Bộ Giáo Dục cần xem xét nghiêm túc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

- Quảng Cáo -

Người viết: Anh Hoàng – Trang Vũ

Năm nay, bộ giáo dục lại cải cách sách giáo khoa lớp 1, và lại nổi lên những vấn đề khó thể chấp nhận được. Đáng chú ý nhất, trong bộ sách này là sách dạy Tiếng Việt cho các em học sinh. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh nội dung rất dễ gây hiểu lầm.

Cụ thể, trong trang sách có ba nhân vật là bà – bé Hà – bé Lê. Theo như ảnh thì Hà là chị của bé Lê, cậu bé vừa tỉnh dậy ngồi trên giường. Ở bức hình thứ nhất khi Hà bị ho, cô bé đã với bà rằng: “Hà ho, bà ạ”. Nhưng thay vì chăm sóc Hà thì ở bức hình 2, bà lại ra dỗ cậu bé trên giường và nói: “Để bà bế bé Lê đã”.

- Quảng Cáo -

Toàn bộ bài tập đọc “Bé Hà, bé Lê” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (Ảnh chụp màn hình)

Tiếp tục ở bức hình 3, bé Hà là người duy nhất chạy ra chào: “A, ba! Ba bế Hà!” thì người bố liền ôm lấy cả 2 chị em và nói: “Ba bế cả Hà, cả bé Lê”.

Nhiều cha mẹ chia sẻ nội dung câu chuyện không phù hợp khi cả bà và bố đều dành tình cảm phần nhiều cho cậu em trai – bé Lê hơn. Một số phụ huynh cho rằng bản thân hiểu ý nghĩa của câu chuyện là nói về sự quan tâm và nhường nhịn anh chị em trong gia đình, tuy nhiên với nội dung chuyện ở bức hình 1-2 mà để học trò lớp 1 tự đọc thì rất dễ gây ra hiểu lầm.

Tương tự, trong bài Hai con ngựa cũng được phụ huynh phản ánh về việc nội dung không phù hợp khi chú ngựa ô cho rằng “có lý lắm” để nói về việc chú ngựa tía trốn việc nhà bằng cách “chủ nhà mà giục em làm, em sẽ trốn”.

Học sinh lớp 1 như một trang giấy trắng rất dễ tiếp thu những cái mới nhưng còn chưa đủ khả năng để phân biệt đúng sai. Các câu chuyện trong sách giáo khoa cần đơn giản và nói đúng về nội dung bài học hướng đến, không nên đề cập đến những thói hư tật xấu của con người bằng những câu truyện ngụ ngôn khi khả năng tư duy phản biện ở trẻ là chưa hề có. Những vấn đề trên chứng tỏ bộ sách trong quá trình thực hiện đã thiếu sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý, giáo dục, bộ sách cũng chưa được thí điểm đánh giá một cách đầy đủ đã tung ra thị trường.

Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, họ gặp rất nhiều khó khăn khi dạy con đọc thành tiếng một số bài tập ở sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều.

Chị Mai Loan (Hà Nội) có con đang học lớp 1 cho biết, khi chị dạy cho con tập đọc một số bài trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Bộ Cánh Diều thì cảm thấy nó trúc trắc, trục trặc – mà như lời con nói là “méo cả mồm”.

“Nội dung thì như những câu chuyện tầm phào, vu vơ, không hề đem đến cho người đọc xúc cảm về cái đẹp ngôn từ cũng như nội dung”, chị Loan phân tích thêm.

Còn chị Hồng Diễm (Cao Bằng) nói rằng, mới vào đầu năm mà học sinh lớp 1 phải đọc những câu như “cá đẻ ở hồ, gà đẻ ở bờ đê” – líu cả lưỡi, rồi còn bắt trẻ nối chữ với hình ảnh.

“Tôi thật sự khó hiểu. Sách dạy trẻ đọc cả “lồ ô” trong khi người lớn chắc gì biết loại cây này”, chị Diễm nói thêm.

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở Việt Nam, trẻ em cần học tốt tiếng mẹ đẻ, nhưng nó là một quá trình dài tích lũy không ngừng. Việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho trẻ, đòi hỏi yêu cầu quá cao ở trẻ sẽ gây hại đến sự phát triển về mặt tâm lý cho trẻ. Khi các em học sinh phải học với kiến thức quá nặng và áp lực từ nhiều phía về thành tích của bố mẹ, thầy cô và sự so sánh hơn kém giữa bạn bè trong lớp học.

Sự thay đổi liên tục và đột ngột của bộ sách giáo khoa lớp 1 nói chung và môn tiếng Việt nói riêng đang không mang lại kết quả tốt, khi còn quá vội vàng để thay đổi và thiếu đi tính định hướng và kiểm soát chất lượng về nội dung của cuốn sách. Bộ giáo dục cần sớm thay đổi, nếu không sẽ gây ra những hệ lụy to lớn cho một thế hệ trẻ vì chất lượng bộ sách chưa tốt./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here