J.B. Nguyễn Hữu Vinh – RFA
Có lẽ hiếm có đất nước nào, nơi được tự tôn vinh là “thiên đường”, trong thời đại “Vinh quang nhất, rực rỡ nhất”, là nơi đáng sống, và “Nếu ở Mỹ cái cột điện có chân thì nó cũng về Việt Nam” như lời ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố, lại liên tục vang lên những từ như “Cứu trợ” và “Từ thiện” nhiều như ở Việt Nam.
Những tiếng kêu cứu nhiều khi như vô vọng vang lên trên mạng xã hội không chỉ có một vài ngày, vài tuần hoặc một vài tháng, không chỉ có trong mùa lụt bão, mà là quanh năm suốt tháng, năm này qua năm khác.
Chúng ta có thể nghe thấy những tiếng kêu cứu, kêu gọi cứu trợ cho những vùng thiên tai liên tục hàng năm, không chỉ là Miền Trung gió bão như trước đây, mà đã lan rộng khắp nơi từ Bắc đến Nam. Những cơn lũ quét ở miền núi, những vùng có nguy cơ thiệt hại nặng nề về người, về của, nhà cửa và vật chất trong các trận lũ lụt hàng năm.
Chúng ta cũng có thể thấy những hoạt động quyên góp cứu giúp thiên tai bởi các đoàn từ thiện tự phát hoặc chuyên nghiệp, giúp đỡ đồng bào vùng núi, vùng dân tộc ít người những khi giá lạnh đổ về, những em nhỏ trần truồng không manh áo che thân, không có bữa cơm cho no ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Chúng ta có thể thấy những lời kêu gọi trên mạng xã hội hò nhau giải cứu dưa hấu, giải cứu rau quả, nông sản cho nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, giải cứu lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long hoặc những lời kêu gọi cứu trợ khác nữa.
Trên phương diện quốc tế, người ta thấy thường xuyên những gói viện trợ, những sản phẩm, những quà tặng hay những hành động giúp đỡ của các nước dành cho Việt Nam. Khi thiên tai hoạn nạn đã đành, nhưng kể cả khi bình thường, khi chiến tranh đã lùi xa đến nửa thế kỷ, thì vẫn cứ có những gói viện trợ không hoàn lại nhằm giúp đỡ Việt Nam nào là tẩy độc, nào là khắc phục hậu quả chiến tranh, nào là tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh…
Tuyệt nhiên, ít khi thấy Việt Nam “ngạo nghễ” viện trợ hoặc cứu trợ cho đất nước nào điều gì, ngoài mấy nước cộng sản chết đói như Bắc Hàn, Cuba… được đảng vác của dân hàng ngàn tấn gạo đi cứu đói cho các đồng chí cộng sản.
Có lẽ chúng ta còn nhớ câu nói của Phan Văn Khải khi sang Mỹ gặp tỷ phú Bill Gates vào ngày 20/6/2005 rằng: “Tôi nghe nói ông bà hay làm từ thiện. Mời ông bà qua Việt Nam để thấy rằng đất nước chúng tôi là nơi xứng đáng để làm từ thiện”.
Điều đó nói lên một sự thật rất rõ ràng rằng: Nơi nào còn cộng sản, còn chế độ độc tài, thì ở đó nhu cầu cứu trợ còn luôn có và sẵn có.
Khi một đất nước, một vùng lãnh thổ mà những lời kêu gọi Cứu trợ, từ thiện luôn luôn vang lên, thì có nghĩa là ở đó có những vấn đề rất lớn đối với đời sống xã hội, với đời sống nhân dân.
Vai trò của các tổ chức quốc doanh – sự mất lòng tin
Từ xa xưa, tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN tuyệt đối, ngay cả suy nghĩ của người dân cũng phải được đảng lãnh đạo và đảng duyệt, thì việc từ thiện, cứu trợ hoặc bất cứ điều gì, đều phải do nhà nước, do đảng chỉ đạo.
Đó cũng chính là một trong những môi trường tù mù nhất, thiếu minh bạch nhất và tham nhũng nhiều nhất.
Bởi chẳng ai đi đếm, kiểm tra hoặc xem xét hết được những đồng tiền góp lại của bá tánh, của thiên hạ khi thiên tai, định họa. Những đồng tiền cứ từ dưới lớp bần cùng nhất được ép thu bằng mọi cách, bằng trừ lương, bằng các nhóm, tổ dân phố ép từng nhà, từng người rồi ngoài phần chặn lại từ cơ sở thì nộp lên, nộp lên và cho đến khi mất hút.
Và kết quả là, năm thì mười họa, mới có một vụ “bị lộ” người dân mới biết được rằng những đồng tiền chắt chiu của họ bằng mồ hôi nước mắt bỏ ra để cứu trợ những người khốn cùng đã bị ăn chặn, ăn cướp trắng trợn.
