Câu hỏi từ một học sinh lớp Tám: Làm gì để hàn gắn quốc gia?

- Quảng Cáo -

Đinh Yên Thảo – VOA

Câu chuyện chính trường và mùa bầu cử năm nay đã thu hút sự chú ý không chỉ từ cử tri nói chung mà đến cả những thanh thiếu niên, chưa đủ tuổi hay vừa đến tuổi bỏ phiếu lần đầu. Một câu hỏi trích từ luận văn của một học sinh lớp Tám tại Utah được Ủy Ban Tranh Luận Tổng Thống chọn làm một trong những câu hỏi đến các ứng viên phó tổng thống đã thu hút sự chú ý của người dân cùng giới truyền thông ở bình diện quốc gia. Em đã viết gì?

Trước cuộc tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống là Phó Tổng Thống Mike Pence cùng Thượng Nghị Sĩ Kamala Haris vào tối thứ Tư ngày 08 tháng 10 năm 2020 vừa được tổ chức tại thành phố Salt Lake City thuộc tiểu bang Utah hồi tuần trước, Ban Tranh Luận Utah đã phối hợp cùng Bộ Giáo Dục tiểu bang Utah và hãng Lucid Software để tổ chức một cuộc thi viết luận văn trên toàn tiểu bang.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện lịch sử và mang tầm mức quốc gia được tổ chức nơi đây nên đã thu hút sự quan tâm của mọi giới tại tiểu bang này. Đã có hơn 700 học sinh từ mẫu giáo đến cấp đại học đã dự thi viết tiểu luận này với thể lệ đơn giản và ngắn gọn rằng, tiểu luận không quá 300 từ để trả lời câu hỏi rằng: “Nếu bạn có thể hỏi các ứng viên phó tổng thống một câu hỏi, bạn sẽ hỏi gì và tại sao?”

- Quảng Cáo -

Các bài luận văn dự thi được ủy ban Tranh Luận Utah cùng một số giáo sư Đại Học Utah và giáo viên trên toàn tiểu bang đánh giá và chấm điểm. Chúng được công bố với sự chỉnh sửa ở mức tối thiểu để giữ tính nguyên bản cùng ý kiến các em.

Kết quả đã thuộc về một nữ sinh lớp Tám tại trường Springville Junior High là Brecklynn Brown. Dưới đây là luận văn thắng giải của em và đã được ban tranh luận tổng thống chọn để đặt câu hỏi cho hai ứng viên.

“Khi em xem tin tức, tất cả những gì em thấy là cãi nhau giữa đảng Dân Chủ và Cộng hòa. Khi em xem tin tức, tất cả những gì em thấy là công dân chống lại công dân. Khi em xem tin tức, tất cả những gì em thấy là hai ứng viên của đảng đối lập đang gắng sức hạ bệ nhau. Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta không thể hòa thuận, thì làm sao các công dân có thể hòa thuận? (Chú: Đây là đoạn được trích để làm câu hỏi cho cuộc tranh luận phó tổng thống)

Thủ đô của quốc gia chúng ta đang là một tấm gương kém cõi về sự đoàn kết và tôn trọng nhau. Bất kể chúng ta là ai và đại diện cho điều gì, chúng ta đều muốn được lắng nghe và đều muốn được thừa nhận nhưng không ai muốn lắng nghe hoặc hiểu người phía bên kia chiến tuyến.

Sẽ không có gì thay đổi cho đến khi ai đó phá vỡ xu hướng tranh cãi và giận dữ này. Mỗi công dân chịu trách nhiệm và có quyền tự quyết của mình để không cho phép quốc gia chúng ta bị chia rẽ bởi những ý kiến khác biệt. Các khuôn mẫu của quý vị đã có thể tạo ra tất cả sự khác biệt để đưa chúng ta đến với nhau. Nhiệm kỳ tổng thống của quý vị sẽ làm thế nào để đoàn kết và hàn gắn quốc gia chúng ta?”. (ĐYT dịch)

Quả là một luận văn và câu hỏi tuyệt vời từ một học sinh lớp Tám. Câu hỏi của em được nữ ký giả Susan Page là người điều hợp chương trình trích ra đã thể hiện phần nào một thực tế và không khí chính trị căng thẳng của quốc gia khi cuộc tranh luận hai bên từ các chính khách xuống đến người dân đã tỏ ra đầy phân cực và dữ dội.

Phó tổng thống Mike Pence đã trả lời trước rằng, “Tại nước Mỹ này, chúng ta tin vào một cuộc tranh luận trao đổi tự do và cởi mở và chúng tôi tôn vinh điều này. Đó là cách chúng ta đã tạo ra một quốc gia tự do và thịnh vượng nhất trên thế giới”. Ông đã nhắc lại câu chuyện tình bạn thân thiết giữa hai thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là thẩm phán cấp tiến Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời đôi tuần trước và thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia, cũng đã qua đời.

Cả hai người từng là đồng nghiệp ở tòa phúc thẩm liên bang trước khi được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện. Họ đã từng tranh cãi quyết liệt dựa trên quan điểm pháp lý mà họ diễn dịch từ hiến pháp và luật pháp trong vô số phiên tòa cùng các vụ phân xử khác nhau. Tuy nhiên ngoài đời họ là đôi bạn tri kỷ được đã được người ta nhắc đến khá nhiều và xem như mẫu mực cho sự khác biệt ý kiến cùng quan điểm nhưng vẫn không phá hủy được mối quan hệ cá nhân.

Thượng Nghị Sĩ Harris thì trả lời rằng, “Brecklynn, khi tôi nghe những lời của em, tôi biết tương lai của chúng ta sẽ rất tươi sáng. Nó sẽ vậy bởi tinh thần lãnh đạo của em và sẽ vậy vì chúng ta tranh đấu cho tiếng nói mỗi người qua lá phiếu của mình…”.

Tên và câu hỏi của Brecklynn đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội và đại diện nha học chánh nơi em theo học cho biết rằng đang làm việc trước các cơ quan truyền thông quốc gia về việc mời em lên truyền hình hay trả lời các cuộc phỏng vấn. Bởi điều em đặt ra sẽ là một thách thức và cần là điều mà bất cứ ai sẽ là tổng thống nước Mỹ trong bốn năm tới cần nhìn tới và giải quyết.

Trả lời chương trình Good Morning America, Brecklynn nói rằng, “Em rất mừng là câu hỏi có ý nghĩa rất lớn với riêng em cũng là ý nghĩa lớn với nhiều người dân Mỹ. Khi tụi em có những trao đổi về nhiều vấn đề quốc gia trong giờ học lịch sử, em nhận ra sự quan trọng của việc lắng nghe và tôn trọng nhau. Em hy vọng tất cả chúng ta sẽ cố gắng thông hiểu người khác hơn và đó là điều chúng ta có thể làm về phần mình để hàn gắn quốc gia”.

Câu chuyện của Brecklynn Brown đại diện một giới trẻ thật sự quan tâm đến quốc gia và cho phép người dân tin vào một tương lai tươi sáng của nước Mỹ với một thế hệ trẻ năng động, có tinh thần lãnh đạo và luôn nhắm đến sự đoàn kết và phát triển quốc gia trên tinh thần thông hiểu.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here