chống chọi với dịch và vấn đề ai đang nhiễm dịch trong các đám đông đi chơi, đi bầu cử là một ẩn số.
Qua các đợt lễ và đợt bầu cử, nó cho thấy cả nhà nước và số rất đông người dân Việt Nam chưa hề hành xử nghiêm túc với bệnh dịch. Và trầm trọng hơn là tính vụ lợi, sự ham hố của cả nhà nước và người dân còn quá cao, điều này dẫn đến nguy cơ ô hợp, lộn xộn. Vì sao?
Vì ham hố tính “chính danh” trong lãnh đạo, hợp thức hóa nó trước con mắt quốc tế mà bằng mọi giá phải tổ chức bầu cử, trong khi đó thực tế sắp xếp quyền lực chính trị trong hệ thống đã rõ, có bầu hay không bầu gì thì cũng như nhau. Và để hợp thức hóa bầu cử, để chứng minh rằng việc tổ chức bầu cử vô can trong lây lan bệnh dịch, trước đó, nhà nước đã mở cửa cho các ngày lễ, các đám đông tụ tập, đàn đúm. Đó là tính ham hố, sự bất chấp để đạt mục đích, vụ lợi của nhà nước.
Ngược lại, đại đa số người dân cũng bất chấp, ham hố và cẩu thả, trong lúc dịch bệnh tràn lan mọi nơi, vậy mà chỉ cần nghe nhà nước thả cửa là đổ xô ra đường, tụ tập ăn chơi, đàn đúm. Ý thức chống dịch và tầm nhận thức của các đám đông ăn chơi, đàn đúm này rất thấp, thậm chí nó cho thấy tính bầy đàn, thiếu nhận thức và phụ thuộc vào thông tin điều động của nhà nước quá cao. Một khi mọi động thái của nhân dân đều thể hiện tính bầy đàn, hoàn toàn lệ thuộc nhà nước và không có tự chủ thì đừng trách nhà nước thiếu dân chủ, không tôn trọng nhân quyền.
Và, khi vỡ đập, câu chuyện bầy đàn trong ý thức chống dịch của cả nhà nước và đại bộ phận dân chúng Việt Nam càng trở nên trầm trọng hơn, khi mà từ Nam chí Bắc, hình ảnh người dân chen chúc, xô đẩy, tranh giành, lấn làn đường, cúp đầu xe để được đi tới trạm kiểm dịch sớm, để xin từng mẫu đơn đăng ký xét nghiệm, khi mà nhà cầm quyền không ngần ngại bán những ‘hộ chiếu Covid’ để người dân được lưu thông từ tỉnh này sang tỉnh khác với giá cắt cổ thì chỉ có thể nói rằng chúng ta quá tệ hại!
Và, hình ảnh người dân chen chúc, tranh giành, nhà nước thả cửa chặt chém người dân thông qua bệnh dịch khiến tôi nhớ đến một em bé Nhật bản đã tự mang thức ăn được cho riêng phần để đặt lên bàn phát chẩn và lui xuống xếp hàng đợi đúng phiên của mình trong đợt sóng thần lịch sử tại nước Nhật, với lý do, mọi người ai cũng đói giống em, em không thể vì đói mà ăn trước, mà ích kỉ… Cũng như hình ảnh người ta sống đẹp, sống có nguyên tắc ở những quốc gia tiến bộ. Điều này cho thấy mức độ trưởng thành của một dân tộc gồm cả nhà nước và nhân dân, lẽ nào nhân dân chúng ta còn chưa đủ trưởng thành so với một đứa bé ở quốc gia tiến bộ? Và nhà nước Việt Nam hành xử còn tệ hơn cả những đám ô hợp, chực chợ cháy cướp bánh tráng?
Nhưng đây là sự thật, một sự thật đã phơi bày trước mắt, nhà nước thì luôn miệng hô hào tốt đẹp nhưng hành động bất minh và sẵn sàng chặt chém nhân dân từ lít xăng cho đến con gà, con cá, ký gạo, ký điện, thuốc men và cả vaccine phòng dịch. Tệ hơn nữa là chặt chém ngay trong tấm vé lưu hành trên đường đi để kiếm chén cơm, manh áo của nhân dân. Trước khi có dịch, nhân dân ra đường đã sợ hãi trước các khoản phí từ bảo trì đường sá cho đến mua vé các trạm thu phí, phí bánh mì của cảnh sát giao thông… Thì bây giờ, khi dịch đến, người dân vẫn phải gánh các khoản tăng gía liên tục của xăng dầu, hàng hóa, vật dụng, và đáng sợ hơn là phí đi đường đã đạt đến mức bóc lột.
Điều này cho thấy cái thành trì chống dịch của Việt Nam đã vỡ, bởi nói cho cùng thì Việt Nam là quốc gia mới chạm ngưỡng phát triển, trong đó dựa vào tiềm năng tài nguyên vẫn là nguồn mũi nhọn, và yếu tố tương thân tương ái vẫn là sức mạnh nền tảng để phát triển. Tuy nhiên, khi mà mọi thứ đều được hô hào trên lý thuyết, trên căn bản tuyên truyền và bốc thơm, thực tế phũ phàng ẩn nấp đằng sau những gì hoa mỹ… Thì đương nhiên, cái thành trì chống dịch mang tên Tinh Thần Dân Tộc ấy cũng chỉ là bức tường giấy có vẽ các tảng đá, vẽ các trụ bê tông, vẽ đủ các tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật, cho đến lúc nó bị xé toạc, hiện ra căn tính một cách muộn màng, thì việc trả giá hoàn toàn không nhỏ!
Đến giờ phút này, chỉ có thể nói rằng nếu Việt Nam không bình tĩnh, mỗi người không bình tĩnh, không tự tạo ra nguyên tắc cho mình và cộng đồng, tôn trọng luật chơi của con người và biết sòng phẳng với chính mình, với người… mà vẫn tiếp tục tranh giành từng làn xe, từng phiên xét nghiệm, từng tấm phiếu đăng ký thì đến khi dịch bùng phát nặng hơn, cái ăn trở nên cấp thiết, sẽ khó mà lường được chuyện gì sẽ xảy ra!
Chúng ta bắt buộc phải bình tĩnh và bớt bầy đàn, ngay cả trong các chiến dịch tương trợ chống dịch cũng nên suy nghĩ chín chắn, đừng bầy đàn như kiểu điều động hàng ngàn sinh viên có ý thức chống dịch rất kém từ vùng dịch Hải Dương vào thành phố Sài Gòn tương trợ chống dịch trong khi bản thân của họ có thể mang biến chủng dịch và họ không thực hiện cách ly khi đi vào địa bàn khác… Điều này thể hiện khả năng quản lý và hiểu biết về phòng chống dịch bệnh của nhà cầm quyền quá yếu kém.
Ngay giờ phút này, phải bình tĩnh và tức khắc loại bỏ kiểu chống dịch áp đặt bằng chính trị, loại bỏi kiểu hô xung phong đầy tính đoàn thể và đám đông thì may ra còn cứu vãn được tình thế đôi chút! Bởi nếu không bình tĩnh và sáng suốt, chúng ta sẽ chết, một cái chết nặng nề và bi thảm!