Quê nghèo thay da đổi thịt nhờ xuất khẩu lao động” là tiêu đề của một bài viết đăng trên báo Dân Trí, giới thiệu một số gia đình có con em ở tỉnh Vĩnh Long đi theo con đường xuất khẩu lao động, nhờ đó mà đời sống vươn lên.
Khi nói tới “xuất khẩu,” người ta chợt nghĩ tới một món hàng mang đi bán trên thế giới, nhưng món hàng ấy ở Việt Nam là bán sức lao động của thanh niên. Chuyện xuất khẩu lao động ngày nay được biết đến như một “chủ trương lớn” của nhà nước cộng sản nhằm giải quyết tình trạng thiếu việc làm, đồng thời cũng để các tỉnh, thành phố thực hiện chính sách “xuất khẩu lao động là nhiệm vụ chính trị của địa phương.”
Chuyện xuất khẩu lao động không phải bây giờ mới có mà đã có từ thập niên 1970. Thời gian đó là đi Liên Xô, các nước Đông Âu “xã hội chủ nghĩa anh em,” hầu hết dành cho con em cán bộ, những người có thân thế, có máu mặt trong xã hội Miền Bắc. Sau năm 1975, thời hội nhập kinh tế thị trường mở rộng sang Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và bây giờ tập trung vào Nhật Bản.
Báo Dân Trí dẫn theo thống kê của Sở Lao Động tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2016 đến nay có đến 5.666 người xuất khẩu lao động trong đó 85% đi Nhật Bản. Thân nhân của những người này cho biết, hàng tháng họ đều đặn gởi tiền về cho gia đình từ 10 đến 20 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn nếu so sánh với lương công nhân Việt Nam làm đầu tắt mặt tối, kiếm được từ 7 đến 10 triệu đồng là quá hay. Thế mà đời sống gia đình của công nhân trong nước vẫn trong tình trạng thiếu kém nhất là trong thời dịch bệnh hiện nay.
Vậy kết luận là gì, có phải không lao động xuất khẩu là quá dở? Chính vì lối suy nghĩ đó, ở Việt Nam hiện nay đi lao động nước ngoài không chỉ là phong trào kiếm tiền dễ dàng, là nhiệm vụ chính trị mà còn là lẽ sống. Nó như một đôi đũa thần kỳ mà chính quyền trao vào tay của thanh niên, giúp làm “thay da đổi thịt” cho quê nhà và nâng cao đời sống gia đình(!?) Cho nên người người nhà nhà nô nức bảo nhau đi xuất khẩu lao động. Ngay cả sinh viên Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật ở Vĩnh Long tốt nghiệp, thay vì đi tìm việc làm phù hợp với kiến thức được nhà trường đào tạo, lại cố luyện tiếng Nhật để sang Nhật làm công nhân, thực tế là làm cu-ly.
Chúng ta không thể không vui là nhờ vào đồng tiền của công nhân lao động kiếm được từ Nhật Bản, đã giúp cho bản thân, gia đình họ, làm cho quê nghèo thay đổi phần nào. Nhưng vui bao nhiêu về sự “thay da đổi thịt” này chúng ta lại càng thấm thía bao nhiêu về 2 điều sau đây:
1/ Những người đi xuất khẩu lao động, đại đa số là những người trẻ. Người Việt Nam thường nói “thanh niên là rường cột nước nhà;” nhưng nay họ ra đi làm lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu kể cả một số nước Trung Đông thì thử hỏi khi đó họ là rường cột của nước nào?
Họ không trở về sau một vài năm khi hết hợp đồng mà rất nhiều trong số họ tìm cách ở lại, tiếp tục làm việc kiếm tiền, thậm chí sẵn sàng ở lại luôn khi có cơ hội. Đành rằng những thanh niên đi “bán” sức lao động khắp thế giới đã kiếm được đồng lương tốt cho cá nhân mình và giúp gia đình thoát sự nghèo đói; nhưng rõ ràng là Việt Nam bị thiệt thòi nhiều vì những người rường cột ấy được chính quyền khuyến khích từ bỏ làm việc trong nước, đem tài năng và sức lực của tuổi trẻ ra thi thố xây dựng đất nước bên ngoài. Những gì họ học hỏi được từ khoa học kỹ thuật chỉ phục vụ cho nước chủ nhà, còn Việt Nam chẳng hưởng được gì, ngoài sự thoả mãn cơn khát đô-la của một chính quyền tham ô.
2/ Đối với những sinh viên học xong đại học, khi ra trường lại tính con đường đi lao động nước ngoài còn cho thấy là nền kinh tế trong nước rõ ràng là yếu kém, không đủ công việc cung ứng cho nhu cầu của một bộ phận thanh niên đã được đào tạo. Nhà nước cộng sản có tính đến sự đầu tư lớn lao của gia đình và xã hội sau 11 năm rèn luyện, học tập từ trung học đến đại học để cung ứng nhân lực cho tư bản nước ngoài?
Điều này cũng cho thấy chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại là sai lầm. Đảng Cộng Sản Việt Nam đang chạy theo những mục tiêu đầy ảo vọng vô bờ bến, quyết tâm lấy quốc doanh làm chủ đạo, khai thác và tích cực mở rộng đầu tư ngoại quốc, trong khi đè bẹp các doanh nghiệp tư nhân bằng cơ chế ràng buộc lỗi thời. Bởi nếu như doanh nghiệp tư nhân được giúp đỡ phát triển mạnh thì đó là thị trường cung ứng việc làm lý tưởng trong nước. Thành phần lao động trẻ thay vì phải vay mượn hàng ngàn đô-la giành nhau một chỗ đi lao động nước ngoài sẽ ở lại góp phần cho các công ty tư nhân nội địa phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Đáng tiếc thay do bị lãnh đạo bằng những cái đầu già nua với suy nghĩ xơ cứng kinh tế xã hội chủ nghĩa là “ưu việt,” nên sự kềm hãm của chính sách kinh tế không được tháo gỡ kịp thời khiến kinh tế tư nhân ngày càng èo uột, và đất nước đi vào con đường lạc hậu. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mới đây trong bài viết dài đã thừa nhận “chủ nghĩa tư bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn… hình thành được các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ” nhưng ông Trọng cương quyết đi theo con đường chủ nghĩa xã hội lạc hậu để vượt qua chủ nghĩa tư bản, tiến lên thiên đường cộng sản. Hậu quả của sự trung thành vào một trào lưu tư tưởng đã thoái hóa khiến đất nước ngày càng thụt lùi trong sự hoang tưởng của lãnh đạo.
Ngày nay chúng ta không thể phiền trách những thanh niên đi theo con đường xuất khẩu để nuôi thân, giúp đỡ gia đình, nhưng phải thấy rõ ràng chính sách đem bán sức lao động thanh niên là hệ quả của một nền kinh tế mánh mung, hủ lậu chưa bao giờ có lối thoát./.
Phạm Nhật Bình