COVID-19 đã làm lộ rõ bản chất của nhà cầm quyền Trung Cộng trước toàn thế giới.
Dịch bệnh đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán từ tháng 12. 2019, nhưng nhà cầm quyền Trung Cộng vẫn bưng bít thông tin, ai lên tiếng cảnh báo như bác sĩ Lý Văn Lượng thì bị cảnh sát mời lên làm việc, bị giới chức Vũ Hán khiển trách vì “lan truyền tin đồn”, “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vào tháng 2.2020 vì bị nhiễm COVID-19, rất nhiều người dân Trung Quốc đã phẫn nộ, chỉ trích chính phủ về cách đối xử với bác sĩ Lượng và cho rằng nếu họ lắng nghe những lời cảnh báo của những người như bác sĩ Lượng vào thời điểm đó và có biện pháp phòng chống dịch sớm hơn thì Trung Quốc đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan virus tốt hơn.
Đến khi Bắc Kinh chính thức thông báo về dịch bệnh vào ngày 20.1.2020 thì virus không chỉ đã lây lan tại rất nhiều thành phố của Trung Quốc mà còn lan ra bên ngoài thế giới.
Thời gian Trung Quốc phải chiến đấu với đại dịch, các nước Mỹ, châu Âu…, thậm chí ngay cả một nước nghèo như VN đều gửi khẩu trang, trang thiết bị y tế tới để giúp. Nhưng khi Trung Quốc tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, nhà cầm quyền Bắc Kinh bèn nỗ lực tìm cách lấy lại hình ảnh xấu xí của nước này. Như một số bài báo quốc tế nhận định, Bắc Kinh tìm cách “tẩy xóa”, “viết lại lịch sử” con virus đã gây ra đại dịch COVID-19, giống như họ đã từng “tẩy xóa”, “viết lại lịch sử” nước Trung Hoa từ khi có đảng cộng sản lên nắm quyền, viết lại lịch sử Hong Kong, Tây Tạng, biển Đông…Bắc Kinh tìm cách chối cãi rằng dịch bệnh không phải bắt nguồn từ Vũ Hán mà từ Ý, hoặc cho lan truyền những thuyết âm mưu kiểu như quân đội Mỹ đã đưa con virus này vào Trung Quốc… Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh vận hành hết năng suất để tạo ra hình ảnh Trung Quốc đã khống chế thành công dịch bệnh và đang quay sang giúp đỡ, viện trợ các nước trong khi các cường quốc phương Tây thì lao đao, khốn đốn.
Nhưng thật ra Bắc Kinh có thật có lòng tốt giúp đỡ các nước khác? Không hoàn toàn như vậy. Họ chỉ viện trợ một số lượng rất ít, còn lại là bán-từ khẩu trang, mặt nạ, bộ dụng cụ xét nghiệm…và bán với giá đắt hơn nhiều lần. Ngay giữa đại dịch khi nhiều quốc gia phải bỏ hàng trăm, hàng tỷ USD, Euro để chống dịch, nuôi dân và cứu vãn nền kinh tế thì Trung Cộng vẫn có cơ hội để làm ra tiền nhờ những hợp đồng “khủng” này. Nhưng thói gian thương, làm ăn ẩu tả, đã khiến Trung Quốc bị bẽ mặt khi các nước lần lượt phản ứng vì chất lượng hàng của họ.
Cho tới nay, có ít nhất 10 nước nhận phải khẩu trang, bộ xét nghiệm “dỏm” từ Trung Quốc, như Cộng hòa Czech, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh… (Đọc: “Coronavirus test kits withdrawn in Spain over poor accuracy rate”, The Guardian, “Netherlands recalls hundreds of thousands of defective Chinese face masks”, EuroNews, “Countries reject China pandemic product batches”, Finacial Times, “U.K. Purchased Millions of Unreliable Coronavirus Tests from China”, National Review…). Pakistan thì tố Trung Quốc gửi khẩu trang làm từ “vải đồ lót@ (Pakistan gets Chinese underwear as N95 masks”, International Business Times)…
Có nghĩa là Bắc kinh đã có cơ hội bằng vàng để làm ăn và cải thiện hình ảnh, nhưng họ lại làm hỏng thêm!
Trong những ngày vừa qua, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế quốc tế WHO đang bị nhiều quốc gia chỉ trích mạnh mẽ vì phản ứng chạm chạp, kém cỏi trước đại dịch và vì thái độ thân Trung Cộng khá lộ liễu. Ông Tedros đã bao che, bênh vực Trung Quốc bất chấp cách xử lý tệ hại của nước này trước đại dịch, đã giúp Bắc Kinh giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đại dịch, ông Tedros cũng bị chỉ trích vì đã hành xử không công bằng đối với Đài Loan theo sức ép từ Bắc Kinh.
Một đơn kiến nghị trực tuyến trên trang Change.org kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức đã thu được hàng trăm ngàn chữ ký.
Được biết, Trung Quốc là nước đã có nhiều tác động để ông Tedros đạt được vị trí tổng giám đốc WHO bằng cách sử dụng những cam kết về tài chính để lôi kéo các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros, từ đó giúp ông chiến thắng ứng cử viên David Nabarro của Anh để trở thành người đứng đầu WHO.
Và không chỉ có WHO, bàn tay nhám nhúa của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu nay đã tìm cách luồn lách, cài cắm người vào các tổ chức quốc tế để thao túng, lèo lái theo những mục tiêu, ý đồ có lợi cho Trung Quốc.
