Chụp mũ ngược để bịt mồm không là trò mới mẻ của quyền lực. Phàm một cái sai bị dư luận phẫn nộ thì kẻ cầm quyền sẽ chống chế, hoặc cho một cá nhân nào đó giơ đầu chịu báng, hoặc chụp mũ ngược để bịt mồm dư luận.
VTV là tiếng nói của quyền lực, vì đó là truyền thông đại diện cho nhà nước, dù có mạo xưng là truyền thông đại chúng.
Việc cho BTV Anh Quang lên mạng cáo lỗi với biện bạch rằng do nói nhịu, rằng đó chỉ là lỗi cá nhân là cách thứ nhất VTV đang làm. Cách này giải thoát những lãnh đạo của VTV ra khỏi trách nhiệm.
Quan điểm của tôi: hoàn toàn chấp nhận thứ lỗi cho BTV Anh Quang. Bởi vì đối chiếu với bản tin gốc ngày 15/8/2020, anh ta đã lỡ thêm từ “trùng” vào cụm từ “sống ký sinh” (bản tin phát lại ngày 17/8/2020). Có thể xem đó là nói nhịu, vì từ “ký sinh” đối với những người ít học, thiếu hiểu biết thường quen mồm gắn với từ “trùng”. Ít học, thiếu hiểu biết mà làm BTV một chương trình khó thì mắc tai nạn nghề nghiệp là một tất yếu. Giống như không biết bơi mà bơi chỗ nước sâu vậy. Đã vậy thì hãy cứu anh ta khỏi chết đuối!
Nhưng dẫu có dí BTV Anh Quang vào thế giơ đầu chịu báng thì lãnh đạo VTV cũng không thể thoát trách nhiệm. Bởi không có từ “trùng”, chỉ cần nói dân bán hàng rong “sống ký sinh” thì mức độ miệt thị còn tệ hại hơn. Vì cụm từ “sống ký sinh” sẽ mang nghĩa rộng hơn, ngoài bao hàm các loại vi trùng hay côn trùng, nó còn bao hàm luôn tất cả các loài vật ký sinh khác nhau. Đã ký sinh thì đều là loài ăn bám trên thân xác kẻ khác, kể cả loại ăn bám bẩn thỉu nhất. Xem ra BTV Anh Quang, do nhịu mà đã giảm nhẹ mức độ miệt thị của bản tin gốc.
Nên nhớ, nếu đối chiếu hai bản tin thì rõ ràng cả hai BTV đọc theo văn bản đã viết sẵn chứ không phải ngẫu hứng.
Tôi không biết tên BTV (có mái tóc dựng ngược) phát thanh trong bản gốc ngày 15/8/2020 là gì, mà cũng không cần biết, vì có thể tha thứ luôn cho anh ta. Xét đến cùng, BTV cũng chỉ là công cụ của quyền lực, bảo sao thì làm vậy. Bằng chứng, lãnh đạo VTV bảo anh ta phát “những gánh hàng rong vốn được xem là SỐNG KÍ SINH trên các con phố này” không có lỗi thì anh ta không có lỗi. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng, gọi những người bán hàng rong “sống ký sinh” là chủ trương của VTV chứ không hề vô tình. Nên nhớ, một phóng sự công phu được phát trên truyền hình quốc gia không bao giờ là trách nhiệm cá nhân. Không như mạng xã hội, từ nội dung câu chữ đến hình ảnh phát trên truyền hình quốc gia đều được thông qua một hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ. Ngay cả trước khi phát chính thức cũng thêm một lần biên tập nữa. Và như vậy, trách nhiệm cao nhất phải là hệ thống biên tập, chịu trách nhiệm xuất bản, và cao nhất là ông Tổng Giám đốc đài truyền hình quốc gia. Không lấy cá nhân BTV ra giơ đầu chịu báng rồi chạy trốn trách nhiệm được!
Lãnh đạo VTV không nhận trách nhiệm, không cáo lỗi chính thức trên truyền hình quốc gia, càng chứng tỏ họ tin đó là chủ trương đúng – chủ trương miệt thị người lao động!
Biết lỗi mà xin lỗi hoặc từ chức thì không nghiêm trọng. Không biết lỗi hoặc trí trá đổ lỗi cho người khác mới thực sự nghiêm trọng.
Tôi hiểu cái tâm lý phổ biến của người có tiền, có quyền thì coi thường người lao động nghèo. Rằng họ khố rách áo ôm, họ hôi thối lắm, không thể sống gần họ. Có thể, ở nghĩa tích cực, kẻ có tiền, có quyền luôn muốn có một môi trường sống sạch sẽ, văn minh. Nhưng ở nghĩa tiêu cực, kẻ có tiền, có quyền mà không hiểu văn minh phải gắn liền với nhân đạo, chỉ biết miệt thị, hạ nhục tầng lớp khốn khó thì đó là những ông chủ thực dân tàn nhẫn..
Sáng nay khi tập huấn dạy học online, có một người nói với tôi, rằng VTV bảo đó chỉ là lỗi cá nhân và vô tình, chỉ là tai nạn nghề nghiệp, không được nâng quan điểm. Nghe cứ như lời đe dọa để bịt mồm dư luận vậy! Cái gì đã thuộc chủ trương thì ắt thuộc về một quan điểm chứ nâng gì nữa. Không chừng, nhân danh quyền lực, lãnh đạo VTV sẽ chụp mũ ngược, rằng những người phẫn nộ về phát ngôn của VTV là “quân thù địch”, “phản động”, “chống phá” cũng nên? Và vậy là, từ đó, mỗi khi truyền hình quốc gia hạ nhục cha mẹ chúng ta, chúng ta cũng phải im lặng?
Chu Mộng Long
#vtv #kysinhtrung