Ngày 8-5-2020, sau ba ngày xem xét, Giám đốc thẩm đã quyết định Hồ Duy Hải bị kết án tử hình vì hai tội Giết người và Cướp tài sản “là không oan”, với kết luận “những mâu thuẫn, sai sót trong thủ tục tố tụng ở quá trình điều tra, truy tố xét xử không làm thay đổi bản chất vụ án, không cần huỷ án để điều tra, truy tố, xét xử lại như đề nghị của VKSND Tối cao”… Dư luận trong ngoài nước đều bày tỏ phẫn nộ dữ dội về quyết định này:
Tiến sĩ Dương Tú (Mỹ):
Phiên tòa giám đốc thẩm vừa diễn ra với tỷ lệ đồng thuận 100% của Hội đồng thẩm phán nhiều khả năng chỉ là công đoạn chuẩn bị nhạc dạo, phông màn để nhân vật chính – người từng có khả năng bất ngờ khi tái đắc cử chức Tổng Bí thư cũng với tỷ lệ đồng thuận này – xuất hiện: sáng suốt, anh minh, quang vinh, vạn tuế. Dù thế nào, có thể thấy rõ sự thiếu vắng pháp quyền và công lý trong nền tư pháp Việt Nam khi thân phận mỗi cá nhân bị biến thành công cụ, bị định đoạt bởi trò chơi quyền lực của một nhóm người. Nhưng nếu hôm nay pháp quyền và công lý không được bảo vệ thì ngày mai, không chỉ mỗi chúng ta mà ngay cả những người đang nắm trong tay mạng sống Hồ Duy Hải đều sẽ trở thành nạn nhân của chính cái hệ thống mà họ đang đại diện.
Nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên (Mỹ): 17 bù nhìn này cũng bù nhìn như bao nhiêu bù nhìn khác của chế độ, nhưng 17 bù nhìn này có thành tích đặc biệt là thí mạng người dân để bảo toàn thành tích bù nhìn của mình, nên có bị nguyền rủa đặc biệt nhiều hơn các bù nhìn khác thì cũng đáng đời.
Kiến trúc sư Lê Quang (Đức): Vụ án oan Hồ Duy Hải phản ánh một sự thật là chúng ta không bao giờ có thể “cải tiến” hay “sửa chữa” bất cứ thứ gì khi bản thân nó đã là một thứ sai. Bộ máy điều tra-xét xử của Việt Nam không tạo ra sai lầm. Chính sự tồn tại của nó là Sai Lầm.
Nhà báo Bạch Hoàn (Hà Nội): Tôi vừa xem clip em gái Hồ Duy Hải khản tiếng kêu oan cho anh trai mình chiều nay sau khi toà tuyên án. Tất cả những gì còn lại trong tôi là cảm giác tim mình thắt lại. Mạng người mong manh. Công lý xa vời. Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý. Khi nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung bị gạt bỏ, nguyên tắc suy đoán vô tội bị bước qua, thì có thể sẽ còn nhiều người mẹ khác phải khóc, sẽ còn nhiều em gái khác phải kêu gào thảm thiết như hôm nay. Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà? Đất nước này, nhìn vào những gì xảy ra hôm nay, thực sự đã tuyệt vọng rồi.
Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng (Hà Nội): Thực ra, bộ máy đó nó chẳng tạo ra sai lầm nào cả. Sự sinh ra và tồn tại nó trên đời đã chính là sai lầm.
Doanh nhân Lê Hoài Anh (Sài Gòn): Biết là tuyệt vọng, biết là không còn hy vọng, mà sao lòng buồn kinh khủng. Không còn gì để thương tiếc cho nền tư pháp nữa! Khốn nạn! Cạn lời!
Nhạc sĩ Tuấn Khanh (Sài Gòn): Nếu tòa án nhà nước là vô nghĩa, thì cũng đến lúc người dân phải trở thành chánh án xét xử chính nhà nước ấy.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (Sài Gòn): Đồng bào ơi, anh chị em ơi! Hỡi lương tâm tất cả loài người/ Hãy nghe tiếng của nghìn người bị giết/ Không sống nữa, nhưng không chịu chết/ Nghìn hồn oan bay khắp nhân gian/ Thù muôn đời, muôn kiếp không tan!
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh (Sài Gòn): Công Lý không còn là diễn viên hài nữa. Công Lý – vừa lên làm lãnh đạo hôm qua. Tôi không hiểu việc gì đang xảy ra!
Nhà thơ Đỗ Trung Quân (Sài Gòn): Hết sạch cả buồn!
Nhà giáo Mạc Văn Trang (Hà Nội): Ngành tư pháp đem Công lý, Luật pháp, Nhân mạng ra giễu cợt trước bàn dân thiên hạ ư? Không gì bôi nhọ thể chế hơn ngành tư pháp.
Võ sư Đoàn Bảo Châu (Chau Doan, Hà Nội):
Về vụ án Hồ Duy Hải, tôi đã viết quá nhiều, đến mức thấy mình cạn kiệt ngôn ngữ, cạn kiệt ý nhưng tôi vẫn thấy mình phải viết. Với tôi, vụ án này với nỗi đau khổ của Hồ Duy Hải, chị Loan mẹ của Hải và em gái của Hải chỉ là nỗi đau của vài cá nhân. Tất nhiên là tôi chia sẻ nỗi đau khổ của họ, tôi khâm phục sự kiên cường của tấm lòng người mẹ đã ròng rã suốt 12 năm đi kêu oan khắp nơi để cứu con, nhưng một nỗi buồn lớn hơn nhiều, âm u ghê rợn hơn nhiều là bởi vụ án này đã thể hiện một nền tư pháp rừng rú không thể tưởng tượng nổi với những con người quen suy nghĩ một cách văn minh.
Còn bây giờ tôi muốn nói với 17 vị đã đồng loạt giơ tay biểu quyết. Các vị đã vĩnh viễn ghi tên mình vào lòng hận của dân chúng. Tên tuổi các vị đã mãi mãi gắn liền với sự ô nhục của nền tư pháp của Việt Nam. Trong đội ngũ 17 người kia, sẽ chỉ có thể rơi vào những dạng người sau: ác độc, vô lương tâm còn nếu không ác độc, vô lương tâm mà giơ tay đồng thuận thì chỉ có thể là hèn nhát. Các vị đã có một sự đồng thuận, các vị đã có “nhau” nhưng nhân dân mãi mãi coi các vị là tội đồ và chỉ có sự khinh bỉ, nỗi tức giận mỗi khi họ nhìn thấy mặt các vị.
Sự có nhau ấy của các vị chỉ là một sự a dua thấp hèn, bè cánh và chẳng có ý nghĩa gì nhiều ngoài mấy miếng cơm manh áo hèn mọn. Các vị sẽ mãi mãi là những đứa con ghẻ của dân tộc này. Ai đấy sẽ bảo tôi nhân danh nhân dân mà nói điều đao to búa lớn, nhưng hãy thử đưa cho tôi một cư dân mạng nào ủng hộ cách làm của các cơ quan liên quan trong vụ án này. Một kẻ ngu nhất, bỉ ổi nhất, lưu manh nhất, thích thú việc ôm đít quyền lực nhất cũng vẫn thấy toàn bộ vụ án này là một trò đùa quái gở, bất nhân và vô pháp.
Tôi thật sự đã cạn lời rồi!