Không bàn về thơ. Chỉ đề cập đến cách xuất hiện thơ.
Khi Luật sư LÊ VĂN HOÀ tuyên bố từ bỏ nghề luật sư vì đã mất hết niềm tin vào nền Tư pháp, vợ anh là chị Phương Phạm đã giãi bày tâm sự bằng một bài thơ 5 chữ. Không chủ ý sáng tác thơ. Chỉ giãi bày tâm sự. Thế mà có một bài thơ hay. Rất hay.
Bài thơ CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ không chỉ hay, mà đẹp. Thơ đẹp không kém phần quan trọng cùng với thơ hay.
Có người chủ ý viết thơ. Nhất là thơ tuyên truyền. Kể cả những tên tuổi nổi tiếng. Thơ được in. Thậm chí được dạy. Nhưng chưa hay. Càng chưa đẹp.
Bài thơ CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ của chị Phương Phạm vừa hay vừa đẹp.
CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ
Hôm nay chồng bỏ nghề
Luật sư của nhà nước,
Chồng đã nhìn thấy trước
Một kết thúc buồn đau,
Khi mọi người bảo nhau
Chồng không còn tin nữa
Em cũng không tin nữa,
Nhiều người cũng giống mình
Khi tất cả lặng thinh
Thì chuyện gì sẽ đến,
Này nhé, em nghĩ thế
Nếu một ngày không làm
Của những người tốt bụng:
Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Ôi thế thì gay đấy
Chỉ còn lại gian tham
Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Một đất nước suy tàn!
Hôm nay chồng bỏ nghề
Luật sư của nhà nước,
Ở nhà nghỉ trồng hoa
Nếu có người đến hỏi
Người tốt nên ở nhà!
Em sẽ bảo họ thế
Người tốt nên ở nhà!
(Phương Phạm)
Đọc bài thơ, đọc đến đâu câu chữ theo nhau lặng lẽ biến đi, để hiện dần lên trước mắt, mỗi lúc một rõ hơn, trọn vẹn những tầng lớp lao động đại diện cho đất nước.
Đọc bài thơ, đọc đến đâu câu chữ theo nhau lặng lẽ biến đi, để hiện dần lên trước mắt, mỗi lúc một rõ hơn, trọn vẹn hình ảnh của một người phụ nữ Việt – một người vợ với thật nhiều đức tính quý giá. Mà trong đó nổi trội là lòng yêu đất nước.
Đó là hai dòng sáng lấp lánh xuyên suốt bài thơ CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ của Phương Phạm.
Trước tiên hãy nói về sự chịu đựng. Chịu đựng sự bỏ việc của chồng. Đó là sự bỏ việc làm cho chồng bị tổn thương về tinh thần, gia đình tổn thất về vật chất. Nhưng người vợ đã chịu đựng để đón nhận “Một kết thúc buồn đau” của chồng với một tư thế bình tĩnh, vì đã nhìn thấy trước:
“Hôm nay chồng bỏ nghề/ Luật sư của nhà nước,/ Chồng đã nhìn thấy trước/ Một kết thúc buồn đau,”
Một sự mở đầu quá tự nhiên và quá đẹp. Đẹp vì tự nhiện. Tự nhiên vì giã bày tâm sự. Không làm thơ mà nên thơ.
Nhưng tại sao lại phải chịu đựng và chịu đựng được? Là vì đồng cảm và tin tưởng chồng:
“Chồng không còn tin nữa / Em cũng không tin nữa”
Chắc chắn sự đồng cảm và tin tưởng này đến với người vợ không phải chỉ bây giờ, khi người chồng bỏ việc, mà đến từ lâu. Có nghĩa là chị Phương Phạm đã đi cùng với LS Lê Văn Hoà qua nhiều sóng gió mà trong đó LS Lê Văn Hoà phải đối mặt với những thế lực xấu. Vợ chồng luật sư đã phải trải qua nhiều ngày tháng chống chọi với điều đen tối thì mới đúc kết được sự tin tưởng tuyệt đối hai là một như thế. Tin tưởng tuyệt đối mà không mù quáng. Vì nó chắt lọc từ đồng cam cộng khổ của nghĩa vợ chồng. Đến mức tâm đầu ý hợp.
