Qua cơn mê để mở cửa lại

- Quảng Cáo -

Lynn Huỳnh – (VNTB)

Chưa chắc qua cơn mê vì chỉ thị mới của TP.HCM thực ra vẫn đang chỉ là dự thảo, nội dung chính thức như thế nào còn phụ thuộc vào hướng dẫn Bộ Y tế.

Mỗi ngày trôi qua là một ngày trải qua bao cung bậc xúc cảm, dõi theo những người đi chống dịch căng thẳng ngày đêm, dõi theo âu lo cho người thân, theo các bác sĩ y tá cực nhọc. Giờ thì rồi ngày ‘hòa bình’ cũng hứa hẹn cận kề để những câu ca thành hiện thực của tình người sau cơn mê vẫn xanh/ dù bao tháng năm đau thương dập vùi/ đường xưa vắng ta nay ta lại về/ cùng theo lũ em học hành như xưa

Bác sĩ Hoàng Cương kể dịch bệnh khiến cuộc sống bình lặng mà khốc liệt như thời chiến. Chỉ khác là không có tiếng súng, tiếng bom. Bao nhiêu ngày tháng trôi qua vợ không thể gặp chồng, anh bộ đội không thể về đám tang cha, chị y tá không về khóc mẹ qua đời hay ôm con dễ dàng như ngày xưa… Ám ảnh quá! Bệnh viện lịm đi trong giấc ngủ cho dù có người ngủ, người không.

- Quảng Cáo -

Dường như qua cơn mê vẫn còn chưa mấy rõ ràng của hẹn ước cho ngày gió mưa không còn/ nên đường dài thật dài/ ta mặc tình rong chơi

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 26-9, trước nhiều câu hỏi của phóng viên báo đài đặt ra về việc TP.HCM sẽ tổ chức lưu thông nội ô, và liên vùng như thế nào, khi nào tháo dỡ hàng rào, chốt…, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết dự kiến TP.HCM sẽ ban hành Chỉ thị mới liên quan đến phòng chống dịch tại TP, áp dụng từ 0 giờ ngày 1-10.

Và, cũng theo ông Hải, chỉ thị mới của TP.HCM mà báo chí đưa tin qua nay, thực ra vẫn đang chỉ là dự thảo, nội dung chính thức như thế nào còn phụ thuộc vào hướng dẫn Bộ Y tế.

Viện dẫn đến Bộ Y tế là người dân cảm thấy câu chuyện của một mai qua cơn mê xem ra vẫn là câu chuyện dài nhiều tập.

Tối hôm 25-9, có 8 hiệp hội ngành hàng (Thực phẩm minh bạch, Lương thực – thực phẩm TPHCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Dệt may Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhựa Việt Nam và Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam) đã đồng loạt kiến nghị về những điểm không phù hợp trong dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của Bộ Y tế đưa ra vào sáng 25-9-2021.

Các hiệp hội trên cho rằng những tiêu chí trong dự thảo còn hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt. Nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “Zero COVID”, chưa hoàn toàn “sống chung với COVID-19” nên chưa phù hợp.

Việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã chích đủ vắc xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết. Nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa chích đủ vắc xin sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết hơn.

Tiêu chí tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU (Intensive Care Unit – khu hồi sức bệnh nhân nguy kịch) nên được đưa thành một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh. Khi đã chích đủ liều vắc xin thì đếm số ca nhiễm là không cần thiết, mà chỉ cần quan tâm đến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, chỉ tính cho các ca cần thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn, và giường ICU. Ngoài ra, cần phải để F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.

Các hiệp hội có chung quan điểm là không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có F0, nếu có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.

Đối với vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch (<0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày), giai đoạn chuyển tiếp 3 – 5 tháng đến khi chích đủ vắc xin thì nên phòng chống dịch theo điểm, không phong tỏa diện rộng. Vùng nào chích đủ vắc xin sớm theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang “bình thường mới”, bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa. Chỉ thực hiện cách ly tại nhà, truy vết và quản lý theo mức độ dịch…

Trong một diễn biến khác cho câu chuyện để sớm đến ngày của tình người sau cơn mê vẫn xanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản với điều kiện đặc thù, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế.

“Đến lúc thành phố phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. Thành phố không thể không mở cửa lúc này” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế từ hôm 17-9-2021.

“Cùng nhau ta sẽ đi
Sẽ thăm bao nơi xưa
Vui một thuở lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người
Sẽ đi thăm từng đường
Sẽ vô thăm từng nhà…”.
Rồi đây sau cơn mê
Sông cạn lại thành dòng
Xuôi về ngọt quê hương…

- Quảng Cáo -