Tại sao quan chức lại có những phát ngôn và có những quyết định kỳ quặc?

"Bó tay!"
- Quảng Cáo -

     Trên cộng đồng mạng mấy ngày qua có đưa thông tin về một văn bản được cho là của Chủ tịch Ủy ban một phường ở thành phố Hồ Chí Minh, nội dung nghiêm cấm các hoạt động thiện nguyện, phát cơm, phát quà và tiền cho những người nghèo, người vô gia cư, khó khăn ngoài đường hay tại nhà. Nếu ai muốn phát tiền, phát cơm thì hãy tới xin hướng dẫn từ Mặt trận tổ quốc… ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật (phạt tiền hay ở tù).

Việc giãn cách xã hội, cách ly đã làm cho nhiều người dân lao động và gia đình họ gặp khó khăn. Những người dân khác thương cảm mở các điểm phát quà, thức ăn giúp đỡ nhau trong đại dịch là một việc làm có ý nghĩa, nhân văn đáng hoan nghênh và biểu dương. Nhưng đại diện người dân của một phường lại ra văn bản như trên.

Vấn đề phát ngôn của quan chức mới thực sự là thảm họa. Không ai còn có thể thống kê được những câu nói ngô nghê, ngớ ngẩn của tất cả các loại quan chức từ cấp xã cho đến tổng bí thư của đảng. Tại sao những người lãnh đạo, quan chức các cấp lại có những phát ngôn kỳ quặc và những quyết định lạ lùng như vậy?

- Quảng Cáo -

Trong việc quản lý xã hội, vấn đề phát ngôn của quan chức thể hiện trình độ, năng lực của cá nhân, trong đó có khả năng truyền thông. Mặt khác, việc phát ngôn cũng thể hiện tâm thế của người phát ngôn (là ai, đang nói với ai…) và cuối cùng là cách thức làm việc, hay khả năng lãnh đạo.

Đối với các xã hội đa nguyên dân chủ, việc một người được dân bầu lên làm lãnh đạo các cấp đều phải trải qua những sát hạch, những trao đổi tranh luận ngay trong đảng chính trị của mình, đồng thời cần cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ chính trị từ nhiều đảng phái khác. Tất cả những cuộc đấu đều được diễn ra công khai trước toàn thể người dân trên địa bàn. Những ai không có đủ khả năng, hoặc thua kém đối phương đều sẽ bị loại. Như vậy, người nào thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ sẽ được lựa chọn. Đặc biệt quan trọng trong các cuộc đấu này, đó là khả năng truyền thông, thu hút và lấy lòng cử tri. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo được dân lựa chọn rất hiếm khi có những phát ngôn phản cảm chưa nói tới những phát ngôn ngô nghê, ngớ ngẩn. Người lãnh đạo nhân dân đã trải qua những cuộc sát hạch thực sự.

Trong xã hội độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam hiện nay, người được lựa chọn hoàn toàn không phải do người dân bầu lên, không hề có những cuộc sát hạch thực sự trước nhân dân. Đó là do sự cơ cấu, mối quan hệ, ê kíp và tiền bạc chứ hoàn toàn không phải do khả năng quản lý điều hành xã hội và năng lực thực sự của cá nhân. Đặc biệt, nó không liên quan gì tới khả năng truyền thông của mỗi người trước công chúng. Như vậy, năng lực thực sự của cá nhân, trải qua những cuộc sát hạch thực sự trước người dân, yêu cầu về khả năng truyền thông là những yếu tố không thể thiếu của người lãnh đạo hoàn toàn vắng bóng trong các cá nhân quan chức cộng sản hiện nay.

Tâm thế của bất kỳ người lãnh đạo nào được dân chúng bầu lên luôn hướng tới lợi ích của người dân, để còn được tái cử hoặc tạo điều kiện cho đảng của mình thắng cử. Vì vậy, họ không thể nói hoặc làm những điều có hại cho người dân. Nhưng trong các nước cộng sản, người dân không quyết định chiếc ghế của lãnh đạo, nên lãnh đạo không cần quan tâm quyền và lợi ích của người dân. Khi đã không cần quan tâm trước đối tượng mình phát biểu, lại không có hiểu biết, trình độ, năng lực quản lý và khả năng truyền thông, thì những câu nói ngô nghê, ngớ ngẩn cứ thế mà tuôn ra. Đó là một logic đơn giản.

Với những người khôn ngoan, nếu thiếu cả hai yếu tố trên nhưng lại biết cách lãnh đạo, tức là biết tập hợp những ý kiến của cấp dưới, có thể vẫn tránh được những lỗi sơ đẳng, những phát ngôn phản cảm hoặc những quyết định kỳ quặc. Với người chủ tịch phường ký quyết định cấm người dân giúp đỡ nhau, nếu anh ta đưa ra thảo luận, bàn bạc tập thể, tôn trọng ý kiến phản biện có thể tránh được quyết định bị lên án, phỉ nhổ nêu trên. Việc bàn bạc trước khi ra quyết định, cũng chính là yếu tố đã khiến cho những văn bản cấp trung ương ít có sự kỳ quặc ngớ ngẩn như các văn bản cấp dưới trong chế độ hiện nay.

Bao trùm lên tất cả, một xã hội dân chủ, các lãnh đạo và quan chức được bầu lên để lo cho người dân, tất cả đều xuất phát từ lợi ích người dân để phát ngôn và hành động. Ngược lại, với chế độ cộng sản, bản thân hệ thống quản lý là hệ thống cai trị, họ không quan tâm tới người dân, chỉ quan tâm tới việc cai trị sao cho tiện lợi và duy trì thể chế độc tài, nên họ phát ngôn và hành động với tâm thế kẻ cai trị. Tuy nhiên, vì là cộng sản nên họ rất thích thể hiện ngược lại với mục đích của họ, tỏ ra vì dân vì nước. Chính vì vậy nên đã xảy ra vô vàn tình huống phát ngôn ngô nghê, ngớ ngẩn hoặc các quyết định đáng lên án, phỉ nhổ./.

Hà Nội, ngày 25/6/2021

N.V.B

- Quảng Cáo -