Chiến dịch “trừng phạt xã hội” nhắm vào gia đình lãnh đạo quân đội

- Quảng Cáo -

Timothy Trinh|

Phong trào Bất tuân dân sự (CDM) của Myanmar chống lại sự cai trị của quân đội đã diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm cuộc tổng đình công của công nhân, các cuộc biểu tình trên đường phố và tẩy chay công khai các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội.

Nhưng trong những tuần gần đây, một mặt trận mới đã mở ra trong cuộc đấu tranh: một chiến dịch “trừng phạt xã hội” chống lại gia đình của các thành viên cao cấp của quân đội đảo chính.

Trong một bài viết đăng trên Frontier Myanmar vào hôm thứ Năm (18/3) với tiêu đề “Chiến dịch ‘trừng phạt xã hội’ lật ngược thế cờ về giới tinh nhuệ trong quân đội”, ký giả kỳ cựu Sithu Aung Myint cho biết cư dân mạng Myanmar đã chia sẻ và xác định danh tính vợ con và thân nhân của các tướng lĩnh quân đội, thông báo họ sống ở đâu, làm công việc gì và con cái đang theo học ở các trường đại học nước ngoài nào.

- Quảng Cáo -

Người đầu tiên bị nhắm mục tiêu cho đến nay bao gồm Ma Khin Thiri Thet Mon, con gái của Tướng Min Aung Hlaing. Cô này là người sáng lập công ty sản xuất phim kinh phí lớn 7th Sense Creation. Thêm vào đó, còn là con dâu Ma Myo Yadana Htike của tướng lãnh đạo; cô này còn là người sáng lập đài truyền hình và nhà sản xuất cuộc thi sắc đẹp Stellar Seven Entertainment.

Từ ngày Phong trào CDM được khởi động, những ngôi sao điện ảnh và ca nhạc đã từ chối làm việc cho các hãng phim và đài truyền hình có quan hệ với quân đội.

Các nhà hoạt động cũng nhắm mục tiêu vào con cháu của lãnh đạo quân đội đang theo học tại các trường học và đại học ở nước ngoài, kêu gọi cả người Myanmar định cư ở nước ngoài và người bản xứ của các quốc gia đó tẩy chay những học sinh này.

Ma Nan Lin Lae Oo, một sinh viên của Đại học Toyo của Nhật Bản, là con gái của Tướng Kyaw Swar Oo – một tướng quân đội mà các nhà hoạt động cho rằng chịu trách nhiệm về vụ xả súng giết người biểu tình ở Mandalay trong đó bao gồm cái chết của cô gái 19 tuổi Ma Kyal Sin. Cư dân mạng đã liên tục trực tuyến kêu gọi trường đại học Toyo thu hồi học bổng của Nan Lin Lae Oo và yêu cầu chính phủ Nhật Bản hủy bỏ thị thực của cô này.

Những nỗ lực “trừng phạt xã hội” đã diễn ra mạnh mẽ, khiến thân nhân của các tướng quân đội phải tự động đóng tài khoản Facebook và giữ một lý lịch thấp.

Một doanh nhân Myanmar có liên hệ với quân đội đã phải lớn tiếng lên án cuộc đảo chính, vì mong muốn bảo vệ được thương hiệu của cô ta không bị trừng phạt bởi người biểu tình. Nữ diễn viên kiêm blogger về trang điểm sắc đẹp Nay Chi Oo, con gái của cựu sĩ quan Tatmadaw và doanh nhân U Myo Myint Sein, đã công khai ủng hộ và quyên góp tiền cho Phong trào bất tuân dân sự CDM. Cô đã viết một bài đăng trên Facebook vào đầu tháng Hai để xin lỗi cha mình và cầu xin ông hiểu vị trí của cô.

Thông thường, các chiến thuật “trừng phạt xã hội” có thể xem là một sự bắt nạt trên mạng hoặc ít nhất là xâm phạm quyền riêng tư một cách trắng trợn. Nhưng đây không phải là thời điểm bình thường, và mặc dù đạo đức của các chiến thuật như thế này vẫn là một vấn đề tranh cãi, nhưng nó phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử thống trị quân sự lâu dài và đen tối của Myanmar.

Ký giả Sithu Aung Myint lập luận rằng, “Đối với một số cựu tù nhân chính trị và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ kỳ cựu, những người đã từng chịu các hình thức trừng phạt xã hội bởi chế độ quân đội trước đây, chiến dịch này là một hình thức trả thù.”

“Những người bất đồng chính kiến này không chỉ bị giam cầm trong nhiều năm và bị tra tấn; sau khi được trả tự do, cả họ và gia đình của họ đều cố tình bị gạt ra ngoài lề xã hội, do đó họ thường không thể tái hòa nhập xã hội hoặc tự thăng tiến. Các thành viên trong gia đình trong ngành dân sự bị sa thải hoặc từ chối cơ hội thăng tiến. Họ cũng bị từ chối hộ chiếu, nghĩa là họ không thể trốn ra nước ngoài, và lực lượng Tình báo Quân đội đã gây áp lực buộc các hiệu trưởng trường học để không nhận con của họ. Các giáo viên cũng được khuyến khích phân biệt đối xử với những đứa trẻ này, và các bạn cùng lớp của chúng đã được cảnh báo không được tương tác với chúng. Sự tẩy chay này vẫn tồn tại trong nhiều thập kỷ.”

“Trong khi đó, các tướng lĩnh và những người trong giới của họ, làm giàu bằng nhiều hình thức tham nhũng, đã có thể gửi con cái của họ đến các trường học và đại học ưu tú ở nước ngoài. Khi những đứa trẻ này trở về nhà, chúng thường sử dụng mối quan hệ của cha mẹ chúng và sự giàu có mà chúng cướp được từ công chúng để thành lập các doanh nghiệp lớn ở Myanmar.”

“Ngược lại, con cái của hầu hết công dân Myanmar không được học hành đến nơi đến chốn hoặc các cơ hội kinh tế, và thường phải làm việc cho các công ty thuộc sở hữu của các tướng lĩnh và đồng minh của họ. Họ cảm thấy bị nô lệ cho một giai cấp thống trị của các gia đình quân nhân.”

“Giờ đây, người dân Myanmar đang đánh trả bằng cách tẩy chay hàng hóa của quân đội, tham gia phong trào bất tuân dân sự và chiến dịch trừng phạt xã hội. Những người theo đạo Phật ở Myanmar coi sự sỉ nhục trước công chúng là quả báo cho những việc làm xấu xa của các vị tướng quân đội.”

“Trong một xã hội công bằng, không đứa trẻ nào phải trả giá cho tội lỗi của cha mẹ chúng, nhưng chiến dịch này là sản phẩm tự nhiên của nhiều thập kỷ bất công và phẫn uất. Di sản tai hại này chỉ có thể được khắc phục nếu chế độ độc tài quân sự chấm dứt, để dân chủ và nhân quyền được phép phát triển mạnh mẽ ở Myanmar,” Sithu Aung Myint kết luận./.

Người Đà Lạt Xưa

#Myanmar #bấttuândânsự #trừngphạtxãhội

- Quảng Cáo -