Chuyện xưa chuyện nay: Quan hệ vua-tôi, thầy-trò

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

mấy học trò phổ thông hỏi tôi: “Thầy sai, trò cãi lại thầy, có gọi là phản đồ, phản sư không?”

Tôi bảo: “Không. Riêng điều này thì học triết gia Aristotle. Ông này từng cãi người thầy Plato của mình khi ông thầy cứ khăng khăng sự thực ở trên trời cao, trong khi Aristotle khẳng định sự thật ở trước mắt. Aristolte bị quy tội phản đồ, phản sư, nhưng ông cả quyết: “Thầy quan trọng nhưng chân lý còn quan trọng hơn”.

Một học trò liên hệ đến cái clip thầy đánh trò như đại ca dạy đàn em trong xã hội đen và hỏi: “Trong trường hợp này, nếu trò không kiểm soát được hành vi mà đánh lại thầy, có gọi là thất lễ, vô đạo không?”

- Quảng Cáo -

Tôi bảo: “Không. Tôi không khuyến khích bạo lực đáp trả bạo lực. Nhưng nếu có chuyện học trò đánh lại thầy trong trường hợp ấy, thì phải nói là học trò đã đánh tên côn đồ vô lại chứ không phải đánh thầy!”

Tôi ghét Nho giáo ở sự phân biệt tôn ti. Và chính quan hệ tôn ti đã bị người đời nay lợi dụng triệt để, bề trên coi kẻ dưới như cỏ rác nhưng lại bắt kẻ dưới một mực trung thành, lễ độ. Công bằng mà nói, Nho giáo không phải là một tà thuyết đáng bị nguyền rủa, chỉ vì nó đã bị giới quyền lực thiến một nửa để còn lại một nửa có lợi cho kẻ đang cầm quyền. Trong khi kinh điển Nho giáo rành rành luận tôn ti hai chiều. Wikipedia tóm tắt ngắn nhưng khá đủ thế này:

“Bàn luận về lòng trung thành, Khổng Tử nói “Yêu con mà không dạy con phải chịu khó nhọc được ư ? Trung với vua mà không khuyên can vua theo đường chính ư ?”. Về quan hệ vua tôi, Khổng Tử viết: “Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” còn Mạnh Tử đã bảo Tề Tuyên Vương rằng: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thù”, “Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chứ tôi chưa hề nghe Vũ vương giết vua”. Tuân tử cũng nói: “Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” (Giết một ông vua tàn bạo cũng như giết một kẻ ác độc). Sách Đại học có câu: “Làm vua thì hết mình thực hiện đức nhân. Làm bề tôi thì hết mình thực hiện đức kính. Làm con thì hết mình thực hiện đức hiếu. Làm cha thì hết mình thực hiện đức từ. Cùng người trong nước quan hệ với nhau phải hết mình thực hiện đức tín”.

Các bạn có thể dùng đoạn trên để nói chuyện với bất cứ ai đòi hỏi sự trung thành hay lễ độ nếu kẻ đó không gương mẫu./.

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -