Tác giả: Đất Nước
Trong những ngày qua, dư luận xã hội sục sôi với việc Bộ trưởng chủ nhiệm chính phủ Mai Tiến Dũng (cánh tay phải của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) “đá xéo” ý kiến chỉ đạo của cấp trên – ông Vũ Đức Đam người cho rằng Việt Nam sẽ phấn đấu dâp dịch trong 10 ngày. Điều này cũng cho thấy chính phủ VN có những bất đồng mang tính cá nhân trong việc dập dịch cúm Vũ Hán. Mặc dù vậy, vấn đề sâu xa nằm ở chỗ “Ai là người chỉ đạo thành công việc dập dịch nhiều khả năng sẽ được ngồi vào chức Thủ tướng nhiệm kỳ tới.”
Về lý thuyết, do không vào được Bộ chính trị nên cơ hội trở thành Thủ Tướng của ông Đam gần như đã chấm hết. Mặc dù vậy, hiện nay thì Bộ chính trị chỉ có 18 thành viên, tức là ít hơn một thành viên so với nhiệm kỳ trước. Cho nên, khả năng một thành viên chính phủ do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được bầu bổ sung là có thể xảy ra. Và ông Vũ Đức Đam nếu thành công trong việc chống dịch sẽ được bầu theo diện này và được sự thông qua bởi Bộ chính trị mà không cần tới sự biểu quyết 200 ủy viên trung ương.
Trước nước cờ tất tay này, ông Đam không còn cơ hội nào khác ngoài việc chống dịch với tất cả những gì có thể nếu không, ông sẽ về nghỉ hưu sau phiên họp của Quốc Hội dự kiến vào tháng 5 tới. Còn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì đây không phải là quân bài tất tay vì đằng nào ông cũng đã tái cử và nghiễm nhiên có chân trong tứ trụ. Mặc dù vậy, trong 4 vị trí hiện nay ngoài Tổng bí thư và Thủ tướng ra thì các chức vụ còn lại hầu như chỉ mang tinh hình thức và thừa hành là chính.
Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc không thể là Tổng bí thư thì chỉ có thể trở lại làm Thủ tướng để duy trì quyền lực và bộ khung ông xây dựng bấy lâu nay mà thôi. Nếu được bầu vào làm Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội thì coi như là bị dứt ra khỏi quyền lực và trên đường về hưu. Nhìn vào cục diện như vậy mới thấy, cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng nhiệm kỳ mới đang diễn ra cam go như thế nào.
Cho đến thời điểm hiện tại, người xông xáo nhất của chính phủ trong tuyến đầu chống dịch vẫn là ông Đam với phong cách chỉ đạo sát sao, làm việc suốt ngày đêm. Cộng với uy tín từ lần chống dịch đầu tiên nên ông Đam gây được nhiều cảm tình với công chúng và ông Nguyễn Phú Trọng. Trước tình hình như vậy, ông Phúc cũng không thể khoanh tay. Ngày 15/2 vừa rồi, tức là mùng 4 Tết, người ta đã thấy ông Phúc họp gấp với Ban chỉ đạo phòng chống cúm Vũ Hán và đề cao quyết tâm mua vaccine. Đặc biệt, ông Phúc không hề nhắc một từ nào tới ông Đam.
Nếu nhìn vào quá khứ, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, khi ông Phúc là Phó thủ tướng thường trực thì ông Đam cũng là phó thủ tướng nên cả 2 người không chịu sự chi phối cấp trên cấp dưới. Nên việc cạnh tranh ghế và quyền lực là tương đối song phẳng, không có ơn huệ nào hay ràng buộc nào trước đây.
Còn về phía Nguyễn Phú Trọng, ông TBT cũng thừa hiểu rằng, một khi không kiểm soát được cúm Vũ Hán, nền kinh tế sẽ kiệt quệ, vòng đói nghèo sẽ trở lại gây ra những bất ổn chính trị thậm chí là đảo chính. Đồng thời, những khẩu hiệu mà Đảng dưới thời ông phô trương sẽ không còn ai tin tưởng nữa. Do vậy, việc trị được cúm Vũ Hán sẽ mang tinh quyết định tới uy tín của bản thân ông ta và bộ máy Đảng do ông ta đang đứng đầu.
Việc bỏ dở vị trí thứ 19 trong Bộ chính trị cùng với để ngỏ chức vụ Thủ tướng được coi là nước cờ rất quái của ông Trọng, nó sẽ khiến chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong việc chống dịch, khiến ông Thủ tướng hiện nay không thể trơ ra chỉ hô khẩu hiệu và không làm gì.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là việc ông Trọng muốn nhắc tất cả các quan chức trong triều đình của ông ấy rằng: Ông ấy mới là người tạo ra luật chơi và đương nhiên, luôn là người quyền lực nhất!