Chủng ngừa COVID-19 tại Việt Nam: Ưu tiên cho người lao động trong nền kinh tế chính thức?

- Quảng Cáo -

Ngọc Vân – (VNTB) – Ưu tiên chủng ngừa: Dấu hiệu của một trại súc vật?

 Nancy Bùi, một người hoạt động xã hội đã có công giúp ngư dân các tỉnh miền Trung đạt được một số kết quả quan trọng trong vụ kiện công ty Formosa ra tòa án Đài Loan, đăng trên Facebook cá nhân của bà: “Thế giới chích ngừa ưu tiên cho người già, Việt Nam ưu tiên cho người trẻ. Tại sao?”(1) Tôi không tin vào mắt mình nhưng sau khi đọc tin tức ở Việt Nam thì có vẻ đúng như bà nói: Ưu tiên cho người trẻ. Tại sao? Dù có vẻ nhà cầm quyền, thông qua báo chí, muốn cổ vũ cho hướng giải thích là để sớm đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng và bảo đảm hoạt động ổn định của nền kinh tế. Tôi tin vào cái sau hơn. Nếu hiểu như vậy, một cách nào đó, Nhà nước coi trọng việc ổn định nguồn thu thuế hơn mạng sống của người lớn tuổi. Và đây là một chính sách bất nhân.

Để tìm hiểu thực hư, tôi có hỏi một số người quen, chị Ba, có một tiệm tạp hóa gần một khu công nghiệp ở Sài Gòn cho biết chị chưa được chích ngừa nhưng nghe một số khách hàng của chị, những người là công nhân, đã hay sắp được chủng ngừa. Anh Bảy, làm nhân viên tại một hãng ở Bình Dương, cũng nói anh nghe là công nhân viên một số hãng xưởng, đặc biệt là các hãng nước ngoài, sắp được tiêm chủng.

Khi đọc báo, tôi thấy đúng là có chuyện ưu tiên cho người còn trong độ tuổi lao động. Theo Báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn ưu tiên chích ngừa cho công nhân (2). Nhìn các hình đăng trên báo chí Nhà nước cũng chỉ thấy người trẻ được tiêm chủng (3,4,5). Lạ thật. Cách làm này khác với cách của đa số các nước khác trên thế giới.

- Quảng Cáo -

Quan điểm của chính quyền trung ương thì sao? Theo trang web của Bộ Y Tế, người lớn tuổi vẫn nằm trong các đối tượng ưu tiên và không có người trong độ tuổi lao động trong danh sách này (6, 7). Tại sao lại có hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như vậy: ít nhất là căn cứ trên cách làm của chính quyền TPHCM và tuyên bố của Bộ Y Tế?

Có lẽ, chính quyền trung ương đã ngầm phê duyệt cách làm của TPHCM. Một số tờ báo lề Đảng, trong đó có Tờ Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam(8), Tờ Tuổi Trẻ(9), đã đưa tin Indonesia ưu tiên chích ngừa “cho đối tượng lao động.” Chính sách này của Indonesia cũng được Reuters loan tin(10).

Tuy vậy, việc Indonesia lựa chọn chủng ngừa cho những người trong độ tuổi lao động không có nghĩa là chính sách tương tự của Việt Nam là hợp tình hợp lý. Vắc xin Indonesia có cho đến nay là COVAX, một loại vắc xin của Trung Quốc(10); loại vắc xin này chưa được thử nghiệm trên người lớn tuổi. Do đó, việc tập trung cho người trẻ hơn là việc hợp lý. Trong khi đó, cho đến nay, Việt Nam đã nhập được ít nhất là 6 triệu liều vắc xin từ Moderna hay Astra Zeneca.

Hơn nữa, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm chủng cho khoảng 70 triệu người (11). Khi đó, người lớn tuổi mới được bảo vệ bởi tình trạng này. Trong khi đó, để bảo vệ những người trên 54 tuổi, Việt Nam chỉ cần chủng ngừa cho khoảng 13,5 triệu người. Câu hỏi đặt ra là mốc thời gian để VN có đủ vắc xin tiêm cho 13,5 triệu người và 70 triệu người cách nhau bao xa? Trong khoảng thời gian giữa hai mốc này, người lớn tuổi sẽ được bảo vệ như thế nào? Trong khoảng thời gian này, liệu những người trẻ chưa được chích ngừa và có khả năng truyền vi rút COVID 19 có tiếp xúc với người già không?

Một điều đáng quan tâm nữa là qua thông tin hỏi thăm một số người quen, không phải tất cả mọi người trong độ tuổi lao động đều được ưu tiên. Những người được ưu tiên là công nhân, viên chức – những người làm trong nền kinh tế chính thức (formal economy). Ngược lại, những người làm trong nền kinh tế không chính thức như nhân viên, chủ của các tiệm tư nhân, những người tự doanh hình như chưa được quan tâm.

Với những thông tin kể trên, người viết không thể không nghi ngờ Nhà nước ưu tiên cho nguồn thu thuế của mình qua việc duy trì hoạt động của nền kinh tế chính thức bất chấp mạng sống của những người nằm ngoài hệ thống này, những người ngoài độ tuổi lao động, những người tự doanh, hành nghề tự do, buôn gánh bán bưng, v.v.

Nói một cách khác, người viết không thể không nghi ngờ rằng Đảng và Nhà nước đang coi Việt Nam như một trại vịt. Con nào còn vặt lông được thì phải chăm cho nó sống để tiếp tục vặt. Con nào không còn mọc lông được hay, vì lý do nào đó, không vặt được thì sống chết mặc bay, tiền thầy … bỏ túi.

_____________

Tài liệu tham khảo

(1)https://www.facebook.com/nancy.bui.731

(2)https://tuoitre.vn/tp-hcm-uu-tien-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-cho-cong-nhan-20210619000134435.htm

(3)https://tuoitre.vn/bo-y-te-chuan-bi-chien-dich-tiem-chung-covid-19-voi-15-000-diem-tiem-quan-doi-van-chuyen-20210615180843572.htm

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57499525

(5) https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-tang-toc-tiem-vac-xin-covid-19-1403902.html

(6) https://ncov.moh.gov.vn/en/-/6847426-2293

(7) https://vnvc.vn/doi-tuong-nao-duoc-uu-tien-tiem-vac-xin-covid-19/

(8) https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-indonesia-uu-tien-vaccine-covid19-cho-doi-tuong-lao-dong-thay-vi-nguoi-cao-tuoi-20210104194720310.htm

(9) https://tuoitre.vn/vi-sao-indonesia-tiem-vac-xin-covid-19-cho-nguoi-tre-truoc-20210113184857412.htm

(10) https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-indonesia-explaine/why-indonesia-is-vaccinating-its-working-population-first-not-elderly-idUSKBN2990MX

(11) https://tuoitre.vn/viet-nam-se-dat-mien-dich-cong-dong-trong-nam-nay-20210621081712086.htm

- Quảng Cáo -