Những ngày qua, cả khu miền Trung đất nước đã lại tiếp tục một giai điệu cũ của bản nhạc buồn hàng năm: Lũ lụt.
Trận lụt năm nay, lại tiếp tục được tặng “danh hiệu” lũ lụt lịch sử, cái danh hiệu mà chẳng ai muốn có, chẳng ai muốn đến khi đối diện với thiên tai. Chỉ hơn 1 tuần qua, những trận lũ lụt đã làm cho hơn 40 người thiệt mạng và mất tích.
Những hình ảnh ngập lụt toàn phần ở những vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã tràn ngập mạng xã hội. Những câu chuyện về người phụ nữ sinh con trong nước lũ và nước cuốn đi mất, người chồng quỳ khóc giữa biển nước là những hình ảnh gây xúc động.
Và cứ như thường lệ, những lời kêu gọi cứu trợ, giúp đỡ người dân vùng lụt lại tiếp tục được đưa lên báo chí và mạng xã hội.
Trong số các thông tin về hậu quả của lũ lụt đó, một thông tin khá “lạ” làm chấn động mạng xã hội: Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu quốc hội khóa 14, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14, gồm 21 người đi kiểm tra vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, thì bị núi sạt và lấp cả một trạm kiểm lâm nơi ông đang ngủ qua đêm cùng đồng đội. Một ngọn núi cao 100 mét gần trạm kiểm lâm đã sạt lở ban đêm và vùi lấp toàn bộ ngôi nhà cùng với những người đang ngủ trong đó.
Ngoài thiếu tướng Man, đoàn còn có Chủ tịch UBND Huyện Phong Điền cùng với các Phó, Trưởng phòng tham mưu lữ đoàn và của Quân Khu 4.
Cả đoàn chỉ thoát ra ngoài được 8 người nhờ sự may mắn, còn lại 13 người bị vùi lấp.
Trước những tin dữ, đau thương mất mát do bão lụt mà nạn nhân là những người dân vùng lũ luôn được sự quan tâm, chia sẻ và thương cảm, thì những thông tin về đoàn cán bộ, quan chức nhà nước bị nạn khi đi cứu hộ tại đây đã gây nhiều lời dị nghị, suy diễn cũng như những ý kiến ngược chiều trên mạng xã hội.
Những nghi ngờ được đặt ra
Trước hết, người dân đặt câu hỏi: Tại sao một đoàn cán bộ đi cứu trợ bão lụt mà đa số trong đó là quan chức? Điều này làm người ta thấy rất lạ. Bởi xưa nay, như đã thành lệ, những nơi khó khăn, gian khổ và nguy hiểm là nơi dành cho người dân, lính tráng, còn quan chức rất hiếm gặp ở những nơi nguy hiểm.
Một facebooker cho biết:
Khi chưa xây thủy điện thì nơi đây là một khu rừng tuyệt đẹp với những khu rừng rậm nguyên sinh và những con suối hiền hòa. Rào Trăng còn gọi là Sông Rào Trăng, Khe Bùn là phụ lưu của sông Bồ, chảy ở huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên – Huế . Rào Trăng thuộc hệ thống Sông Hương. Sông có chiều dài khoảng 26 km.
Từ năm 2019, trong một đoạn thượng nguồn chưa đầy 30km thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có tới 4 cái thủy điện công suất nhỏ đã hoàn thành.
1. Thủy điện A Lin B1
2. Thủy điện A Lin B2
3. Thủy điện Rào Trăng 3
4. Thủy điện Rào Trăng 4
Trong đó có 3 dự án Bộ công thương cấp phép, 1 dự án do UBND tỉnh cấp phép. Đây là những dự án nằm trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Các công trình thủy điện đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sinh thái, tài nguyên rừng và nhiều diện tích rừng buộc phải chuyển đổi mục đích. Các con đập đã làm thay đổi môi trường từ thượng nguồn đến cả hạ lưu Sông Hương. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng : Trong phạm vi hẹp chưa đến 30 km mà có tới 4 đập thủy điện, có nhiều hồ chứa nước lớn trên cao, những rừng cây nguyên sinh bị đốn hạ có thể dễ gây ra nhũn đất ở mùa mưa nên dễ xảy ra sụt lở lớn.
Một facebooker đưa ra suy nghĩ như sau: “Tại sao đoàn cán bộ này lại hấp tấp đi vào vùng rừng núi đang lũ và sạt lở như vậy? Theo lẽ thường, các cán bộ đảng – nhà nước và các sĩ quan cấp tá trở lên đã rất sợ chết, không dám để tay chân dính mưa hay bùn đất, nói gì đến chuyện cả đàn kéo nhau đi vào rừng mưa đang sạt lở”?. “Làm sao các quan chức đầu huyện, đầu tỉnh, sĩ quan to nhất tỉnh, đứng đầu quân khu lại cấp tập băng rừng “cứu hộ” như vậy? Lính và sĩ quan cấp cả đống, họ khỏe hơn, nhanh hơn và sẽ vượt địa hình”.
