Toàn cầu hóa không có lỗi

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Một người làm đủ thứ nghề thì hiệu suất công việc rất thấp, khi chon người ta chuyên một thứ thì hiệu suất lại rất cao. Chính vì vậy, nền kinh tế càng phát triển thì tính chuyên môn hóa càng cao. Trên bình diện quốc gia cũng vậy, nếu một quốc gia mà cái gì cũng làm thì tất hiệu xuất không cao. Vậy nên khi kinh tế phát triển thì nhu cầu phân bổ sản xuất lại trên toàn cầu là một điều tất yếu. Và từ đó toàn cầu hóa nó đến như một sự tất yếu mà thôi.

Vậy toàn cầu hóa là gì? Toàn cầu hóa nói cho dễ hiểu thì nó là hình thức thương mại xuyên biên giới. Khi đó, nào hàng hóa, nào dịch vụ, nào công nghệ, nào dòng tiền đầu tư, nào con người, nào thông tin vv.. đều lưu thông xuyên biên giới để tìm nơi trú ẩn tốt nhất. Nhờ đó hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu gắn kết các quốc gia lại với nhau và nhờ đó, các hệ thống chính trị ở các quốc gia, các bộ máy đối ngoại hoạt động hết công suất để khai thông cống rãnh cho các dòng chảy xuyên biên giới diễn ra trơn tru.

Như ta biết, mỗi quốc gia có biên giới riêng, có nền tảng luật pháp riêng nên môi trường của mỗi quốc gia trên thế giới luôn khác biệt nhau. Để toàn cầu hóa, cách nhà nước phải bắt tay nhau, giữa các quốc gia phải lập nên các tổ chức hợp tác kinh tế, phải ký các hiệp định tự do mậu dịch để dọn đường cho quá trình toàn cầu hóa.

- Quảng Cáo -

Khi thế giới đã thông thương, toàn cầu hóa diễn ra thì chắc chắn, những ngành nghề cần trình độ thấp dịch chuyển từ nước tiến bộ sang nước nghèo để giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Sự dịch chuyển này tạo nên những lỗ hổng và công nhân tay nghề thấp ở nước tiến bộ thất nghiệp. Cũng bởi sự dịch chuyển này mà ở các nước nghèo đã hình thành nên các khu công nghiệp thu hút lao động từ nông thôn tụ về thành thị. Điều này kéo theo ngành nông nghiệp tại vùng nông thôn thiếu hụt, đất đai bỏ hoang, nông nghiệp lụi tàn. Đó là điều tất yếu xảy ra.

Biến động kinh tế thì dễ dẫn đến thay đổi về chính trị, ít nhất là thay đổi chính sách. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng gây thất nghiệp ở nước giàu là thực tế, nhưng không vì thế mà ngăn cản những doanh nghiệp đi tìm những nơi chi phí thấp để đầu tư. Quốc gia muốn giàu mạnh, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đấy là ưu tiên số một. Vậy nên, vấn đề thất nghiệp do sự dịch chuyển nhà máy để lại đó là phần mà chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết. Chính quyền phải có chính sách giáo dục hay đào tạo vv… sao cho nó tạo ra những lớp người lao động tập trung vào những ngành đòi hỏi chất xám cao lợi nhuận lớn, chứ không thể ép doanh nghiệp phải ở tại chỗ hy sinh lợi nhuận để giải quyết việc làm cho những công nhân lao động có trình độ thấp. Trách nhiệm của chính phủ không được ép doanh nghiệp phải gánh thay mình. Đấy là cách làm sai.

