Thục Quyên dịch
Tiếp theo phần 1
Không thể thiếu một nền báo chí độc lập, tự do
Qua sự bảo trợ ông Phạm Chí Dũng, dân biểu Künast muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền báo chí độc lập như quyền lực thứ tư trong mỗi quốc gia, đối trọng với quyền lực chính trị. “Phải có những con người độc lập và tự do như vậy” và “nếu một quốc gia như Việt Nam muốn tiến tới một nhà nước hợp hiến, thì chính quyền Hà Nội phải hứng chịu những lời chỉ trích từ chính người dân và báo chí tự do, để được dân chúng chấp nhận họ là một nhà nước”.
Dân biểu Künast nói tiếp: “Chúng ta phải đóng góp nỗ lực để bảo đảm rằng, Phạm Chí Dũng không bị đem ra làm tiền lệ. Vì những gì xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến ông ta, mà ảnh hưởng đến báo chí nói chung, như một bộ phận cấu thành của Tự do, và sẽ làm quyền tự do ngôn luận bị hạn chế thêm nữa”.
Nhận bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng cũng là một cách để dân biểu Künast gửi tín hiệu hy vọng đến các nhà báo khác đang bị áp lực trong nước: “Chính phủ Việt Nam cần biết: Chúng tôi quan sát rất kỹ những gì quý vị đang làm và chúng tôi sẽ kiên trì làm việc này”.
Sự lưu tâm của quốc hội Đức có thể khiến những người đang mang trách nhiệm giữ chừng mực khi hành động, và như vậy, hy vọng sẽ dần dần đưa đến những cải thiện. Phạm Chí Dũng và các nhà hoạt động nhân quyền khác phải được hưởng những điều kiện giam giữ đúng tiêu chuẩn (quốc tế), một phiên tòa công bằng dựa trên pháp quyền và được tha bổng sớm. Trong khuôn khổ hiến pháp, việc buộc tội “chỉ trích chính phủ” không thể được chứng minh là một tội hình sự.
Phạm Chí Dũng đấu tranh cho nhân quyền
Trong các bài báo của mình, ông Phạm Chí Dũng đã liên tục lên tiếng cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội cũng như tự do nghiệp đoàn. Và gần đây nhất, ông đã đưa ra những lời chỉ trích trong thời gian Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam đang thành hình.
Nhiều lần ông cũng đã kêu gọi Nghị viện Âu châu tạm không phê chuẩn hiệp định này cho tới khi tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt và tất cả các tù nhân chính trị được trả tự do. Trường hợp của nhà báo này là đại diện cho hoàn cảnh của rất nhiều nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Đã bị giam giữ một năm
Ngay cả trước khi Phạm chí Dũng chỉ trích Hiệp định Thương mại, Cơ quan An ninh Việt Nam đã tìm cách đe dọa ông. Một năm trước, vào tháng 11 năm 2019, ông Dũng bị công an bắt, cho tới nay vẫn bị tạm giam ở thành phố Hồ Chí Minh để điều tra. Ông bị Viện Kiểm sát buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Theo tổ chức nhân quyền Veto! ông Dũng có thể phải đối mặt với mức án tù lên tới 20 năm.
Từ khi bị bắt, ông Dũng không được liên lạc với gia đình và hầu như không liên lạc với cả luật sư của mình. Trong thời gian qua, ba thành viên hàng đầu khác của Hội Nhà báo Độc lập (IJAVN) cũng đã bị bắt.
DB Künast đặt nghi vấn “Việc bắt giam Phạm Chí Dũng kéo dài một năm có thể là một cách tạo tiền lệ. Giam giữ điều tra kéo dài mà không xét xử là một hình thức kỷ luật nặng mà chính quyền muốn dùng để đặt toàn bộ gia đình của người bị giam giữ dưới áp lực nặng nề”.
Điều kiện giam giữ tồi tệ
Hồi tháng hai, trong chuyến công tác của phái đoàn Dân biểu hữu nghị với ASEAN của Quốc hội Đức, DB Künast đã có cơ hội trực tiếp tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của các nhà báo và điều kiện giam giữ trong các nhà tù Việt Nam. “Nhiều trường hợp bị giam giữ khác nhau” đã được đưa ra bàn luận với phía chủ nhà (Việt Nam) và ngoài ra, các dân biểu đã tiếp xúc với gia đình của những người bị giam giữ.
Vợ của một tù nhân cho biết: “Điều kiện trong các trại giam rất tồi tệ, chế độ ăn uống khốn khổ, thuốc men thiếu thốn. Các gia đình phải tiết kiệm, vét chút tiền cuối cùng để mua thức ăn mang cho người thân tại trại giam, thường là rất xa nhà, trong khi mỗi lần thăm gặp chỉ khoảng nửa tiếng”. Ngay cả những dịp này giờ đây cũng không còn. Kể từ tháng 8, đại dịch Corona đã không cho phép việc thăm gặp và tiếp tế thức ăn.