Thế rồi, người ta đặt câu hỏi: Đằng sau việc Thủy điện Rào Trăng 3 cùng với các Thủy điện khác được cấp phép giữa rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ kia có vấn đề gì để các cán bộ quan tâm đến vậy?
Và liệu có mối quan hệ nào giữa những cán bộ này và các dự án kia về lợi ích hay không?
Điều mà ai cũng biết, là để được cấp dự án vào những khu vực này, hẳn nhiên chủ đầu tư phải có vai vế, thần thế vượt qua được những cửa ải vô cùng khó khăn của hệ thống hành chính Việt Nam tại các địa phương. Một hệ thống mà người dân đã gọi rằng đó là hệ thống “Hành là chính”.
Người ta cũng lưu ý rằng: Các dự án thủy điện ngoài bán điện còn có thể bán rừng, bán gỗ và đặc biệt là bán khoáng sản như vàng và các kim loại quý. Khi xây dựng, nạo vét các con sông, lượng vàng kiếm được nhiều hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 là vùng có vàng và nhiều kim loại quý, xin hãy xem và tìm hiểu về các vùng khoáng sản, “mạch vàng” của Việt Nam sẽ rõ.
Và đây là điều người dân khẳng định chắc chắn: Làm sao thủy điện được cấp phép dễ dàng giữa rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ như vậy nếu nhà máy đó không phải của các sĩ quan và cán bộ, đảng viên?
Khi báo chí đưa những hình ảnh về người thân, về những người hàng xóm chờ đón tin tức của vị tướng này tại quê nhà, thì cư dân mạng lại lần nữa “soi” gia thế của vị tướng. Rằng bộ ghế ngồi bằng gỗ quý, căn nhà với hệ thống cổng như biệt phủ kia, lấy tiền đâu ra… nếu không có những nguồn tiền ngoài lương bổng và chế độ của quân đội?
Và như có một sự suy diễn ngầm rằng có thể vị tướng này cũng như các quan chức kia có mối quan hệ mật thiết đến quyền lợi tại khu vực thủy điện giữa rừng nguyên sinh này.
Vụ việc làm nóng trên mạng xã hội với những nghi ngờ, dù người chết vẫn chưa được đưa về tận nơi. Điều mà người ta thường kiêng giữ nhất là phán xét họ khi đã chết, nhất là chết vì những việc nghĩa. Nhưng ở đây sự việc vẫn được mạng xã hội xới tung lên với vô vàn lời bình phẩm nhiều chiều. Hẳn nhiên là ngược chiều với những điều mà hệ thống tuyên giáo muốn hướng dẫn.
Thế rồi, trên mạng xuất hiện một thông tin của một người tự nhận là quen biết nạn nhân là ông tướng Nguyễn Văn Man này rằng:
Thực ra, những tin đồn về sự liên quan của ông tướng này với thủy điện tại vùng này là vô căn cứ. Bởi những người quen biết đều xác định những thủy điện kia không liên quan đến ông tướng Nguyễn Văn Man. Ngược lại, ông là người năng nổ và cùng đồng hành với người dân không chỉ trong việc cứu trợ lũ lụt lần này, mà là cả những vụ việc trước đây khi lũ lụt đổ vào khu vực Miền Trung trước đây.
Đồng thời nguồn tin này cũng xác định rằng: Cơ ngơi, nhà cửa của ông tướng này chẳng có gì nhiều ngoài khu nhà ở gia đình để lại vì ông được hưởng do ông là con út trong gia đình.
Vì sao dân nghi ngờ?
Có thể nói rằng, với người dân Việt Nam, khi một người thật sự hy sinh vì cộng đồng, vì nghĩa lớn, vì mọi người, họ luôn nhận được sự kính trọng, thương cảm và quý mến của cộng đồng người dân khắp nơi.
Thế nhưng, trong trường hợp này và những trường hợp tương tự, kể cả khi những thông tin về tướng Man là người thật sự hy sinh vì công việc cách vô tư và trong sáng nhất là đúng, thì người dân vẫn cứ tỏ ra nghi ngờ và… khó tin.
Sự nghi ngờ này, có thể là không đáng có, bởi trong vô vàn cán bộ vô cảm, vô trách nhiệm với người dân thì biết đâu cũng có thể còn có những người cán bộ tận tụy với công việc và có tấm lòng với người dân thật sự.
Nhưng người dân vẫn không hết nghi ngờ.
Vì sao vậy?
Việc đặt ra sự nghi ngờ này là điều không lạ, nhất là những việc cứu hộ, cứu nạn và những vụ việc chỉ liên quan đến đời sống người dân.
Bởi sự vô cảm ngày càng lớn trong xã hội nói chung và hệ thống công quyền, lớn đến mức người dân chẳng trông chờ gì vào những sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, chính quyền và quan chức.
