Vị trí của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông

- Quảng Cáo -

Timothy Trinh|

Chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nhằm phá vỡ sự ép buộc của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, là một tuyên bố lớn và một nước cờ thông minh của chính quyền Trump. Nó được thiết kế để tập trung vào việc ngăn chặn Trung Quốc cướp “biển”, hơn là cướp “đảo”.

Hoa Kỳ đã dựa theo phán quyết vào năm 2016 của Tòa án Trọng tài được thành lập theo Công ước Luật Biển 1982 để bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ đứng với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia này chiếu theo luật pháp quốc tế.

Biển là nguồn tài nguyên lớn lao nghìn tỷ, là động cơ chính yếu thúc đẩy lòng tham của tập đoàn cộng sản Bắc Kinh.

- Quảng Cáo -

Trung Quốc chiếm “đảo” để có thể khẳng định chủ quyền, vẽ được các đường cơ sở, và đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh các khu vực quần đảo này, để tiếp tục đeo đuổi lập luận yêu sách trước kia của “đường lưỡi bò chín đoạn” nhằm cướp đoạt nguồn tài nguyên hầu như toàn khu vực Biển Đông.

Trong cùng ngày 13 tháng 7, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố Tuyên bố Biển Đông, đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã lập tức kêu gọi chính quyền Trump hãy tôn trọng một cách nghiêm túc cam kết “không đứng về phe nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ” (not taking sides on the issue of territorial sovereignty).

Bắc Kinh đã sai rồi. Hoa Thịnh Đốn không đứng về phía nào trong các tranh chấp kéo dài về lãnh thổ (territorial disputes).

Chính phủ Trump không đả động đến chủ quyền đối với đá, đá ngầm, bãi rạn hoặc đảo nhỏ. Thay vào đó, tập trung mọi nỗ lực tấn công vào sự bất hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc đối với “vùng nước biển” kéo dài hơn 12 hải lý kể từ các tính năng đất liền và các thực thể chìm dưới nước khi thủy triều lên, và do đó không được quyền lãnh hải (territorial sea) hoặc vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone).

Trong một văn bản đóng dấu ngày 23/7 đệ trình lên Liên Hợp Quốc, chính phủ Morrison của Úc, một đồng minh của Hoa Kỳ, đã công bố “không có cơ sở pháp lý” để Trung Quốc vẽ đường cơ sở nối liền các điểm ngoài cùng của các nhóm đảo bao gồm quần đảo “Tứ Sa”, đặt yêu sách tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc vùng biển được tạo ra bởi thủy triều thấp.

Hoa Kỳ và Úc đều dựa theo Công ước Luật Biển và phán quyết của tòa án được thiết lập chiếu theo công ước này.

Phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài thường trực có hai điều quan trọng: thứ nhất, tòa bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông” của Trung Quốc dựa theo “quyền lịch sử”, và thứ hai, tòa xem xét “tư cách pháp lý” đối với những thực thể như “bãi đá ngầm, bãi đá và đảo” trong vùng biển này. Phán quyết nhất trí rằng không một “thực thể” nào do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có đủ điều kiện xác lập “vùng đặc quyền kinh tế” theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Về cơ bản, chính quyền Trump sẽ không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, đảo, đá và bãi rạn. Thay vào đó, tuyên bố rõ ràng rằng “các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát chúng, là hoàn toàn bất hợp pháp.”

Trước đây, các chính phủ tiền nhiệm Hoa Kỳ mặc dù đã từng phản đối các hành động của Trung Quốc nhưng không chịu ủng hộ tính hợp pháp của các quốc gia khác cũng như quyền độc quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ là hợp pháp theo Luật Biển.

Giờ đây, chính quyền Trump đưa ra một tuyên bố lớn, vạch rõ một làn ranh mà Trung Quốc không nên vượt qua, gồm có các vùng biển chung quanh bãi Tư Chính (Vanguard Bank, ngoài khơi Việt Nam), Luconia Shoals (ngoài khơi Malaysia), Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia), Rạn san hô Mischief hay Bãi cạn Thomas thứ hai (ngoài khơi Philippines) và vùng đặc quyền kinh tế Brunei. Việc làm rõ này của chính quyền Trump có nghĩa là Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp nào cả đối với các nguồn tài nguyên trong những vùng biển kể trên.

Đây là nước cờ thông minh của chính quyền Trump vì những tuyên bố rõ ràng này hỗ trợ các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, và việc áp dụng luật pháp quốc tế, sẽ được hoan nghênh ở Đông Nam Á. Bằng cách làm cho vị trí này rõ ràng, Hoa Kỳ có thể nhận được sự hợp tác của các quốc gia đang bị bắt nạt để phá vỡ sách lược bành trướng và các hành động cướp “biển” của Trung Quốc.

Tuyên bố Biển Đông của chính quyền Trump dường như đã được hiệu chỉnh cẩn thận để củng cố luật pháp quốc tế và điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ chặt chẽ hơn với lợi ích của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á. Nó tập trung vào quyền của các quốc gia trong khu vực, cụ thể là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei, đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của họ.

Bằng cách đó, chính sách của Hoa Kỳ đã khôn ngoan vượt ra ngoài việc bảo vệ tự do hàng hải để bảo vệ đặc quyền kinh tế của tất cả các quốc gia trên Biển Đông.

Vị trí của chính quyền Mỹ rõ ràng. Vị trí của nhà nước Việt Nam ra sao?

Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng của một bọn cướp “biển”, nếu lãnh đạo Việt Nam cứ mãi quỳ gối trước kẻ xâm lược./.

Người Đà Lạt Xưa

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here