Tuyên Bố của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS)
Việt Nam bắt giữ hai thành viên lãnh đạo của nhóm các nhà báo độc lập
Hai cuộc bắt giữ xảy ra cách nhau chỉ hai ngày. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đòi hỏi trả tự do tức khắc cho hai nhà báo bị bắt và kêu gọi các đối tác mậu dịch của Hà Nội, mà dẫn đầu là Liên Minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, làm áp lực để chặn đứng chiến dịch đàn áp mới này.
Ông Nguyễn Tường Thụy, một blogger 68 tuổi và là Phó Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) đã bị bắt ngày 23 Tháng 5 tại Hà Nội, nơi ông sinh sống, và bị tức khắc chuyển về TP Hồ Chí Minh, cách thủ đô 1.700 cây số về phiá Nam, để tiếp tục bị giam giữ tại đó.
Là một cựu chiến binh của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Thụy trở thành ký giả làm việc với Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do (RFA), là một cơ quan truyền thông do Quốc Hội Hoa Kỳ tài trợ.
Ông Phạm Chí Thành, một nhà báo và là một thành viên nổi tiếng của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) với bút hiệu Phạm Thành, đã bị công an tới tận nhà bắt và tức khắc mang đi vào lúc 8 giờ sáng ngày 21 Tháng 5. Ông Thành hiện bị giam giữ tại trại giam ở Hà Nội theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự với tội danh “chống đối nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam”.
Cũng tuổi 68 và là một cựu đảng viên Cộng Sản, ông Thành trước đây làm việc cho đài phát thanh của nhà nước, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), trước khi trở thành một nhà hoạt động dân chủ và phê bình nhà nước độc đảng. Ông điều hành blog Bà Đầm Xoè và mới đây đã xuất bản một cuốn sách liên quan đến Tổng Bí Thư Đảng CSVN có tựa đề “Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo”.
Lãnh đạo lên cơn sốt
“Việc bắt giữ xảy ra gần như cùng lúc hai ông Phạm Chí Thành và Nguyễn Tường Thụy đã gửi đi một tín hiệu lạnh xương sống đến những ai đang cố gắng duy trì một cuộc tranh luận công khai ở Việt Nam”, ông Daniel Bastard, Chánh Văn Phòng RSF Á Châu Thái Bình Dương phát biểu.
“Việc chính phủ Việt Nam bắt giam hai ký giả nói trên, mà cả hai đều là những cựu đảng viên được quý trọng của Đảng CSVN nay trở thành những người phê bình mạnh mẽ tình trạng xơ cứng của Đảng, đã tỏ rõ sự bồn chồn ở thượng tầng lãnh đạo Đảng khi đang chuẩn bị Đại Hội lần thứ 13, sẽ diễn ra trong sáu tháng nữa. Chúng tôi kêu gọi các đối tác mậu dịch của Việt Nam, bao gồm Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ, áp lực mạnh mẽ để chấm dứt việc đàn áp mới xảy ra.
Trước hai vụ bắt giữ trong tuần qua đã có vụ bắt giữ ông Phùng Thủy, người giao sách của Nhà Xuất Bản Tự Do, trong đó có sách của ông Thành. Nhân viên tình báo đã tra tấn ông Thủy để buộc ông tiết lộ địa chỉ của bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo và nhà văn đã được trao Giải Thưởng Tạo Ảnh Hưởng năm 2019 của RSF. Nhưng các nhân viên tình báo của nhà nước đã không thành công.
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cũng có nỗ lực quảng bá tinh thần tranh luận công khai ở Việt Nam, được thành lập năm 2014. Chủ Tịch của Hội là ông Phạm Chí Dũng, cũng có tên trong danh sách “những anh hùng truyền thông” của RSF, đã bị bắt giữ vào Tháng 11 năm ngoái.
Việt Nam từ lâu luôn nằm gần cuối Bảng Chỉ Số Tự Do Báo Chí Thế Giới của RSF và trong năm 2020 Việt Nam bị xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia.
Nguồn: https://rsf.org/en/news/vietnam-arrests-two-leading-members-independent-journalists-group
Tuyên Bố của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ)
Hai nhà báo Việt Nam bị bắt vì bị cáo buộc tội chống đối nhà nước
Bangkok, ngày 26 tháng 5 năm 2020 – Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) hôm nay nói rằng, Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành, và xoá bỏ mọi cáo buộc chống lại họ.
Theo các bản tin tức cho biết, vào ngày 21 tháng 5, nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ ông Phạm Chí Thành, một nhà báo tự do viết blog với bút danh Phạm Thành, tại nhà của ông ta ở Hà Nội, và cáo buộc tội ông ta theo Điều 117 của bộ luật hình sự của nước này. Đây là một điều khoản nhằm để hình sự hóa hành vi được gọi là “chống đối nhà nước”.
Vào ngày 23 tháng 5, cảnh sát Hà Nội đã bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy, một phóng viên của Đài phát thanh Á châu tự do, là một cơ quan truyền thông được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Ông Thuỵ bị cáo buộc tội “làm, tàng trữ và phổ biến các bài viết và tài liệu với mục đích chống đối nhà nước, một vi phạm khác theo Điều 117, theo RFA.
Những phán quyết kết tội theo Điều 117 mang án tù lên tới 20 năm. Cả hai nhà báo đều là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một nhóm báo chí độc lập địa phương, mà ông Thụy là phó chủ tịch, theo RFA và một đại diện của Hội nhà báo Độc lập, người này đã yêu cầu được giấu tên vì lo ngại vấn đề an ninh.
Người đại diện cho biết, ông Thụy đã được vận chuyển từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong ngày ông bị bắt và đang bị giam tại trại tạm giam ở thành phố này. Còn ông Thành thì bị giam tại Hà Nội.
Ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp của CPJ tại Đông Nam Á nói rằng: “Hai nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành cần được trả tự do ngay lập tức và tất cả các cáo buộc đối với họ phải được xoá bỏ. Việt Nam phải ngừng đối xử với các nhà báo độc lập như là những kẻ thù của nhà nước, và phải cho phép báo chí tự do làm việc mà không sợ bị vu cáo tội và bị bỏ tù.
Đài Á Châu Tự Do cho biết trong một tuyên bố rằng vụ bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy là nhằm mục bóp nghẹt tự do biểu đạt và điều này nhấn mạnh nhu cầu cần có truyền thông độc lập ở Việt Nam. Ông Nguyễn Tường Thụy đã đóng góp bình luận thời sự cho RFA trong sáu năm, bản tuyên bố cho biết.
Trên blog của mình, ông Phạm Thành thường xuyên viết về quyền công dân và quyền tự do ngôn luận, theo ông Rohit Mahajan, phó chủ tịch truyền thông của RFA, người đã liên lạc với CPJ qua email.
Bộ Công an Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận mà CPJ gửi qua trang mạng của bộ này.
Vào tháng 11, như CPJ đã đưa tin, chính quyền đã bắt giam ông Phạm Chí Dũng, người sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và cáo buộc tội ông ta theo Điều 117. Theo đại diện của hội này, ông Dũng đang bị giam giữ tại trại tạm giam ở Thành phố Hồ Chí Minh trong khi chờ xét xử và vợ của ông cũng như luật sư không được phép thăm gặp kể từ khi ông bị bắt.
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một trong số 192 tổ chức đối tác đã ký lá thư ngày 5 tháng 5 của CPJ, kêu gọi Liên Hiệp Quốc hành động để các nhà báo trên toàn thế giới được thả ra trước nguy cơ các tù nhân bị nhiễm bệnh COVID-19.