Việt Nam: dân chủ bầu cử là có thật

- Quảng Cáo -

Phú Nhuận (VNTB)| 

“Nhà nước ta …cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”

“Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.

Đoạn trích trên nằm trong bài viết của bà giáo sư tiến sĩ, khi ấy là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trên báo Nhân Dân, số phát hành ngày 5-11-2011.

- Quảng Cáo -

Ai dân chủ hơn ai?

Một phát biểu tương tự, ngày 28-01-2016, trả lời câu hỏi của AFP: “Thưa Tổng Bí thư, ông có nghĩ rằng dưới sự tiếp tục lãnh đạo của ông và Bộ Chính trị, Việt Nam sẽ là đất nước giàu mạnh hơn và dân chủ hơn không?”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời: “Tập thể lãnh đạo nhưng cũng cần đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân. Cái hay của chúng ta là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ở một số nước, nói là dân chủ nhưng người đứng đầu quyết định hết, thế thì ai dân chủ hơn ai?”.

Câu nói này được dịch từ bản tin tiếng Anh: “Kể tên các nước này thật không xác đáng, nhưng ở các nước ấy, nhân danh dân chủ, nhưng mọi quyết định đều nằm trong tay một người. Vậy thì, nơi nào dân chủ hơn? – It is not proper to name them, but in a number of countries, in the name of democracy, all decisions are made by one person. So which is more democratic?”

Nếu nhìn dân chủ nhìn từ lá phiếu cử tri, thì…

Giả dụ như cả hai phát biểu trên đều đúng, thì cần nên hiểu ra sao về các tin tức được đăng tải công khai trên báo chí nhà nước Việt Nam hiện tại, với ý có thể tóm lược là theo dự kiến đầu tháng tư này sẽ bầu xong tân Thủ Tướng, tân Chủ Tịch nước, tân Chủ Tịch Quốc hội.

Trong khi đó, ngày bầu cử theo thông lệ của người dân đi bầu lại là ngày Chủ nhật 23-5-2021.

Như vậy, nếu gọi là lá phiếu dân chủ, thì chức danh mới sao lại do nguyên dàn đại biểu của Quốc hội ‘khóa cũ’ bầu?.

Liệu phải giải thích với quốc dân sao đây về dân chủ của lá phiếu chức danh Chủ tịch Quốc hội mới, thay vì như tất cả các quốc gia dân chủ trên thế giới, đó phải là lá phiếu do các đại biểu Quốc hội mới trúng cử bầu – đàng này, Chủ tịch của Quốc hội ở khóa còn thuộc thì tương lai, lại do Quốc hội ‘khóa cũ’ bầu, trong khi chưa biết là liệu mai đây lá phiếu của người dân có đồng ý ‘không gạch bỏ tên’ những ứng viên như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ,…?

Lấy một ví dụ giả thuyết nếu Ban bí thư Trung ương Đảng có chủ trương về ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội thì ngay cả việc bầu nhân sự mới trên nền tảng nhân sự mới liệu có khách quan hay không, khi có khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, nghĩa là phải tuân thủ theo ý chí của Ban bí thư Trung ương Đảng?

Không chỉ vậy. Ông Tô Lâm được Đảng giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Chắc chắn ông Tô Lâm trúng cử, và tới phiên Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì đại biểu Tô Lâm lên trả lời à? Liệu sẽ lập lại lịch sử như các nhiệm kỳ trước như ông Trần Tuấn Anh vừa là đại biểu Quốc hội vừa là Bộ Trưởng Bộ Công Thương.

Rất có thể ông Tô Lâm sẽ còn ‘lên’ cao hơn nên…

Thay lời kết

Thiết nghĩ, công việc của một bộ trưởng đã không nhẹ nhàng, các lãnh đạo nhà nước đừng chen chân vào ghế đại biểu Quốc hội làm gì. Đơn vị giới thiệu cũng nên cân nhắc xem người được giới thiệu có làm nổi chức trách được giao không? Nếu được thì toàn siêu nhân rồi chứ không phải người thường nữa.

Huống hồ, Quốc hội là cơ quan lập pháp. Cán bộ giữ trọng trách chức vụ bên hành pháp lại vừa có quyền lực lập pháp thì khó tránh trường hợp “luật là tao, tao là luật”.

Ở một diễn biến khác, giải thích sao đây về dân chủ khi ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, trong khi, ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, lui bước do vấn đề về tuổi (?!)

#bầucửquốchội #dânchủXHCN

- Quảng Cáo -