Trang Việt Nam Thời Báo nếu lại tiếp tục luận, tiếp tục bàn về quyền Hiến định biểu tình, tự do lập hội… ở thời điểm mà một số thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sắp ra tòa hình sự sơ thẩm vào thượng tuần tháng 1-2021, xem ra cũng dễ bị xem là ‘phản động’.
Tuy nhiên hy vọng mọi điều không hẳn là như thế. Bài báo trên trang web của Thành ủy TP.HCM cho biết về huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính; phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách” (1).
Với ‘mệnh lệnh’ của Tổng Bí thư là “coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến”, xét trong bối cảnh nhà báo Phạm Chí Dũng từng có nhiều bài viết về thực thi quyền biểu tình Hiến định (2), rộng đường dư luận và góp thêm dữ liệu cho các thẩm định viên tư tưởng của vụ án, xin giới thiệu ở đây ý kiến của phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Công Giao – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, và thạc sĩ Hoàng Thị Thủy, Học viện Chính trị Khu vực III, về vấn đề biểu tình ở Việt Nam.
Theo hai giảng viên nói trên, thì biểu tình không phải là việc xa lạ ở Việt Nam.
Trong thời Pháp thuộc, quyền biểu tình đã được Đảng Cộng sản Đông Dương sử dụng một cách hiệu quả để vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Nam đã có nhiều cuộc biểu tình được tổ chức, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945 quy định về việc tổ chức các cuộc biểu tình. Sắc lệnh khẳng định: “… tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa”, đồng thời quy định “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này” (Điều thứ 1). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam về quyền biểu tình.
Trong các Hiến pháp của Việt Nam, Hiến pháp đầu tiên năm 1946 không quy định trực tiếp về quyền biểu tình, nhưng ghi nhận một cách gián tiếp qua quy định về quyền tự do hội họp (Điều 11).
Quyền biểu tình sau đó được ghi nhận một cách trực tiếp thành một quyền riêng từ Hiến pháp năm 1959 (Điều 25), bên cạnh các quyền tự do hội họp, lập hội. Kể từ đó, các Hiến pháp về sau của Việt Nam (1980, 1992, 2013) tiếp tục ghi nhận quyền biểu tình như là một quyền riêng (Điều 67 Hiến pháp năm 1980, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013).
Theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Dưới Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay đã ban hành một số văn bản pháp luật để cụ thể hoá quyền biểu tình của công dân một cách trực tiếp, hoặc thông qua quyền tự do hội họp, ví dụ Sắc lệnh số 101-SL/L.003 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước ban hành Luật về Quyền tự do hội họp.
Hiện tại, những vấn đề liên quan đến quyền biểu tình đang được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật, bao gồm: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 38/2005 ngày 18/3/2005 của Chính phủ Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; Thông tư số 09/2005 ngày 5/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 38/2005 – trong đó trực tiếp và quan trọng nhất là Nghị định số 38/2005 và Thông tư số 09/2005. Mặc dù nội dung của hai văn bản pháp luật này không trực tiếp đề cập đến quyền biểu tình, tuy nhiên, các quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng chính là điều chỉnh một số vấn đề về biểu tình.
So sánh với luật về biểu tình của nhiều quốc gia trên thế giới và yêu cầu thực tế, những nội dung nêu ở Nghị định số 38/2005 còn chưa đầy đủ (chưa điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến biểu tình). Ngoài ra, việc Nghị định này quy định những hạn chế liên quan đến tập trung đông người (quyền biểu tình) cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quyền biểu tình, bởi theo Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.
Do vậy, việc xây dựng Luật về Biểu tình ở Việt Nam là quyết định đúng đắn, nhằm bảo đảm cho người dân có thể thực hiện hiệu quả quyền hiến định này trong khuôn khổ pháp luật.
Luật Biểu tình cũng sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước giữ gìn an ninh, trật tự xã hội một cách hiệu quả hơn và cũng như giúp Nhà nước hiểu rõ hơn nguyện vọng của nhân dân để kịp thời điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp.
“Việc xây dựng Luật Biểu tình rất cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, trong đó các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tổ chức và tham gia biểu tình có tầm quan trọng đặc biệt” – hai giảng viên Vũ Công Giao và Hoàng Thị Thủy chung nhận xét.
_________
Chú thích:
(2) https://www.voatiengviet.com/a/uong-chu-luu-luat-bieu-tinh/5092039.html;
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/campaign-to-advocate-law-of-protests-gm-02272015125932.html
L.H.
VNTB gửi BVN