Điều đó không mới, không phải là cá biệt. Cách đây vài chục năm, năm 2002, cơn lũ quét qua vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh gây thiệt hại nặng nề và 26 tỷ đồng tiền khắp nơi gom góp về Hà Tĩnh cứu trợ đã bị biển thủ. Rồi mọi chuyện cùng chìm xuồng, quan chức lại được điều ra Trung ương với chức vụ cao hơn mà người dân thì nói rằng nếu không có bão lũ, thì tiền đâu mà mua được những cái ghế đó.
Rồi không chỉ một vài vụ, khi mạng xã hội phát triển, người dân mới thấy rõ hơn một điều: Thiên tai, địch họa cũng là một cơ hội cho cán bộ, cơ quan nhà nước kiếm lợi, làm giàu.
Người ta thấy không lạ hiện tượng cơ quan hành chính Huyện, Tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo về con số thiệt hại của lũ lụt hết sức nặng nề, rất cụ thể với số nhà bị hư hỏng, tài sản bị mất mát, hư hại và đủ mọi thứ thiệt hại cũng như quy ra số tiền bao nhiêu. Có điều, bản báo cáo đó được hoàn thành… trước khi bão đến. Quả là nói theo ngôn ngữ dân gian: Quá nhanh và quá nguy hiểm.
Người ta cũng thấy không ít quan chức, hệ thống Mặt trận Tổ Quốc, các cơ quan đoàn thể là cánh tay nối dài của đảng đã không hề làm gì, chỉ ngồi im chờ mọi người quyên góp làm từ thiện, rồi tổng kết báo cáo như là thành tích của mình. Những bản báo cáo của cái gọi là “Ủy ban Đoàn Kết Công giáo” – một tổ chức của đảng giả danh Giáo hội Công giáo – là một ví dụ.
Thế là đồng tiền người dân cứ đóng, cứ bị trừ lương, cứ bị chặn lấy để rồi nộp, nộp và biến mất không dấu vết.
Và không chỉ tiền cứu trợ thiên tai, bão lụt.
Mới đây, nạn dịch do virus Covid-19 lan rộng khắp thế giới, tại Việt Nam, lại xuất hiện nạn ăn chặn tiền hỗ trợ, tiền cứu trợ nạn nhân Covid-19 mà báo chí đã lên tiếng.
Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, một người cộng sản, “nói theo cộng sản, nói như cộng sản” muôn vàn lời buồn cười và ngáo ngơ, thì vẫn nói được một câu đáng tin cậy rằng: “Cán bộ ăn của dân không từ một thứ gì”. Hẳn nhiên, muốn ăn được của dân, phải là cán bộ, muốn làm cán bộ, phải là đảng viên.
Chính vì vậy, người dân mất lòng tin.
Sự mất lòng tin thể hiện rõ nhất trong những trận bão lụt vào miền Trung Việt Nam cuối năm 2020 vừa qua.
Những trận lũ lụt dồn dập đã nhấn chìm các tỉnh Miền Trung trong biển nước. Người dân ngụp lặn giữa nước lũ và gió lạnh, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu mọi thứ để tồn tại.
Hàng triệu người kêu cứu, hàng chục triệu người động lòng trắc ẩn. Chỉ có mấy triệu đảng viên và hệ thống lãnh đạo đảng, nhà nước đang chăm chú lo lắng cho cái gọi là “Đại hội đảng”, lo chia chác mua bán ghế ngồi, chức tước mà bỏ mặc dân sống ngâm da, chết ngâm xương trong nước lũ cuồn cuộn, đục ngầu.
Thậm chí, những khi người dân ngụp lặn trong nước đã cả chục ngày, nhưng Nguyễn Xuân Phúc với chức danh thủ tướng chính phủ vào tận Hà Tĩnh rồi ra Nghệ An dự “đại hội Tỉnh đảng bộ” nhưng vẫn không hề một lời nhắc đến hoặc một lần ghé mắt xem bà con nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình với những trẻ em ngồi trên nóc nhà giữa biển nước đã bị trôi đi hay chưa.
Và điều đó củng cố thêm sự mất lòng tin vào hệ thống chính quyền cũng như các tổ chức, cơ quan nhà nước.
Thế là khắp nơi, người dân hò nhau tự cứu lấy mình trước khi chờ chính phủ cứu bởi họ biết thừa là chính phủ sẽ chẳng cứu họ, vì đang lo cứu đảng.
Và rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ và những người được nhiều người biết trên mạng xã hội đã cùng nhau hô hào cứu trợ cho vùng lũ lụt Miền Trung.
