Anh Hoàng – Việt Tân
Miền Trung Việt Nam đang hứng chịu trận lũ lịch sử, trải dài từ Quảng Nam đến Quảng Bình, dẫn đến hàng nghìn hộ gia đình mất nhà cửa, các tài sản như gia súc, đồ đạc, hoa màu đang bị lũ cuốn trôi. Trước tình cảnh đó, hàng chục nghệ sĩ tên tuổi trong nước đã đứng lên kêu gọi ủng hộ quyên góp để hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Trung vượt qua cơn bão lũ.
Điển hình như ca sĩ Thủy Tiên – vợ cựu cầu thủ Lê Công Vinh, đã kêu gọi quyên góp được hơn 100 tỷ đồng (tương đương 4,3 triệu Mỹ Kim) và nhất là đích thân đi vào miền Trung cùng với nhiều người khác để đến từng nhà đưa đồ ăn, và tiền hỗ trợ đến hộ gia đình đang gặp khó khăn trong mưa lũ. Tất cả đều được cô livestream ghi lại.
Ngoài ra, nhiều anh chị em nghệ sĩ khác cũng đã đứng ra kêu gọi và chuyển tiền đến nữ ca sĩ Thủy Tiên để hỗ trợ đồng bào miền Trung. Cụ thể, nam MC – diễn viên Trấn Thành đã quyên góp được 5,7 tỷ đồng. Anh công khai số tiền thu và đưa cho những ai, như chuyển 3 tỷ đồng cho diễn viên – MC Đại Nghĩa, 1 tỷ đồng chuyển cho cô Ngọc Hương – mẹ ruột ca sĩ Hồ Ngọc Hà, số còn lại chuyển ca sĩ Thủy Tiên, để mọi người đi cứu trợ.
Những số tiền quyên góp nói trên phải nói là đáng khích lệ khi sự kêu gọi chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Điều này cho thấy là những người ủng hộ tin tưởng vào tư cách của một số ca sĩ khi mọi thứ ủng hộ đều được công khai, minh bạch và biết được tiền đóng góp đến tận tay những người khó khăn.
Trong khi đó, những tổ chức của nhà nước như Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam thì không nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng! Lý do dễ hiểu là các tổ chức này đã và đang đánh mất đi niềm tin từ người dân, khi thông tin tài chính không hề minh bạch, nạn tham nhũng trục lợi trong các tổ chức xã hội này có thể nói là không bút mực nào tả xiết.
Hệ quả là các tổ chức xã hội được sự hậu thuẫn và hỗ trợ của chính quyền đang thiếu đi nguồn vốn để tiến hành những dự án mang lại giá trị lâu dài, bền vững cho người dân trong khi một số cá nhân nổi tiếng, có từ tâm lại dễ dàng huy động được nguồn vốn lớn nhưng họ không thể có kế hoạch dài hạn và nhân lực để hiện thực hóa nó.
Bài học rút ra từ sự trớ trêu nói trên chính là thiếu vắng một nền tảng hoạt động của các đoàn thể xã hội dân sự tại Việt Nam.
Vì lo sợ các đoàn thể xã hội dân sự cạnh tranh với đảng và nhà nước, và nhất là muốn kiểm soát mọi thứ theo kiểu “xin – cho” nên nhà cầm quyền đã cấm tất cả các đoàn thể xã hội dân sự không nằm trong khuôn khổ chỉ đạo của nhà nước.
Đơn cử cho sự ngăn cấm phi lý này là Nghị Định 64/2008/NĐ-CP do chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra vào năm 2008 chỉ cho phép các đoàn thể của nhà nước được nhận tiền cứu trợ còn những cá nhân hay đoàn thể không nằm trong quy định của nhà nước thì không được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cửu trợ. Nói một cách khác là những việc quyên góp và đi cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành,… là “vi phạm luật lệ” do làm trái Nghị Định 64!
Rõ ràng là khi thiên tai hay khủng hoảng xảy ra, một mình nhà nước và những tổ chức liên hệ không thể lo xuể mà cần sự chung tay đóng góp và hỗ trợ của mọi người, mọi đoàn thể để không chỉ giúp đỡ các nạn nhân mà còn tạo sự cảm thông chung giữa những người ủng hộ và những người bị nạn. Đó chính là nhu cầu ra đời của các đoàn thể xã hội dân sự và chính quyền phải có bổn phận tạo cơ hội để những đoàn thể này hoạt động hiệu quả, chứ không phải cấm đoán như Nghị Định 64.
Nói tóm lại, Việt Nam muốn phát triển bền vững, xã hội hài hòa thì phải nhanh chóng thiết định nền tảng xã hội dân sự, để mọi người được tự do đóng góp bằng công sức, tiền bạc như cô ca sĩ Thủy Tiên đang làm để vận động lòng từ tâm của xã hội và trực tiếp xoa dịu những mất mát của các nạn nhân lũ lụt.
Anh Hoàng