Nạn nhân của toàn cầu hóa điển hình là thành phố Detroit bang Michigan Hoa Kỳ. Thành phố này trước kia được mệnh danh là kinh đô của ngành công nghiệp ô tô Mỹ với các nhà máy lớn và tổng hành dinh của của GM, Ford và Chrysler đều đặt ở đây. Thành phố rất phồn vinh cho đến khi toàn cầu hóa xảy ra. Khi đó GM, Ford và Chrysler đã dịch chuyển nhà máy sản xuất sang những nước có nhân công rẻ, bỏ lại một lỗ trống khổng lồ cho thành phố Detroit. Kết quả công nhân thất nghiệp, ngân sách thành phố thất thu. Vì vậy chính quyền thành phố ngày một lâm nợ. Kết quả là, năm 2013, thành phố này tuyên bố phá sản vì không trả nổi khoản nợ 18,3 tỷ đô la. Và cho đến hôm nay, thành phố đang ngày càng trở nên hoang phế với hàng loạt khu villa bị bỏ hoang, cao ốc bỏ phế, và nhà nga không một bóng người vv…

Thành phố Detroit trở thành hoang phế đổ nát, cái lỗi lớn nhất của chính quyền thành phố chứ không phải là lỗi của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là tất yếu. Chỉ có dịch chuyển nhà máy thì ngành công nghiệp ô tô Mỹ mới giữ được khả năng cạnh tranh chứ không thể để ngành công nghiệp này chết chỉ vì lo việc làm cho công nhân ở đây được. Lo việc làm công nhân ở đây thì giá ô tô Mỹ cao, giá ô tô Mỹ cao thì mất khả năng cạnh tranh với ô tô nhật, ô tô Hàn và ô tô Đức thì cuối cùng ô tô Mỹ cũng chết. Mà ô tô Mỹ chết thì Detroit cũng phá sản. Vậy nên không thể đổ lỗi cho cái chết của thành phố Detroit là bởi toàn cầu hóa được, mà phải đổ lỗi chính quyền thành phố này đã không có chính sách kịp thời để đa dạng hóa thành phần kinh tế của thành phố. Bỏ tất cả các quả trứng vào trong một giỏ là điều đại kỵ trong quản lý rủi ro, ấy vậy mà chính quyền thành phố này đã mắc sai lầm.

Cũng tương tự như vậy, việc nông nghiệp lụi tàn ở các nước nghèo không thể đổ lỗi cho toàn cầu hóa được. Mà lỗi đó là ở chính quyền. Họ không có chính sách ứng phó. Dân đóng thuế để nuôi chính quyền, để trả công cho chính quyền làm chính sách phát triển đất nước, vậy chính quyền làm gì để nông nghiệp phải khốn khổ? Trên thế giới, không thiếu quốc gia phát triển rất cao nhờ nông nghiệp. Úc, New Zealand và Israel là ví dụ. Vậy nên, toàn cầu không có lỗi, mà lỗi là các nhà làm chính sách bất tài.

Hồi còn học phổ thông, tôi thường nghe một số giáo viên nói rằng “tội phạm cao, đạo đức xã hội thấp chính là mặt trái của cơ chế thị trường”. Lúc đó chúng tôi tin như vậy, nhưng lớn lên thấy rằng, nó hoàn toàn không phải vậy. Ở các nước rất văn minh như Hà Lan thì họ cũng cơ chế thị trường, nhưng sao nhà tù của họ phải đóng cửa hàng loạt vì thiếu vắn tù nhân? Đạo đức xã hội họ rất tốt chứ đâu tệ hại như xã hội Việt Nam? Và từ đó, tôi hiểu lỗi để cho tội phạm cao và đạo đức xã hội xuống thấp không phải là mặt trái của cơ chế thị trường nào cả mà đó là lỗi của ĐCS. Họ đã ra chính sách sai gây nên hậu quả rất lớn về xã hội như hiện nay chứ chẳng có cái “mặt trái” của cơ chế thị trường nào như thế cả.

Cũng tương tự như vậy, toàn cầu hóa không có lỗi. Nó tạo ra việc làm cho nước nghèo, nó tạo điều kiện cho nước giàu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế sang hướng nền kinh tế tri thức với chủ yếu là lao động chất xám tạo ra giá trị gia tăng cao. Với chính trị thế giới, nó thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Với kinh tế thế giới, nó làm cho kinh tế thế giới phát triển nhanh hơn. Với nhân loại, nó tạo ra sản phẩm rẻ chất lượng tốt cho nhân loại. Toàn cầu hóa không có lỗi, để hậu quả của nó ảnh hưởng lâu dài là lỗi các nhà làm chính sách. Chỉ vậy thôi./.

-Đỗ Ngà-

#toancauhoa

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here