Cứu trợ, công việc không dễ dàng
Có thể nói cứu trợ là việc không dễ dàng, bởi để có thể huy động được nguồn lực về tài chính, vật chất không phải ai cũng có thể làm được. Thường là những người có tiếng tăm, có những hoàn cảnh mà người khác không thể làm, không dám làm, hoặc là không muốn làm cái công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Nhưng, khi xã hội đã đồng lòng, thì công việc dễ dàng hơn với những người có thể đứng ra tự nhận lấy trách nhiệm đó.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này, khi mà khắp nơi, các giáo xứ, các thôn quê đồng loạt kêu gọi cứu trợ, giúp đỡ Miền Trung trong hoạn nạn khi chính phủ bỏ mặc.
Họ làm đủ mọi cách, từ mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm cần thiết đổ về vùng lũ.
Trong đó, các nghệ sĩ, ca sĩ đứng lên đã được sự ủng hộ từ khắp nơi một cách đáng ngạc nhiên.
Và khi cả xã hội đã mất lòng tin vào hệ thống cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức như Mặt trận Tổ Quốc, Hội chữ thập đỏ, UBND… thì những nguồn lực đổ về các cá nhân, các tổ chức Xã hội dân sự ngày càng lớn.
Và thế là những khó khăn bắt đầu xuất hiện.
Nhiều nơi, chính quyền ra lệnh phải đưa hàng hóa qua chính quyền mới được cấp phát, nhiều nơi đoàn từ thiện đến lại buộc phải quay về bởi không ai dám tiếp nhận khi chính quyền không cho phép. Nhiều đoàn từ thiện đến chờ mỏi mê ngày nọ sang ngày kia lại phải bỏ cả hàng cứu trợ… đủ thứ phát sinh.
Cô ca sĩ Thủy Tiên đã thành công lớn khi huy động cả hơn 100 tỷ đồng cứu trợ ngay trong lũ lụt. Tự mình cùng những bạn bè đến cứu trợ người dân. Điều đó được ghi nhận và được cộng đồng tôn vinh như một anh hùng trong sự gầm ghè khó chịu ra mặt hoặc ngấm ngầm của hệ thống cơ quan đảng, nhà nước.
Bởi hành động của một cá nhân huy động được số tiền lớn gấp nhiều lần cả hệ thống cơ quan đảng từ Trung ương đến địa phương kêu gọi, ép buộc, phát động và được hệ thống tuyên truyền hùng hậu ủng hộ. Nhưng cuối cùng vẫn ngồi dương mắt ếch nhìn một nữ ca sĩ nhỏ bé lặn lội đi phát từng phần quà cho người dân khốn khó, mặc dù đã có những quan chức đe dọa, khuyên bảo rằng hãy chuyển qua cho Mặt trận hoặc Hội chữ thập đỏ.
Nhưng, hỡi ôi, khi lòng tin không còn, thì nếu chuyển qua những cơ quan đó, nghĩa là họ lại đã phản bội lại lòng tin của người hảo tâm gửi gắm, lại “gửi trứng cho ác” – điều mà họ đã cố tránh.
Đó là một nỗi nhục của cả hệ thống công quyền.
Không chỉ trong lũ lụt, trong đời sống hàng ngày, người ta cũng chú ý đến một Đoàn Ngọc Hải, một quan chức cộng sản đã tự hồi hưu, dùng tiền của của mình tự đi cứu giúp những người bệnh tật khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt. Điều mà ông ta không thể làm khi còn là một quan chức cộng sản.
Những vấn đề của từ thiện
Mới đây, câu chuyện Cứu trợ và từ thiện lại tiếp tục là đề tài làm nóng mạng xã hội. Sở dĩ vậy là bắt đầu từ câu chuyện khẩu chiến lẫn nhau giữa một nữ đại gia với một “Thần y” tự xưng chữa bệnh, rồi qua đó, dắt dây nhau kéo theo hàng loạt nghệ sĩ, ca sĩ… được “thần chết gọi tên”
Và điều không ai ngờ, là câu chuyện cứu trợ được bóc ra, rằng tay “hài sĩ” Hoài Linh, đã kêu gọi đến hơn 14 tỷ đồng để cứu trợ lũ lụt cho đồng bào Miền Trung, nhưng lũ lụt đã lùi xa nửa năm, tiền vẫn nằm im trong túi và không có hồi âm.
Thế là câu chuyện dẫn đến… “Toang” như cách nói của dân xã hội.
