Thấy gì từ nguồn FDI của thiên đường thuế?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Một thiên đường thuế là gì? Là một quốc gia cho phép các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải đóng rất ít thuế hoặc không có nghĩa vụ thuế trong một môi trường ổn định về chính trị và kinh tế. Đính kèm với chính sách thuế thấp là nơi đây cũng hoặc là hạn chế hoặc không chia sẻ thông tin tài chính với các cơ quan thuế nước ngoài. Chính vì vậy, mà rất nhiều nhà đầu tư vào đây với mục đích rửa tiền.

Ví dụ đơn giản thế này, ở đây chỉ đơn cử cho loại thế VAT cho dễ hiểu. Những loại thuế khác, về bản chất tương tự. Nếu một chính phủ nào đánh thuế VAT 10% thì quốc gia ấy chỉ thu hút 1 tỷ đô đầu tư. Giả sử như 1 tỷ đô la đó làm ra giá trị gia tăng 100 triệu đô thì rõ ràng chính phủ thu được 10 triệu đô tiền thuế. Nhưng nếu chính phủ đó giảm thuế VAT xuống còn 5% thì lúc này các nhà đầu tư đổ vào đây 10 tỷ đô. Với 10 tỷ đô ấy họ làm ra 1 tỷ đô giá trị gia tăng, và lúc đó với VAT 5% chính phủ sẽ thu được 50 triệu đô tiền thuế. Như vậy, tạo ra thiên đường thuế nó không hẳn là nhà nước thất thu thuế mà ngược lại, nhà nước còn thu được nhiều tiền thuế hơn. Thông thường những quốc gia nhỏ bé, họ chỉ có cách tạo ra thiên đường thuế để hút đầu tư vào trú chân ở đất nước họ, và từ đó họ xây dựng quốc gia họ giàu có.

Những quốc gia rất nhỏ bé như Andorra, Belize, Bermuda, Mauritius, Lichtenstein, Monaco, Panama,… họ đã dùng chính sách thuế ưu đãi để thu hút nguồn đầu tư thế giới đổ vào. Tuy thuế thấp, nhưng bù lại dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào rất lớn, nên các quốc gia này thu được nhiều tiền thuế nhờ vào dòng đầu tư khổng lồ.

- Quảng Cáo -

Như đã nói, thiên đường thuế luôn đi kèm chính sách không chia sẻ thông tin với các cơ quan thuế nước ngoài, nên đây là thiên đường cho các đối tượng làm ăn phi pháp rửa tiền. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi để các tập đoàn đa quốc gia dùng làm căn cứ để trốn thuế tại những quốc gia khác bằng hình thức chuyển giá. Các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư của các tỷ phú trên thế giới luôn xem thiên đường thuế là một kênh đầu tư béo bở khó mà bỏ qua.

Như ta biết, lợi nhuận cao thì kéo theo đóng thuế nhiều. Như vậy một công ty đa quốc gia sẽ có xu hướng chuyển lợi nhuận ấy sang thiên đường thuế để tránh phải mất quá nhiều tiền vì thuế suất cao. Hình thức chuyển lợi nhuận sang nơi thuế thấp để mục đích trốn thuế ở nơi có thuế cao, hình thức này người ta gọi là “chuyển giá”.

Lấy ví dụ như công ty A có trụ sở chính ở thiên đường thuế Malta, công ty nầy đầu tư mở công ty con ở Việt Nam dưới dạng FDI. Giả sử như thuế cùng loại ở Malta là 5% còn ở Việt Nam là 10%. Công ty mẹ ở Malta sẽ bán nguyên liệu cho công ty con ở Việt Nam giá thật cao để công ty con tại Việt Nam có kết quả kinh doanh lỗ, và thế là họ trốn được khoản thuế tại Việt Nam. Ngược lại, công ty mẹ ở Malta vì bán qua Việt Nam giá cao nên lợi nhuận sẽ lớn. Tuy lợi nhuận lớn nhưng đóng thuế 5% ở Malta vẫn tốt hơn là phải đóng đến 10% ở Việt Nam. Tính chung trên cả tập đoàn A, thì lợi nhuận trước thuế không đổi nhưng lợi nhuận sau thuế thì sẽ lớn hơn nếu chuyển hết lợi nhuận trước thuế sang thiên đường thuế.

Hôm nay, ngày 12 tháng 8, trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài viết “Các ‘thiên đường thuế’ rót vốn vào Việt Nam”. Trong bài viết này cho biết, dòng FDI đang đổ vào Việt Nam từ các thiên đường thuế ngày một tăng. Thực chất, những công ty đầu tư này tuy có pháp nhân tại các thiên đường thuế, nhưng nguồn vốn của nó không hẳn là từ đó, mà rất có thể là từ Trung Cộng, Mỹ, Nhật vv…

Thực ra trốn thuế bằng hình thức chuyển giá cũng được nhiều quốc gia có luật để chống lại nó. Nhưng với luật pháp Việt Nam thì gần như không thể hóa giải được cách trốn thuế này. Phần vì Việt Nam đi sau thế giới, phần vì thể chế chính trị vướng víu, nhân lực yếu kém. Với hạ tầng pháp lý như Việt Nam, với năng lực như bộ máy công quyền Việt Nam thì họ chỉ có khả năng gây cản trở cho những doanh nghiệp chân chính trong nước, chứ còn với những doanh nghiệp cáo già tầm cỡ trên thế giới thì họ bất lực.

Ngày 7 tháng 2 trên tạp Chí Tài Chính có bài viết “Hoạt động chuyển giá tại Việt Nam và những tác động đến nền kinh tế”, trong đó người ta cho biết rằng “Những ngành đầu tư có tỷ lệ DN chuyển giá nhiều nhất gồm: 90% DN kinh doanh lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, 70% DN sản xuất dệt may, 51% DN sản xuất linh kiện ô tô…”. Thế mới thấy việc trốn thuế bằng cách chuyển giá đã gây thất thu cho ngân sách như thế nào?!

Được biết, doanh nghiệp FDI hiện nay đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó, tại sài Gòn có gần 60% trong số hơn 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm, và tại Bình Dương cũng có đến 50% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006-2011. Mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng các FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Nếu Việt Nam có một nhà nước minh bạch, tham nhũng thấp và có năng lực quản lý thì rõ ràng, những khoảng thất thu khổng lồ do chuyển giá ấy đã được họ khắc chế và dùng nó vào đầu tư hạ tầng, tăng phúc lợi xã hội, và giảm vay nợ nước ngoài thì đất nước sẽ phát triển bền vững hơn rồi. Thế nhưng tiếc thay, đây là chính quyền CS. Chính sự yếu kém đảng cầm quyền này mà nó đã bất lực để các FDI cáo già qua mặt, nhưng ngược lại nó lại bóp chết doanh nghiệp non trẻ trong nước bằng trò tham nhũng bẩn thỉu. Đó là cái giá mà dân tộc này phải trả vì để CS cai trị quá lâu. Và dân tộc này sẽ còn phải trả nhiều cái giá khác đắt đỏ hơn chứ không phải cái giá về kinh tế này không thôi đâu.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.thesaigontimes.vn/…/cac-thien-duong-thue-rot-vo…

http://tapchitaichinh.vn/…/hoat-dong-chuyen-gia-tai-viet-na…

https://nhandan.com.vn/…/ngan-chan-chuyen-gia-trong-hoat-d…/

#dautufdi #kinhtevn #thienduongtronthue

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here