Chính vì vậy, khi có một người, một cán bộ nào đó nhiệt tình, thương dân hoặc có những việc làm tự giác giúp đỡ người dân, dù trong trách nhiệm của mình, thì cũng đã trở thành điều lạ trong xã hội Việt Nam.
Người ta thấy, khi có những hình ảnh cảnh sát giao thông dắt cụ già qua đường, cán bộ, bộ đội cứu người dân trong lũ lụt thì ngay sau đó, người ta lôi ra được hậu trường những bức ảnh đó, hoặc là ảnh giả, hoặc là dàn dựng.
Người ta cũng đã chứng kiến nhiều, những hiện tượng Lý Thông trong hệ thống công an Việt Nam, khi họ cướp công ngang nhiên của những người dân làm việc tốt. Vụ việc cứu cháu bé bị vứt bỏ giữa khe tường ở Gia Lâm vừa qua là ví dụ mới nhất.
Người dân thấy rằng, thậm chí có những việc hết sức bình thường thuộc trách nhiệm của lực lượng công quyền, như công an bắt cướp, bắt một vụ trộm nào đó, thì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của công an khi ăn lương phải làm. Thế nhưng ngay lập tức đã được tung hô, thưởng nóng thưởng nguội… cứ như họ làm ơn cho dân vậy.
Người ta đã thấy khi ngư dân bị bắt nạt trên biển bởi Trung Quốc, lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng hoàn toàn không có mặt. Họ chỉ có mặt khi trao cờ cho “ngư dân bám biển giữ chủ quyền” và để mặc họ đối diện với sóng dữ và giặc hung hăng.
Người ta đã thấy khi người dân khắp nơi lụt lội, những cuộc quyên góp, cứu trợ được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước hàng năm đều bị mổ xẻ ra đằng sau đó những điều khuất tất và người dân phẫn nộ nhất là bị ăn chặn, bị bớt xén bởi các cán bộ, quan chức nhà nước.
Người ta cũng đã thấy, khi bão lụt, thiên tai đến, là cơ hội cho quan chức các địa phương báo cáo thiệt hại để qua đó kiếm được mớ tiền đút túi. Vụ việc ở Thanh Hóa mấy năm trước, bản kê khai hậu quả lũ lụt được lập chi tiết trước khi bão vào là một minh chứng.
Đặc biệt, khi cả hệ thống chính trị Việt Nam những ngày qua, đã phản ánh một điều rất rõ ràng rằng: Cả hệ thống chỉ lo cho việc chia ghế, chia bàn, đánh đấm nhau xâu xé quyền lực, còn đời sống người dân, cơ đồ đất nước không là vấn đề họ quan tâm.
Khi bão lụt đã giết chết hơn 40 người, nhưng Chủ tịch nước vẫn cứ chỉ nhăm nhăm vào việc chia chác quyền lực, khắp các tỉnh vẫn tưng bừng chi tiền cho hòa hòe, cờ quạt, tượng đài, quà biếu và đủ thứ với hàng chục ngàn tỷ tiền dân cho các cái gọi là “Đại hội đảng” mà coi như không biết người dân đang chết ngâm da mục xương nơi bão lụt.
Đã vậy, trong khi chi tiền như đốt rác cho các đại hội đảng, thì hệ thống tuyên giáo, đảng lại bắt đầu bài ca kêu gọi người dân móc những đồng cắc cuối cùng cho việc tự cứu trợ lẫn nhau.
Do vậy, khi một viên tướng, Phó Tư lệnh quân khu ban đêm bị sập núi đè lấp với đoàn cán bộ to với lý do đi khảo sát bão lụt, đã làm dậy lên sự nghi ngờ trong công luận. Bởi vì điều tốt đẹp, thật sự khó diễn ra trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt là với quan chức cộng sản, việc có những hành động tốt đẹp là sự lạ lùng.
Tạm kết
Thật ra, có thể vẫn có những quan chức có một thời là quan chức cộng sản nhưng đến một lúc nào đó, họ có những việc làm tốt đẹp thật sự vì lợi ích của người dân do chính lương tâm họ mong muốn.
Nhưng, người dân vẫn khó tin, khó yên tâm với những hiện tượng đó.
Việc ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch Quận 1, Sài Gòn, về mua xe chở bệnh nhân miễn phí gần dây là một thí dụ cụ thể.
Rõ ràng, hành động của ông hôm nay là tốt đẹp, là đáng quý. Vậy nhưng người dân vẫn cứ nghi ngờ và soi xét nhiều khi chưa hẳn đã thiện chí.
Nguyên nhân, chỉ vì ông ta đã là quan chức cộng sản, chỉ vì lòng tin của người dân, của xã hội đã quá cạn kiệt ở hệ thống chính trị, mà đại diện cho nó là hệ thống quan chức ngày nay.
Khi lòng tin đã cạn kiệt, thì mọi điều hết sức khó khăn phát triển trong xã hội, dù đó là điều tốt.
Ngày 15/10/2020