Chưa kể, ngay trong những ngày thế giới đang phải gồng mình chiến đấu với dịch cúm Vũ Hán, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn không quên những mục tiêu, tham vọng của họ. Hàng loạt các sự việc xảy ra như tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ngày 2.4, Trung Quốc cho “lập các trạm nghiên cứu ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi, hạ cánh máy bay quân sự chuyên dụng ở Đá Chữ Thập và triển khai dân quân biển đến Trường Sa”…(Đọc bài: “Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’, BBC), đẩy nhanh quá trình hoàn thiện máy bay đổ bộ AG600 và công bố sắp thử nghiệm trên biển (Đọc bài “Bắc Kinh đẩy nhanh năng lực điều binh khẩn cấp khắp Biển Đông”, Thanh Niên)…
Dân tộc Việt Nam, vốn đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương, cay đắng trong lịch sử, nên không hề nghi ngờ gì về tham vọng và chiến lược “đường dài” của Trung Cộng: bắt đầu là độc chiếm biển Đông tiến tới vươn lên bá chủ toàn cầu. Và Bắc Kinh luôn luôn biết cách chớp lấy những thời cơ thuận tiện để thực hiện tham vọng đó. Đại dịch COVID-19 này cũng là một trong cơ hội như vậy.
Trong khi đó, các nước phương Tây cũng nhìn thấy những mặt xấu của chế độ độc tài Trung Cộng, nhưng một phần, những năm vừa qua mối lo ngại và mục tiêu đề phòng chính của các nước phương Tây là những nhóm khủng bố cực đoan Hồi giáo, mặt khác, có lẽ họ không thấy hết được mức độ tham vọng cũng như mưu mô phá hoại các thể chế tự do dân chủ trên thế giới bằng rất nhiều cách thức khác nhau của Bắc Kinh.
Chỉ hy vọng rằng, qua đại dịch này và một số sự kiện khác sẽ khiến cho các nước phương Tây hiểu rõ hơn Trung Cộng.
Một thế giới lỏng lẻo hơn, dễ bị chia rẽ hơn
Hơn bao giờ hết, thế giới cần có sự đoàn kết chặt chẽ và cần có sự lãnh đạo của một cưởng quốc đứng đầu để cùng nhau có chiến lược lâu dài ngăn chặn “kẻ khồng lồ xấu xa” này. Thế nhưng, điều đáng buồn là chúng ta lại đang nhìn thấy một thế giới chia rẽ, co cụm lại với những vấn đề của chính mình. Các quốc gia trong khối EU vốn đã có nhiều khủng hoảng, trong đại dịch này khi mỗi nước đều phải đóng cửa biên giới với nước khác, đểu vật lộn với đại dịch và không thể giúp đỡ được nhau, thì liệu khi đại dịch qua đi, khối EU nói riêng và các quốc gia châu Âu nói chung có còn đoàn kết gắn bó?
Nước Mỹ kể từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống với chính sách America First đã dần dần rút khỏi vị trí lãnh đạo thế giới tự do. Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh cũng xấu đi nhiều do cung cách ứng xử thất thường và cách Trump thường đòi hỏi các nước phải đóng góp nhiều hơn nếu muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ về quân sự. Lối tiếp cận này có thể làm cho những người Mỹ theo chủ nghĩa dân túy cảm thấy thỏa mãn, nhưng thật sự có những cái lợi, cái hại không thể chỉ tính bằng tiền. Cần hiểu rằng sức mạnh của Mỹ không chỉ nằm ở kinh tế, quân sự, quốc phòng, mà còn nằm trong ảnh hưởng của nước Mỹ đối với thế giới và những mối quan hệ bạn bè đồng minh gắn bó-là hai thứ mà Nga và Trung Quốc tuy cũng là những cường quốc nhưng không có được và Trung cộng hiện đang cố gắng để đạt được bằng cách dùng tiền mua chuộc các nước như chúng ta thấy.
Song đồng tiền không phải lúc nào cũng mua được sức mạnh mềm và đồng minh. Trong rất nhiều cuộc chiến tranh mà nước Mỹ phát động hoặc tham gia trên thế giới, nhiều quốc gia từ Anh, Pháp, Đức, khối NATO…đã sát cánh với Mỹ. Chỉ một ví dụ: khi nước Mỹ phải trải qua sự kiện 11.9 bao nhiêu nước đồng minh đã đồng lòng ủng hộ Mỹ, đã đổ máu cùng với người Mỹ trên những chiến trường xa xôi ở Trung Đông để lấy lại danh dự cho nước Mỹ. Liệu bây giờ có nước nào muốn đổ máu hy sinh vì Nga hay Tàu? (trừ đảng cộng sản VN trước kia vì ngu muội đã hy sinh xương máu của dân mình)
Nhưng nước Mỹ bây giờ đã khác. Trong đại dịch này hình ảnh của nước Mỹ càng khác. Ngay mới đây, thời Cựu TT Obama, nước Mỹ vẫn ở trong vị trí lãnh đạo toàn cầu trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 hay đại dịch Ebola 2014, thì với đại dịch cúm Vũ Hán này nước Mỹ lao đao xử lý, lo cho mình còn không xong, tỷ lệ người bị nhiễm và người chết đứng nhất thế giới (tất nhiên, không kể con số của Tàu có đáng tin hay không), còn phải đi mua khẩu trang, vật tư y tế…của Tàu, và giành giựt với các đồng minh lâu đời như Pháp, Canada, Đức…để mua.
Và một khi Mỹ tự rút khỏi vai trò của mình, một khi mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh lỏng lẻo đi thì tất nhiên Trung Quốc sẽ tỉm cách nhảy vào thế chỗ.
Đại dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi, như mọi thảm họa khác, nhưng sau đó, ngoài mối lo đại dịch sẽ để lại những hậu quả nặng nề, lâu dài đến nền kinh tế và đời sống của hàng tỷ con người trên trái đất, thì tình hình, trật tự thế giới sẽ thay đổi ra sao cũng đáng lo ngại không kém.