Phiếm luận
Hơn mười ngày qua, ông Chủ tịch xã N…tỉnh Q…như người chết trôi, đã vậy ngày nào ông cũng bị bà vợ cho ăn chửi. Mà cái miệng bà độc địa lắm, đã chửi ai là nó cứ như xát muối vào lòng, muốn quên đi cũng không quên được. Thậm chí, có lúc ông đã nghĩ đến chuyện tự tử cho sạch nợ trần gian.
Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Lúc nghe tin sắp có bão cộng với mưa to đổ bộ vào vùng biển miền trung, ông mừng khấp khởi. Hôm nào ông cũng nhắc vợ đi chợ mua trái cây về thắp hương khấn vái cho bão thổi ngay vào địa phương của ông. Còn ông, suốt ngày ngồi uống rượu ở nhà đồng chí bí thư xã để cùng nhau bàn bạc và làm báo cáo sẳn về con số thiệt hại của xã. Uống càng nhiều thì con số thiệt hại càng lớn. Cơn bão vẫn còn ở xa tít ngoài biển Đông mà bản kê khai thiệt hại của xã ông đã lên tới mấy chục tỷ, đến nỗi ông Bí thư phải nói “Thôi, mai ta ngưng uống nhá. Tham quá có mà tù. Cứ để chờ xem cơn bão nó đến thế nào đã“.
Không cần phải chờ lâu. Đã bảo cái mồm của vợ ông rất độc địa. Khấn thế nào được thế đó. Bão đánh trúng ngay vào tỉnh của ông trên diện rộng, cộng với các đập thuỷ điện cóc xã lũ ồ ạt, khiến cho toàn xã của ông bị nhận chìm trong biển nước. Tiếng than khóc ai oán vang lên khắp nơi. Nhà ông thuộc loại bề thế nhất nhì xã cũng ngập nặng. Các loại bàn ghế, tủ li, tủ thờ toàn bằng gỗ quý trôi vật vờ ở tầng dưới, còn ở tầng trên, vợ ông tiếc của, ngồi vắt chân chữ ngũ, chửi ông xa xả về cái tội đã xúi bà cầu khẩn trời phật cho có bão: “Thế chừ mi đã biết cái dại của mi chưa“. “tau cho mi ăn cơm mà răng mi dại rứa“.
Đã thế, dân chúng năm nay hình như khôn hơn mọi năm. Họ đếch đóng tiền cứu trợ nạn lụt thông qua các cơ quan, tổ chức nhà nước nữa, thay vào đó họ gửi cho các cá nhân làm từ thiện mà họ tin tưởng, khiến cho ông và ban lãnh đạo xã đói meo, không kiếm chác được gì. Hôm nào vác mặt về nhà cũng nghe vợ chửi, riết rồi ông sợ, chiều tối không dám về mà cứ chèo xuồng lang thang vô định như người của cõi âm.
Đang sống vất vưởng như chó, bổng dưng tin vui bay đến tới tấp: Các bố lãnh đạo ở trên tranh ăn với cô ca sĩ gì đó bèn lôi cái nghị định 64, xưa như trái đất ra, để cấm không được tự ý đi cứu trợ, buộc phải qua tay nhà nước. Rồi trên huyện nương theo đà, cấp tốc ra công văn về việc các cá nhân hay tổ chức tư nhân đều phải thông qua UBND xã, thị trấn trong việc phân phối hàng cứu trợ.
Các quy định đáng giá ngàn vàng này đã đem lại sức sống cho toàn ban lãnh đạo xã. Ai cũng cảm thấy mình mạnh mẻ như những con sói vùng Ca-ri-bê. Các ông chúi đầu vào bàn bạc và nhất trí với nhau: Hàng hoá sẽ cho đi một phần tư để trình diễn cho có, ba phần tư giữ lại đem bán lấy tiền chia nhau. Còn tiền mặt, phát cho dân lúc đó nhưng sẽ cử người thu lại ngay theo tiêu chí cứ phát 500 ngàn thì thu lại 400 ngàn, đứa nào kêu ca cho lên công an xã ngủ với muỗi vài đêm là tự khắc im mồm.
Tan cuộc họp, ông Chủ tịch xã chèo xuồng nhoay nhoáy về báo tin vui cho vợ. Lần đầu tiên trong hơn mười ngày qua, vợ ông nở nụ cười với ông và hỏi “ăn gì chưa?”. Quá cảm động, ông đáp “Ơn bác, ơn đảng, mấy ngày nay tôi chưa ăn gì hết“. Vợ ông bảo “Để dọn cơm. Mà nhắm chuyến này kiếm khá không?” Ông cười hồn nhiên “Đương nhiên rồi, mà nếu trời thương kéo dài bão lụt thêm vài tháng nữa, có khi dư tiền để tôi và bà đi nghỉ dưỡng một chuyến ở Singapore. Nói chung, nhờ ơn đảng tôi đã sống lại rồi vợ ơi…”
Khi ông nói câu này thì vang vọng từ xa về, lời kêu cứu não lòng ngày nào của một người đàn ông mất vợ trong cơn bão lũ: “Trời ơi, nước ơi, xin đừng bắt mất vợ tôi, hãy trả vợ tôi về cho tôi, Trời ơi, nước ơi”./.
Loc Duong