“ Hãy xòe cho rộng, dang cho hết
Trắng bụng lấm lưng với tự do”
Chưa có một nhân vật đấu tranh nào có tuyên ngôn vừa mạnh vừa nghệ thuật như anh. Bởi anh là nhà văn.
Nhưng chưa có một người đấu tranh nào tự mâu thuẫn và chịu nhiều gạch đá như nhà văn Phạm Thành. Ba tháng trước, anh chê con người của Việt Nam công hòa, nhưng 3 tháng sau anh đã khóc khi đọc bài thơ của một người lính Việt Nam cộng Hòa.
Anh tuyên bố: “ Bắt anh hôm trước, hôm sau cộng sản đổ” nhưng anh nói với tôi. “ Tôi thách thức chúng. Tôi biết chúng tồn tại đủ thời gian tôi ở tù”.
Lần đầu tiên tôi gặp anh vào tháng 10 năm 2014, tháng đầu tiên ra tù, nhân cơ hội đi chữa bệnh tại Hà Nội trong thời gian bị quản chế.
Nhờ một người bạn đấu tranh cũ đưa đón, giới thiệu, chúng tôi cùng ăn với nhau một bữa trưa đạm bạc tại một quán ăn nhỏ. Nghe bạn giới thiệu anh là ai, tôi nhớ đến tác phẩm “ Hậu chí Phèo” của anh. Ra anh là một nhà văn có “ vấn đề” của 10 năm trước cùng một số nhà văn nối nhau sau thời “văn nghệ được cởi trói”. Bấy giờ, trong cuộc gặp ấy tôi chỉ nghĩ anh hâm mộ hoặc muốn tiếp xúc với một nhà văn là tù bất đồng chính kiến nên câu chuyện không mấy cởi mở. Không ngờ, buổi chiều, về nhà trọ, vào Fb mới biết anh là một tác giả cứng cựa đã 2- 3 năm với những bài viết ‘giật mình”.
Tôi ở tỉnh lẻ, cô đơn rất háo bạn bè đấu tranh. Sau khi ra tù, tôi đã từng đến thăm các anh Phạm Hồng Sơn, Vũ Văn Hùng, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Tường Thụy, vợ chồng Lê Thị Công Nhân, chị Nguyễn Nguyên Bình. Tóm lại ai mời là tôi đến. (Đáng tiếc đến nay mới chỉ có ngần ấy người mời)
Có người tôi đến nhiều lần, không chỉ đến thăm mà còn đến nhờ vả, người, gia đình tôi nhờ vả dài ngày nhất chính là gia đình nhà văn Phạm Thành trong một lần lên Hà Nội chữa bệnh ngoại trú.
Không phải trong chúng tôi không có một vài “vấn đề” nho nhỏ. Khi biết chuyện tôi tá túc nhà anh Phạm Thành lần ấy, anh Nguyễn Tường Thụy nói: “ Từ nay anh Nghĩa có lên Hà Nội làm việc gì cần ngủ lại qua đêm cứ đến nhà em”. Câu nói pha chút “giành giật” ấy khiến tôi biết lần ấy mình vô tâm. Người Việt ta hiếu khách, với các anh chị em hoạt động dân chủ hôm nay bên ngoài, ngày mai trong tù thì sự hiếu khách dân chủ càng cao hơn.
Bây giờ thì hai anh đều đã ở trong tù.
Một lần chúng tôi gặp nhau tại nhà anh Nguyễn Tường Thụy.
Tiệc trà tối hôm ấy, ngoài chủ nhà và tôi có thêm anh Phạm Thành và Trương Dũng.
Anh Phạm Thành đưa tay cho anh Trương Dũng bắt. Anh Trương Dũng không bắt. Anh Phạm Thành nói: “ Các anh chứng kiến nhá. Trương Dũng không thèm bắt tay tôi”. Trương Dũng nói: “ Trước khi tôi bắt tay anh, tôi phải nhận được lời xin lỗi của anh”. Thì ra hai người có một tự ái nhỏ trước đó. Chúng tôi là vậy. Đi vào cuộc đấu tranh này không cần phải mất hết “cái tôi”. Chính cái tôi đó tạo nên tính cách từng người, làm phong phú cho đội ngũ.
Họ đã làm lành với nhau sau đó. Chắc bây giờ anh Trương Dũng thương anh Phạm Thành hơn tất cả mọi người. Bởi vì anh Phạm Thành đã ở trong tù.
Là một nhà văn, Phạm Thành thả hết tình cảm yêu, ghét vào con chữ, câu viết. Anh không đắn đo, lựa chọn con chữ làm sao để giải thiểu nguy cơ bị tống vào tù. Anh không chán sống, nhưng anh chán tự do. Thứ tự do nửa vời của cả dân tộc, trong đó có những người bị mất hoàn toàn. Anh biến câu: “Tự do hay là chết” thành câu: “ tự do ngay hay là tù ngay” dành cho một mình anh.
Chỉ 3, 4 năm xuất hiện, anh đã thực hiện đúng như tuyên bố:
HÃY XÒE CHO RỘNG, DANG CHO HẾT
TRẮNG BỤNG LẤM LƯNG VỚI TỰ DO.