Thôi thì đủ mọi lời bàn tán, đủ mọi lời kết tội, biện hộ, tranh cãi… Tay hài sĩ này lên xác nhận và thanh minh thanh nga rằng do đại dịch, do chưa liên hệ được với chính quyền, mặt trận… để trao quà cho hoành tráng. Thậm chí anh ta còn cho rằng sự nghiệp 30 năm của anh ta lẽ nào đổi lấy 14 tỷ đồng kia…
Ngay lập tức dân mạng bóc mẽ rằng đại dịch thì vẫn đại dịch, nhưng nó bùng phát sau lũ lụt khá xa, rằng dù đại dịch anh ta vẫn đi khắp nơi với những thương hiệu anh ta quảng cáo, rằng nếu qua Mặt Trận, qua Ủy ban, thì người dân giao tiền cho Mặt trận luôn từ đầu có hơn không… Chẳng qua họ không tin các cơ quan đó mới nhờ đến cá nhân.
Và cuộc chiến bằng những lời lẽ từ cư dân mạng vẫn tiếp diễn.
Qua đó, chúng ta thấy một điều: Trong xã hội Việt Nam hiện nay, cái cơ chế giám sát, cơ chế minh bạch cần ở mọi nơi, mọi lúc và thiếu ở mọi lúc, mọi nơi. Từ cơ quan công quyền, các tổ chức đảng và nhà nước cho đến các cá nhân đảm nhận những công việc xã hội, từ thiện và cứu trợ.
Bởi khi đồng tiền đến tay một cách dễ dàng dù với bất cứ lý do nào, nhưng không được giám sát chặt chẽ, không có sự minh bạch cần thiết, thì rất dễ nảy sinh lòng tham. Và ngay cả khi không có lòng tham mà thiếu sự minh bạch trong xã hội đầy nghi ngờ, đầy gương xấu, thì việc người khác đặt câu hỏi về sự thành thật là điều không thể không chấp nhận.
Chẳng ai chắc chắn được rằng cái giá “30 năm sự nghiệp” của tay “Hài sĩ” này lại không thể đổi với việc không có ý xấu với 14 tỷ đồng mà không mất công sức mồ hôi bỏ ra.
Ngay cả trong những người bất đồng chính kiến, những người là dân oan, những nạn nhân của chế độ cộng sản… cũng đã có hiện tượng, có những kẻ đã lợi dụng lòng tin của bá tánh, của những người xót thương thân phận người dân Việt dưới chế độ bất nhân biến thành dân oan bất đắc dĩ để rồi kêu gọi cứu trợ, để rồi biển thủ và tiêu xài cá nhân, ăn chơi mặc sức. Đến mức, chúng tôi đã buộc phải vạch trần hiện tượng, cá nhân này cách đây mấy năm trước. Thế là mất nghề và mất luôn cả cái “Tâm từ thiện”.
Tất cả chỉ vì không có sự minh bạch, không bị giám sát.
Nhưng, tiếc thay, đó lại là tư duy độc tài, độc đảng cai trị đã nhiễm vào máu thịt của chế độ lan tới từng con người, từng tổ chức như từng tế bào xã hội kể cả nhiều kẻ không ưa chế độ cộng sản.
Và vì thế, khi những người có tâm, có tầm và tâm huyết với nỗi đau người khác, chia sẻ và lo lắng cho những người khốn khổ, minh bạch trong công việc thiện nguyện thì họ không có cơ sở để tồn tại trong xã hội.
Nguyễn Thúy Hạnh, một người sáng lập và điều hành quỹ 50K chuyên giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người trong xã hội, cùng với khả năng tài chính của mình, tận tâm nâng đỡ mọi hoàn cảnh những người bị chế độ cộng sản bắt bớ, giam cầm đàn áp chỉ vì lòng yêu nước, chỉ vì biết trăn trở với chuyện xã hội, giang sơn, lãnh thổ.
Nguyễn Thúy Hạnh đã điều hành một cách minh bạch, rõ ràng và hết sức hiệu quả. Nhưng điều đó không vừa lòng nhà cầm quyền Hà Nội.
Việc nhà cầm quyền Hà Nội bắt Nguyễn Thúy Hạnh vừa qua là một minh chứng cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội quyết không dung túng cho những điều tốt đẹp được phát triển trong xã hội.
Và khi sự minh bạch không được coi trọng, sự trung thực không được khuyến khích, những điều tốt đẹp không được dung thứ thì xã hội chỉ có thể đi lùi xuống dốc mà thôi.
Và xã hội vẫn cứ tồn tại. Tồn tại trong sự uy hiếp của thiên tai và nhân tai, trong những mối họa luôn thường trực, trong sự vô cảm và vô tín nhiệm của chính phủ và đảng.
Và việc từ thiện, cứu trợ vẫn cứ còn, vẫn cứ trong vòng luẩn quẩn không có hồi kết.
Ngày 27/5/2021
J.B Nguyễn Hữu Vinh