Vì sao Trương Phí chết?

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung kể rằng Trương Phi bắt hai tướng Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ áo giáp trắng để tang Quan Vũ trong thời gian ngắn. Trương Đạt và Phạm Cương kêu khó hoàn thành nhiệm vụ nên bị đánh đập đến mềm xương. Hai tướng Trương Đạt và Phạm Cương nhân lúc Trương Phi say đã lấy đầu họ Trương nộp cho Đông Ngô.

Thực chất, theo Nguỵ thư, Trương Đạt và Phạm Cương không phải thù Trương Phi trong vụ may áo tang cho Quan Vũ. Ngay khi được Lưu Bị cử làm Chinh lỗ tướng quân, Thái thú Nghi Đô, Trương Phi đã lợi dụng uy quyền hành hạ các tướng sĩ ra bã. Không chỉ Trương Đạt, Phạm Cương thù mà toàn binh lính cũng thù, nên Trương Đạt và Phạm Cương mới dễ ra tay.

Nguỵ thư ghi rõ, thời điểm quân Thục trấn giữ Kinh Châu không có đánh nhau, Trương Phi bắt binh lính phải làm kinh tế, hết ruộng cày thì phá rừng trồng dưa. Trương Phi có nhã hứng mỗi ngày nhậu cả một con hươu. Ngày nào lính không bắt được hươu thì phải có người làm hươu thế mạng.

- Quảng Cáo -

Nước sông công lính, Trương Phi lấy sức lao động và xương máu của binh lính để vinh thân phì gia. Quân lính ngày một mệt mỏi, chán chường nhưng không biết bỏ trốn đi đâu. Trương Phi tự đặt ra lệ, binh lính nào mệt mỏi muốn về phép thì khi tái ngũ phải nộp gấp đôi số tiền một người lính đang lao động tại ngũ. Các tướng lớn nhỏ dưới trướng của Trương Phi thi nhau bóc lột, hành hạ lính. Tướng nhỏ ăn nhỏ, tướng lớn ăn lớn, tiền thu được của mỗi cấp khấu nộp dần lên đến Trương Phi để được Trương Phi thăng cấp.

Nhiều binh lính không có tiền nộp thì bị đánh đập, hành hạ cho đến chết. Nhiều vụ binh lính chết bị ém nhẹm hoặc tạo ra hiện trường giả. Những sợi dưa trở thành dây treo cổ những cái xác con ong cái kiến.

La Quán Trung nói, Trương Phi yêu kính người quân tử mà không thương xót kẻ tiểu nhân. Trong mắt Trương Phi, tướng sỹ đều là tiểu nhân nên Trương Phi coi tất cả như cỏ rác.

Lưu Bị biết tính tình Trương Phi, không dưới một lần nhắc nhở: “Đệ dùng hình phạt quá mức, lại hay đánh đập người dưới, xử phạt xong mà vẫn giữ bên mình, ấy là chuốc lấy tai vạ vậy.” Nhưng Trương Phi không nghe. Vả lại Trương Phi cũng thừa biết đại ca cũng chỉ giả vờ nhân hậu để lấy lòng người, nên càng lộng hành. Trong cuộc tháo chạy ở Đương Dương, Lưu Bị đang tay ném con để tỏ ra yêu quý Triệu Tử Long chỉ bịp được Tử Long chứ khó qua mắt được Trương Phi. Kể cả cái trò “tam cố thảo lư” để chiêu hiền đãi sỹ Khổng Minh cũng chỉ là trò bịp. Lưu Bị chỉ yêu cái ngai vàng mà từ khi làm anh bán chiếu đã từng mơ ước.

Lưu Bị muốn đoạt thiên hạ bằng vũ lực chứ không yêu thiên hạ. Nếu yêu thì đã không vì mỗi cái đầu của Quan Vũ mà sẵn sàng nướng 70 vạn quân trong cuộc trả thù Đông Ngô.

Nguỵ thư chép rằng, việc làm của họ Trương không phải làm cho Lưu Bị bất bình. Lưu Bị cần có một đội quân máu lạnh như vậy phòng khi dân Kinh Châu phản loạn thì ra tay chém giết như dọn cỏ.

Một lần chuyện lộ đến tai Khổng Minh. Khổng Minh hỏi Lưu Bị: “Có chuyện như vậy không?” Lưu Bị đáp: “Không có chuyện bạo lực trong quân ta. Chỉ là kế xuyên tạc, bôi nhọ của địch!” Khổng Minh vì thế không dám nghi ngờ. Vả lại Khổng Minh biết có nói gì cũng khó xử bởi cái món kết nghĩa đào viên của Lưu – Quan – Trương.

Quân đội của Trương Phi từ khi ở Kinh Châu cho đến khi vào Ích Châu đã không khác một đám quân thổ phỉ và xã hội đen. Nếu Trương Phi không chết vì sự nổi loạn của tướng sỹ dưới trướng thì ắt cũng chết trong cuộc hoả thiêu của quân Đông Ngô ở trận Di Lăng.

Thục bị diệt là một tất yếu khi Lưu Bị dụng tướng, dụng binh như vậy. Một đội quân như thổ phỉ hay xã hội đen thì có thánh như Khổng Minh cũng không cứu được!

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -