Thời của thiếu vắng biểu mẫu

- Quảng Cáo -

Thần tượng là thứ chủ nghĩa không có giá trị trong thế giới tri thức, bởi với người trí thức, biểu mẫu, năng lượng hay tư duy mới là vấn đề then chốt. Nhưng với đám đông xã hội loài người, chủ nghĩa thần tượng chưa bao giờ phai màu, nếu không muốn nói nó càng ngày càng trở nên khủng hoảng thừa. Và điều đáng sợ nhất là chủ nghĩa thần tượng mạnh nhất ở các quốc gia độc tài, với các quốc gia này, thần tượng là thứ duy nhất, là thức ăn tinh thần và là bàn thờ để đám đông con dân sùng bái, tín vọng. Nhưng, cũng trong các quốc gia độc tài, chủ nghĩa thần tượng đi từ khủng hoảng đến băng hoại một cách tự nhiên cho đến khi mọi thứ sụp đổ. Để trả giá cho sự sụp đổ này, có rất nhiều thế hệ bị biến thành súc vật trong cái trại tư duy của nhà độc tài.

Đám đông hò hét đến vỡ cầu trường và tạo ra những trận bão giao thông khiến tai nạn liên hoàn, khỏa thân trên đường để hò hét hay đập phá… sau một trận cầu.

Một nhóm, thậm chí nhiều nhóm sẵn sàng hôn lên chỗ ngồi của một diễn viên xứ Hàn, sẵn sàng bỏ ra cả ngày để ra sân bay đón một sao Hàn trong khi đó, cha mẹ, người thân của họ từ xa về chưa chắc đã được họ đón nhiệt thành như vậy.

- Quảng Cáo -

Một kẻ sẵn sàng vác dao đến nhà người khác để hành hung chỉ vì cái người xa lạ, nạn nhân ấy có lời chỉ trích thần tượng của họ là một ca sĩ mệnh danh “ông hoàng” trong làng Showbiz.

Một người đứng lên livestream chửi tới tấp một ai đó và khi người này phát sóng, có đến gần triệu lượt theo dõi.

Một thanh niên sẵn sàng hành hung người khác khi người này có ý chê Hồ Chí Minh không phải là một người toàn diện hoặc Hồ Chí Minh cũng chẳng phải là bậc thánh nhân.

Thậm chí, một chế độ chính trị sẵn sàng bắt nhốt, đày ải, ám hại người khác chỉ vì người này có lời mạo phạm đến Hồ Chí Minh.

Còn rất nhiều hành vi vượt ra ngoài khả năng quản lý của đạo đức, nhân tính để nhằm một mục đích duy nhất là bảo vệ thần tượng.

Và điều này cho thấy một khi thần tượng, hay nói khác đi là chủ nghĩa thần tượng đã được bảo vệ, xây dựng một cách có hệ thống, có sách lược và nó được đặt lên làm kim chỉ nam phát triển đất nước thì đương nhiên, hệ quả của nó khó mà lường được.

Và, sự nguy hiểm của chủ nghĩa thần tượng đến từ hai hướng: Biểu mẫu có sai số và; Tính lây lan của chủ nghĩa.

Ở khía cạnh thứ nhất: biểu mẫu có sai số, đây là chuyện phổ biến nhất trong thứ chủ nghĩa mang dấu hiệu bệnh hoạn này. Hầu hết các thần tượng đều được tô vẽ, phủ lên một lớp màu rực rỡ, thậm chí sặc sỡ, không tì vết và giấu đi mọi thứ sinh hoạt, đặc tính thường tình nhất của một con người để đặt thần tượng lên hàng thánh. Và đương nhiên sau chiến dịch này là sự sùng bái tập thể, sự sùng bái này đến theo cách chủ động hoặc thụ động đón nhận, mưa dầm thấm lâu.

Và một khi đối tượng đã thành thần tượng trong mắt của đám đông thì đương nhiên, bên cạnh sự sùng bái, cuồng tín, vẫn có những câu hỏi hoặc những nghi vấn tự thân. Chính câu trả lời cho các nghi vấn tự thân này sẽ nhanh chóng mở gói, cho thấy con người thật của thần tượng. Và nguy cơ sụp đổ của thần tượng cũng là nguy cơ chia rẽ, thậm chí mâu thuẫn dẫn đến cừu thù trong một đám đông từng và đang sùng bái.

Trường hợp thần tượng lớn nhất của Việt Nam là Hồ Chí Minh là một ví dụ cho vấn đề này. Câu chuyện chia rẽ ngấm ngầm xảy ra ngay trong nội bộ những con người sùng bái ông và cả những người nhìn nhận khách quan với những người đang sùng bái ông. Mâu thuẫn xã hội đơn giản này lại đẩy thành mâu thuẫn chính trị và mâu thuẫn ý thức hệ, nguy cơ của nó còn cao hơn cả mâu thuẫn tôn giáo.