Nhưng không chỉ có 2 vợ chồng LS Lê Văn Hoà không tin, mà “Nhiều người cũng giống mình”. Một người vợ bình dị – không lý luận cao siêu, không từ ngữ hào nhoáng, không khẩu hiệu lên gân – vì thương chồng là người tốt mà phải bỏ việc, nên thấy được thực trạng:
“Chồng không còn tin nữa/ Em cũng không tin nữa,/ Nhiều người cũng giống mình”
Đó là nỗi lo của chị Phương Phạm. Lo vì trong xã hội nhiều người “không tin nữa”, “cũng giống mình”. Bởi vì lo nên rất có trách nhiệm. Vì có trách nhiệm nên tìm cách giãi bày điều phải trái. Giãi bày một cách nhẹ nhàng, một cách thủ thỉ:
“Khi tất cả lặng thinh / Thì chuyện gì sẽ đến,/ Này nhé, em nghĩ thế”
Cách dẫn chuyện thật tài tình. Chỉ vỏn vẹn 5 chữ “Này nhé, em nghĩ thế” mà hiện rõ chân dung của người vợ thông minh, lễ độ. Thông minh vì cách khuyên. Lễ độ vì lời lẽ.
Và cứ thế mà thủ thỉ sự đánh mất, để lặng lẽ hiện ra sự sáng suốt:
“Nếu một ngày không làm
Của những người tốt bụng:
Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Ôi thế thì gay đấy
Chỉ còn lại gian tham”
Chao ôi, đọc mà cảm phục sự sáng suốt. Đọc mà khâm phục sự dấn thân. Người vợ Phương Phạm nhìn thấy chồng LS Lê Văn Hoà là người tốt mà phải bỏ nghề luật sư vì mất lòng tin, nên mới thủ thỉ rằng, nếu tất cả những người tốt trong xã hội mà bỏ nghề thì “gay đấy”, thì “Chỉ còn lại gian tham”. Không sáng suốt đã không thấy xã hội “Chỉ còn lại gian tham”.
Cho nên tất cả những người tốt không thể bỏ cuộc. Tất cả “Bác sĩ và luật sư/ Lái xe và đầu bếp/ Thợ may và bà vợ/ Bộ đội và công an/ Nông dân và nhà máy…..” phải dấn thân. Nếu không thì “Chỉ còn lại gian tham”. Chỉ mấy dòng thủ thỉ mà có sức thuyết phục hơn cả trăm câu khẩu hiệu giáo điều.
Nhưng đó chưa phải là hoạ lớn nhất khi những người tốt khuất phục. Hoạ lớn nhất khi tất cả những người tốt đầu hàng là “Một đất nước suy tàn”:
“Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Một đất nước suy tàn!”
Điệp khúc. Đọc đến đâu hình ảnh những tầng lớp nhân dân đại diện cho đất nước hiện lên đến đấy. Không yêu nước đã không thấy được “Một đất nước suy tàn”. Không yêu nước sâu thẳm không thể có được những câu thơ này. Những câu thơ thôi thúc “Bác sĩ và luật sư/ Lái xe và đầu bếp/ Thợ may và bà vợ/ Bộ đội và công an/ Nông dân và nhà máy…..” không được lùi bước trước kẻ xấu. Nếu không thì “đất nước suy tàn”!
Chị thật tài tình trong khắc hoạ đất nước. Đất nước là ai? Là “Bác sĩ và luật sư, Lái xe và đầu bếp, Thợ may và bà vợ, Bộ đội và công an, Nông dân và nhà máy…..” Chỉ nêu 10 danh xưng mà thâu tóm được giai cấp, tầng lớp, gói gọn cả giới tính, bao quát được cả đất nước. Cách chọn điển hình đến bái phục!
Có người cố làm ra vẻ thật thà trong thơ mà người đọc vẫn nhận ra, không phải là con nai mà là con sói. Chị Phương Phạm không tuyên truyền. Chị thật thà tâm sự:
Hôm nay chồng bỏ nghề
Luật sư của nhà nước,
Ở nhà nghỉ trồng hoa
Nếu có người đến hỏi
Người tốt nên ở nhà!
Không nghĩ đến phải làm thơ thế nào, không nghĩ đến phải mở đầu thế nào, không nghĩ đến phải kết thúc thế nào, chỉ giãi bày mà toàn bộ bài thơ là dòng chảy tự nhiên của tâm tình, và bài thơ được kết thúc với hai câu thấm đẫm nước mắt, thật súc tích, thật đúng chỗ, thật đúng lúc:
Em sẽ bảo họ thế
Người tốt nên ở nhà!
Có điều gì mâu thuẫn. Có điều gì uất ức. Có cái gì cay trong mắt. Có cái gì chát đắng trong miệng. Có cái gì nghẹn nơi cổ họng./.
#luậtsưLêVănHòa #bỏnghềluậtsư