Liên hệ với Đại sứ và chính phủ
Công việc của người bảo trợ trong chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu” đặt trọng tâm vào việc ủng hộ tinh thần người lâm nạn, nêu vấn đề trực tiếp với giới hữu trách trong chính phủ, tìm thêm những người ủng hộ và luôn luôn cập nhật tình hình tại chỗ.
DB Künast cũng cho biết đã có thể trao đổi thư với vợ của ông Phạm Chí Dũng qua sự giúp đỡ của tổ chức Veto! Trong thư, bà dân biểu đã xác nhận lời hứa giúp ông Phạm Chí Dũng và ngược lại, từ Việt Nam, vợ ông Dũng đã gửi tới DB Künast lòng biết ơn của mình.
DB Künast cho biết thêm, cách đây vài ngày, bà đã chính thức thông báo cho Đại sứ Việt Nam tại Đức, với tư cách dân biểu Quốc hội, bà đã nhận bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng trong khuôn khổ chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu”. “Tôi đã bày tỏ mối quan tâm của tôi với ông Đại sứ về cách đối xử của chính phủ ông với Phạm Chí Dũng và các nhà báo khác, và yêu cầu có một cuộc gặp mặt về vấn đề này”.
Trả tự do cho các nhà báo ngay lập tức và vô điều kiện
Với tư cách là chủ tịch Nhóm Dân biểu hữu nghị với ASEAN của Quốc hội Đức, DB Künast sẽ liên tục đối thoại với chính phủ Việt Nam và yêu cầu họ bỏ cáo buộc đối với ông Phạm Chí Dũng và ba thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, dừng các thủ tục pháp lý vừa đang bắt đầu, và trả tự do cho các nhà báo ngay lập tức và vô điều kiện.
“Chính phủ và các cơ quan chức năng ở Việt Nam cảm thấy họ đang bị quan sát khi chúng tôi quan tâm thăm hỏi”. DB Künast tin rằng, các biện pháp can thiệp của các dân biểu sẽ tùy trường hợp mà làm giảm thiểu hoặc thay đổi cách đối xử của phía Việt Nam. Bà chờ Bộ Ngoại giao Đức thông tin cập nhật về vụ việc. Vào thời điểm việc đi lại khó khăn vì đại dịch hiện nay, bà cũng sẽ yêu cầu đại sứ quán Đức tại Hà Nội đến thăm ông Phạm Chí Dũng trong tù và duy trì liên lạc bằng cách có mặt tại chỗ.
Gây áp lực từ mọi phía
Cùng với các dân biểu Quốc hội Âu châu, DB Künast cũng muốn kêu gọi Ủy ban EU đối mặt với các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bằng cách liên hệ với Việt Nam ở mức cao nhất. Nhiều dân biểu Nghị viện Âu châu đã ký một bản yêu cầu gửi tới Ủy ban, trong đó bày tỏ quan ngại về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. DB Künast nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi rõ ràng: chúng tôi không thỏa thuận thương mại với Việt Nam, trong khi có những vụ vi phạm nhân quyền nặng nề như vậy đang xảy ra”.
Sau cùng, DB Künast cũng sẽ viết thư cho các công ty tư nhân đang sản xuất tại Việt Nam, để “hỏi xem họ đã và đang làm gì để cải thiện điều kiện làm việc. Phải gây áp lực từ mọi phía và phải liên tục không cho phép những người có trách nhiệm được lơ là”. “Việt Nam mong muốn sự có mặt của các cơ sở sản xuất. Biết bao nhiêu người đang cần việc làm. Nhưng điều này phải được thực hiện trong những điều kiện có thể chấp nhận được”. Và quyền tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí nằm trong số những điều kiện này.
Nhiều công ty hiện đã nhận ra rằng họ phải cải thiện tình hình của người lao động để không bị giới truyền thông và người tiêu dùng đem ra mổ xẻ. Trách nhiệm xã hội cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường càng ngày càng trở thành một lập luận quảng cáo (hữu hiệu).
Ủng hộ Phạm chí Dũng là giúp cải thiện tình hình
Việc bảo trợ là một công việc dài hơi. “Phải được lên kế hoạch sao cho chúng ta có thể thường xuyên tiến tới các bước tiếp theo. Và đồng thời theo đuổi hai mục tiêu: một mặt cụ thể giúp đỡ một người để đạt được các điều kiện giam giữ tốt hơn và cuối cùng là đạt được sự trả tự do. Mặt khác là để cải thiện tình trạng pháp quyền trong nước”.
Theo DB Renate Künast, trọng tâm sự bảo trợ của bà là quảng bá ý tưởng về một nền báo chí tự do, độc lập, với các nhà báo tự do, độc lập, những người chỉ có trách nhiệm gìn giữ đạo đức nghề nghiệp và cẩn trọng trong công việc, mà không bị chính trị chỉ huy, đàn áp./.
#PhạmChíDũng #dânbiểuĐứcRenatekünast
Nguồn: Báo Tiếng Dân