Trần Quốc Vượng: chính trị gia kín tiếng

- Quảng Cáo -

Triệu Tử Long (VNTB)|

Trong số chính khách Đảng thì quả tình ông Trần Quốc Vượng khá kiệm lời, kín tiếng.

Hôm 4-11-2019, trong một bài viết đăng trên VOA, tác giả Phạm Chí Dũng có đoạn kết như sau về chính khách Trần Quốc Vượng: “Nhưng như thói đời kiêm thói đảng, càng lên cao càng dễ bị thị phi và cả ‘đâm dao sau lưng’. Từ năm 2018, cái tên Trần Quốc Vượng bắt đầu xuất hiện trong vài bài viết trên mạng xã hội và những bài viết đả kích ấy kéo dài cho đến nay với tần suất ngày càng dày hơn.

Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng vẫn có thể tự an ủi mình: dù sao tên ông ta không rơi vào lời sấm Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm “Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt; Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong” – mà đã cồn lên như sóng thần biển khơi sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang trên ghế chủ tịch nước vào tháng 9 năm 2018” (1).

- Quảng Cáo -

Ở bài báo nói trên, tác giả Phạm Chí Dũng nhận định ông Trần Quốc Vượng – nhân vật có quyền lực đứng thứ hai trong đảng sẽ là tân tổng bí thư khi ông Nguyễn Phú Trọng rời chính trường.

Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, ở Thái Bình. Ông Vượng có bằng thạc sĩ Luật và từng giữ các chức vụ cao cấp từ năm 2006 đến nay, bao gồm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Trần Quốc Vượng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư hồi năm 2013 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI.

Nhà báo Phạm Chí Dũng từng nhìn nhận rằng “Không phải là cá nhân Trần Quốc Vượng mà là tính chất của ban chuyên môn, đó là Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng của Việt Nam được đánh giá tương tự với Uỷ ban kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc.

Ông Trọng có thể nói là người rất được khích lệ bởi chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của ông Tập Cận Bình. Ông đã chọn Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Việt Nam như một ban chuyên môn và một cánh tay phải đắc lực để giúp Tổng Bí thư như Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc là cánh tay mặt của Tập Cận Bình.

Vô tình ông Trần Quốc Vượng rơi vào điểm nhấn của lịch sử trong triều đại Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Ngay ở thời điểm đó tháng 3-2018, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhận định, “Việc bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng mang hàm ý ông Trần Quốc Vượng chính thức trở thành ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư”.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, người đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore, nói trong một bài phân tích: “Quan trọng hơn, nếu xét chiến dịch chống tham nhũng cấp cao dưới sự lãnh đạo của ông Trọng và việc Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng, rất có khả năng ông Trọng muốn người kế nhiệm sẽ duy trì di sản của mình và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Vượng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, có thể được coi là đáp ứng nhiều điều kiện hơn để thay thế ông Trọng. Với việc ông Trọng đang nắm quyền kiểm soát ở mức cao đối với hoạt động của Đảng, đặc biệt là trong vấn đề nhân sự, ông Trọng sẽ là người có tiếng nói quyết định đối với việc lựa chọn người kế nhiệm mình. Như vậy, ứng viên nào được ông hậu thuẫn sẽ có cơ hội thắng cử cao hơn”, ông Lê Hồng Hiệp nhận định.

Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng đã đưa nhận định được nhiều tờ báo đăng công khai: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” (2).

____________________

Chú thích:

(1) https://www.voatiengviet.com/…/tran-quoc…/5151785.html

(2) https://thanhnien.vn/…/thuong-truc-ban-bi-thu-ta-khong…

#TrầnQuốcVượng #TổngBíThư

- Quảng Cáo -