Thiên hạ luận: Điếm lác…

- Quảng Cáo -

Lynn Huỳnh – (VNTB) – Cái gì thuộc về công cộng, ai cũng xài vô tư; hành vi tham lam sử dụng của công và dối trá (điếm lác) đều có thể gọi là “điếm”. Điếm là chuyện thường trong văn hóa Việt, trong xã hội Việt… là vậy.

Điều 4 của Luật đất đai 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”.

‘Ông toàn dân’ là ông nào? Đó là một đối tượng mông lung, chung chung, không phải là một đối tượng cụ thể. ‘Ông toàn dân’ không thể tham gia mua bán quyền sở hữu của mình. Rồi nhà nước lại là đại diện để sử dụng quyền chủ sở hữu. Nhà nước, chỉ hưởng, chỉ có quyền mà không chịu trách nhiệm. Đó là sự vô trách nhiệm của nhà nước, hành vi khôn lỏi mà dân gian gọi là điếm.

Vì là lũ điếm, nên chúng thoải mái chia chác với nhau.

- Quảng Cáo -

Một dẫn chứng khác về chuyện ‘điếm’.

Ông bố Trương Tấn Minh ở Sài Gòn đã rút dòng chia sẻ trên tài khoản facebook cá nhân của ông về tâm sự của người cha đơn thân bán hàng rong nuôi 4 đứa con thơ. Trường hợp của Trương Tấn Minh, nếu có thêm vài triệu mỗi tháng, Minh bảo cha con ông sống đỡ ngột ngạt hơn, bữa cơm có thêm miếng thịt, miếng cá!

Người như Minh ở đất nước này vẫn còn nhiều, dù chúng ta vẫn tự sướng với nhau nằm trong ‘Top’ hạnh phúc nào đó của thế giới.

“Nghe câu chuyện của 5 cha con Minh, tôi lại ứa gan khi đọc những dòng tin về vụ án Khu đất số 1 Trần Hưng Đạo ở Nha Trang vốn là trường cán bộ cũ của Khánh Hòa. Khu đất vàng 7.000 m2 đất này được giao cho Công ty Thanh Yến thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu theo hợp đồng BT xây trường cán bộ mới, đổi đất chỉ khoảng 123 tỉ đồng, trên thực tế chỉ quyết toán 114,8 tỉ đồng. Có nghĩa là mỗi m2 đất cùng thời điểm giá hơn trăm triệu đã vào tay Thanh Yến chưa đến 20 triệu!?

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng không hiểu sao những người kế nhiệm mình lại giao đất không qua đấu giá. Nếu đấu giá thì lô đất số 1 Trần Hưng Đạo này có thể đổi được 3 trường chính trị ở ngoại ô chứ không phải thiếu cả tiền dù chỉ xây ký túc xá như thế!” – một nhà báo nhận xét, và nói rằng đây là hệ lụy của những gã điếm chính trị.

Số tiền ấy cuối cùng không đủ để xây trường cán bộ mới cho tỉnh đã đành, nhưng đau hơn là ngân sách thất thoát trong vụ này không dưới 1000 tỷ đồng!?

“Số tiền đủ để cho hàng vạn đứa trẻ bữa có, bữa không, có thể biết mặt mũi miếng thịt, cá thế nào trong tất cả bát cơm. Số tiền dư dả cho cả trăm ngàn trường hợp như 5 cha con Minh không phải nơm nớp chia lìa nhau vì không biết lấy gì bỏ miệng. Số tiền ấy rơi vào ai, phè phỡn cho cuộc sống của bọn nào chẳng cần nói ra thì ai cũng quá hiểu. Đáng tiếc thay ở Nha Trang, đó không phải là trường hợp duy nhất và nhiều nơi trên đất nước này cũng vậy.

Lò mở hơn 5 năm nay nhưng chưa thể đốt sạch vì thật ra cơ chế để cho không còn những gã điếm chính trị, hay hàng ngàn tỷ bốc hơi dễ như bỡn, bất chấp tất cả như thế vẫn chưa hoàn chỉnh. Bởi một khi đất đai vẫn “sở hữu toàn dân”, nhưng lại do “toàn quan” định đoạt như thế, thì các nhóm lợi ích kiếm ngàn tỷ này, tỷ đô kia chẳng có gì lạ!

Trừng trị, ngăn ngừa chúng đã đành, tiếp tục đốn củi và đốt lò vẫn phải tiếp diễn nhưng làm thế nào để dân không còn khổ, kiếm miếng ăn không còn khó và nhất là không đến nỗi khốn cùng như 5 cha con Minh, hay bà cháu nước lã chan cơm ở Đăk Nông mới là điều mà rất nhiều người mong mỏi…” – nhà báo kể trên, chua chát bàn về những gã điếm trong thể chế cũng điếm không kém.

Hai bản tin sau đây sẽ minh họa thêm cho chuyện điếm là gì?

Báo Thanh Niên hôm 3-4-2021 có bài Thủ tướng: ‘Kiên quyết xử lý dự án đầu tư du lịch phá vỡ môi trường, cảnh quan’.

Báo Vietnam Finance ngày 2-4-2021 có bài Thủ tướng cho phép chuyển mục đích 156ha đất rừng để FLC làm sân golf ở Gia Lai.

- Quảng Cáo -