Đó là thần tượng của thần tượng tại quốc gia độc tài như Việt Nam, ngoài thần tượng Hồ Chí Minh, các ngôi sao trong Showbiz cũng được lăng xê, đẩy lên thành một thứ thần tượng có thể khiến cho đám đông tuổi trẻ khóc cười theo chuyện vui buồn của họ (chứ không phải khóc cười theo vận nước).

Và các thần tượng này cũng được tô son trét phấn trở thành một loại “phó thánh” trong mắt đám đông, được tung hô, được bơm hết cỡ cho đến khi chính họ dính scandal và tạo ra chuỗi mâu thuẫn không đáng có, hay nói khác đây là thứ mâu thuẫn rẻ tiền trong xã hội hiện đại, nếu không muốn nói là nó không nên tồn tại trong xã hội tiến bộ.

Cuộc khủng hoảng thần tượng trong xã hội nhanh chóng đi đến chỗ hiển thị các lỗ hổng về văn hóa và đáng sợ hơn là nó đi đến chỗ làm rõ nét một xã hội băng hoại, thiếu biểu mẫu cần thiết về mặt tri thức, lương tri hay nhân cảm.

Một xã hội mà khi tuổi trẻ được hỏi Nguyễn Trãi là ai? Lý Thường Kiệt là ai? Trần Quốc Tuấn là ai? Quang Trung là ai?… Thì có không ít người trẻ cho rằng đó là tên một cầu thủ nào đó trong đội tuyển Việt Nam hoặc nếu có biết các danh nhân thì cũng biết rất hời hợt, không đầu không đũa. Nhưng khi hỏi Hồ Chí Minh là ai? Hoặc hỏi các nhân vật showbiz là ai thì họ sẽ trả lời một cách rành rõi, nhiệt tình và không thiếu sót chi tiết nào về thần tượng của họ.

Điều này cho thấy rằng khi các thần tượng xã hội đã được kĩ nghệ hóa để che lấp mọi danh nhân văn hóa hay các danh tướng, những người có công với dân tộc… thì hướng nhìn của thế hệ bị đánh lệch và khái niệm về dân tộc hay nhân loại đã bị đánh tráo từ trứng nước.

Và một khi mọi biểu trưng, hình tượng bị đánh tráo, cái giá phải trả cho một dân tộc là lạc đường, không mục tiêu và bị cuộn tròn trong thứ vỏ kén gọi là lý tưởng nhưng kì thực đó là chương trình hành động theo sau chiến dịch thần tượng, biến đám đông xã hội thành một loại súc vật và đất nước, chính trị trở thành chuồng trại và người chăn dắt.

Một đất nước được chăn dắt bởi chủ nghĩa thần tượng làm bình phong chính trị thì chắc chắn một điều là mọi thứ được hô xung phong theo hiệu ứng đám đông và khi hiệu ứng này tắt ngúm, bản năng không được giải tỏa, nó sẽ chuyển hướng theo chiều xấu đi, băng hoại, nổi loạn.

Chính vì tính khủng hoảng hình tượng, biểu mẫu trong chủ nghĩa thần tượng đã nhanh chóng đẩy xã hội đến thứ phản ứng phụ, đó là tính lây lan thần tượng. Nghĩa là sống trong môi trường luôn được ấn định theo thần tượng thì người ta quan tâm thần tượng một cách chủ động hay thụ động trong chính cái sinh quyển tồn tại của họ. Và họ cũng đặt ước mơ hay huyễn hoặc bản thân thành một loại thần tượng nào đó trong xã hội.

Những hành vi bứt phá không giống ai, những kiểu phá bĩnh, những trò phù phép chính trị để tìm cổ vũ đám đông hay những kiểu anh hùng phim tàu xuất hiện đầy rẫy trong xã hội Việt Nam. Đặc biệt, khi mà chủ nghĩa thần tượng chính thống khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ sụp đổ thì thứ chủ nghĩa thần tượng bên lề nổi lên, có hàng loạt tay xăm trổ hay các nghệ sĩ sống theo lối xăm trổ nhanh chóng trở thành biểu tượng và thần tượng của không ít thanh niên.

Họ làm cho giới trẻ khóc cười theo họ và quên hết mọi thứ cần thiết của một con người nói riêng và một dân tộc nói chung. Mãi cho đến khi các thần tượng sụp đổ, người ta lại đổ xô đi tìm thần tượng mới và biểu mẫu ngày càng lệch lạc theo kiểu chợ búa, bản năng.

Một xã hội trở nên sống bản năng, nhặng xị, chợ búa và hỗn tạp, nguyên nhân khởi thủy của nó, phải nhắc tới biểu tượng chính trị, thần tượng chính trị và sau đó là hàng loạt các loại thần tượng, các kiểu phong thần đã lấp cả hệ thống giáo dục và cũng có thể hệ thống giáo dục ngay từ đầu đã bị biến thành một thứ nhân vật phụ họa cho thần tượng chính trị.

Và cái giá phải trả cho chủ nghĩa thần tượng là một dân tộc mất phương hướng, mất biểu mẫu tri thức và đánh mất nhân bản, không còn khả năng sáng tạo. Sâu xa hơn thì có lẽ là sự vong thân và vong nô. Thật đáng buồn!

- Quảng Cáo -