Đây là dòng chữ được viết trong tấm băng rôn giăng lên ở phi trường TC (Trung Cộng), nơi toàn thể phái Bộ Ngoại giao Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở TP. Thành Đô chuẩn bị lên phi cơ về nước. Bắc Kinh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa việc Washington bất ngờ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán TC ở Houston Texas vì cáo buộc Tổng Lãnh sự này là ổ gián điệp đánh cắp sản phẩm trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ.
We WILL BE BACK, một lời nói không chỉ rất ngoại giao phù hợp với ngành miệng lưỡi, mà còn là nỗi lòng người đi khắc khoải một ngày về…
Tuy Tổng Lãnh sự quán của Mỹ ở Thành Đô không lớn, lại nắm ở vùng Tây Nam xa các thành phố lớn, xa các khu vực dân cư đông đúc và năng động của TC, song Thành Đô lại là nơi có nhiều mục tiêu mà người Mỹ quan tâm, cũng là nơi mà nhiều người TC bị áp bức cần tiếng nói hỗ trợ của Tổng Lãnh sự Mỹ.
Bởi Thành Đô là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, là tỉnh gần cao nguyên Tây Tạng, đầu nguồn sông Trường Giang rất xa biển, khí hậu đại lục khắc nghiệt, nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường bị động đất.
Vào thập niên 80 thế kỷ trước, cả nước TC nghèo đói vì chính sách đại nhảy vọt hoang tưởng của Mao Trạch Đông, thì Thành Đô Tứ Xuyên nổi lên như một ngôi sao sáng giữa núi rừng giúp lãnh đạo tỉnh Triệu Tử Dương lọt mắt xanh Đặng Tiểu Bình, ung dung khăn gói về Bắc Kinh nhận ấn tể tướng. Con đường thăng quan tiến chức của họ Triệu phơi phới như ngôi sao sáng giữa núi rừng Thành Đô. Vì gần cuối Thập niên ấy Triệu Tử Dương được thăng chức Tổng Bí thư đảng cộng sản TC thay Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đoản mệnh.
Thật trớ trêu khi việc thăng chức chót vót đó cũng là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của họ Triệu. Vì Triệu Tử Dương chủ trương đối thoại không tán đồng giải pháp đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 nên bị Đặng Tiểu Bình lật đít ghi vôi giam lỏng đến cuối đời.
Thành Đô còn chứng kiến hai chuyện để đời. Một là nơi ghi dấu tình hữu nghị Việt Trung 16 vàng 4 tốt, tức hiệp định Thành Đô. Hai là vụ giám đốc sở công an Trùng Khánh Vương Lập Quân ôm tài liệu mật chạy vào tòa Tổng Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn để tránh sự truy sát của bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai.
Ngoài ra, Thành Đô còn là nơi gần gũi để những người Tây Tạng và Tân Cương lui tới đấu tranh cho dân tộc mình, và Tổng Lãnh sự quán Thành Đô là nơi rất cần để những người đấu tranh chuyển tiếng nói và nỗi lòng của họ ra bên ngoài.
Dạo gần đây ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục công kích đảng cộng sản TC, ẩn ý xa gần vận động một liên minh quốc tế chống lại thiết chế chính trị độc đảng ở Hoa Lục. Trước đó cựu cố vấn an ninh Bannon của tổng thống Donald Trump tham dự cuộc họp của người Hoa hải ngoại thành lập chính phủ lâm thời Trung Hoa, và vụ đụng độ đẫm máu Ấn Trung vừa qua khiến Ấn Độ phản ứng dữ dội, là những tình huống không gì tốt hơn cho chính phủ lưu vong Tây Tạng của đức Đạt Lai Lạt Ma gia tăng hoạt động phục quốc. Người lưu vong Tây Tạng chuyển mình thì người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương cũng trỗi dậy, nên Tổng Lãnh sự quán Thành Đô trở thành một trung tâm tình báo quan trọng ngay giữa vành đai nổi dậy của Lassa’s và Urumqi, là cái gai trong mắt nhà cầm quyền Trung Nam Hải.
Cho nên, việc Mỹ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán TC ở Houston Texas, là phái Bộ Ngoại giao được thành lập sớm nhất, quan trọng nhất của TC, chỉ xếp sau đại sứ quán ở Washington, là hang ổ tình báo quan trọng nhất của TC, buộc TC phải trã đùa bằng cách đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô Tứ Xuyên, hoàn toàn tương xứng với tầm quan trọng về hoạt động tình báo của Houston Texas. Chỉ khác là Houston chuyên về trộm cắp sản phẩm trí tuệ, Thành Đô chuyên về nhân quyền. TC đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Thành Đô của Mỹ là một việc lưỡng tiện, vừa trả đũa Mỹ vừa nhổ cái gai quá nhọn trong mắt Bắc Kinh, làm Hồ Tích Tiến hụt hẫng vì nổ lực vận động đóng lãnh sự quán Mỹ ở Hongkong, và làm không ít người đoán hụt khi cho rằng TC sẽ đóng Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Wuhan.
Chuyện đúng sai trong việc Mỹ Trung đóng các Tổng Lãnh sự quán của nhau không còn là vấn đề khi quan hệ hai nước đang lao dốc không phanh, nên nếu có thêm nhiều Tổng Lãnh sự quán bị đóng cửa như lời dọa của tổng thống Donald Trump cũng không có gì ngạc nhiên.
Chỉ ngạc nhiên là mối quan hệ Mỹ Trung được xây dựng gần nửa thế kỷ tính từ lúc tổng thống Richard Nixon thăm TC năm 1972, sao bỗng dưng lao dốc không phanh trong một thời gian ngắn, rất khó để dừng lại khi “bốn chàng ngự lâm chống đảng cộng sản TC” trong chính phủ của tổng thống Donald Trump là, cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng bộ tư pháp, giám đốc FBI và bộ trưởng bộ ngoại giao, không ngừng truy bắt gián điệp TC, không ngừng công kích, lên án và vận động quốc tế chống lại đảng cộng sản TC.
Cho nên lời người ra đi hẹn ngày trở lại WE WILL BE BACK có thể sẽ trở nên quá xa vời !!